Được biết, đây là chiếc xe mới được ĐSQ Áo tại Việt Nam mua để phục vụ công việc. Như vậy, ĐSQ Áo chính là cơ quan ngoại giao cấp quốc gia đầu tiên mua và sử dụng chiếc ô tô do người Việt sản xuất.
Theo VinFast, đây là điều đáng tự hào với một hãng xe mới như VinFast, bởi các ĐSQ vốn rất kĩ tính và cực kì chặt chẽ khi chọn sử dụng phương tiện đi lại. Theo Tiến sĩ Trần Tuấn Linh – một cựu chuyên viên làm việc lâu năm trong ngành ngoại giao, do đặc thù công việc, văn phòng các ĐSQ, lãnh sự quán nói chung khi chọn mua ô tô đều rất coi trọng tiêu chuẩn an toàn và khả năng vận hành của chiếc xe.
Cơ bản mà nói, các tiêu chí này có lẽ không làm khó VinFast Lux A2.0, bởi ô tô thương hiệu Việt lấy nền tảng (platform) BMW vốn nổi tiếng ổn định, đầm chắc. Chiếc sedan hạng E này được người dùng khen ngợi về tính chống ồn cao và động cơ tăng áp được tinh chỉnh từ động cơ BMW, mang tới độ vọt tốt. Đặc biệt, mức độ an toàn của VinFast Lux A2.0 đã được Chương trình đánh giá xe mới uy tín bậc nhất ASEAN NCAP đánh giá 5 sao, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của các cơ quan ngoại giao.
Tuy nhiên, các ĐSQ thường lựa chọn xe nhập khẩu bởi các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế. Theo quy định, các cơ quan đại diện ngoại giao có trụ sở tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; được tạm nhập khẩu, miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng xe ô tô, xe gắn máy. Do đó, nếu mua xe nhập theo chủng loại được quy định cụ thể, ĐSQ có thể sở hữu một chiếc xe sang có thương hiệu mạnh với chi phí tốt hơn nhiều khi mua xe tại Việt Nam.
Đặc biệt, cũng theo vị này, các cơ quan ngoại giao luôn có nguyên tắc bất thành văn trong việc dành ưu tiên số 1 cho các dòng xe xuất xứ từ nước mình. Đó không đơn giản chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là sản phẩm thể hiện nhiều giá trị truyền thống và hình ảnh của riêng từng quốc gia.
Nên về nguyên tắc, ĐSQ Áo sẽ ưu tiên sử dụng xe hơi thương hiệu của Áo. Tuy nhiên hiện nay Áo lại chỉ có một thương hiệu xe hơi song chuyên về xe thể thao và cả mô tô là KTM, nên một ĐSQ không thể sử dụng một chiếc xe thể thao thương hiệu Áo, chẳng hạn KTM X-Bow, để làm xe công vụ!
Điều này dẫn tới việc là họ sẽ đặt mức độ ưu tiên chọn những chiếc ô tô xuất xứ từ nơi liên quan mật thiết tới nước họ. Đó là lí do nhiều nước ở châu Âu không có nền công nghiệp ô tô của riêng mình nhưng sẽ chọn những chiếc xe đến từ những nước cùng sử dụng đồng euro.
Cũng chú ý rằng, Magna Steyr (Magna Steyr AG & Co KG) là một nhà sản xuất ô tô có trụ sở ở Graz, Áo. Dẫu rằng Magna Steyr có chế tạo, phát triển và lắp ráp những chiếc ô tô cho nhiều hãng xe khác dựa trên cấu trúc nền tảng, song Magna Steyr lại không phải là một thương hiệu xe hơi. Và chúng ta cũng đều biết rằng, Magna Steyr cũng là một đối tác trụ cột của VinFast.
VinFast cho biết, sau khi nhận xe, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam Thomas Schuller Gotzburg đã gửi một bức thư ngắn tới VinFast để cảm ơn, trong đó bày tỏ lí do cho quyết định của cơ quan này. “Đại sứ quán Áo chọn VinFast Lux A2.0 vì chất lượng cao và thiết kế hiện đại”, vị đại sứ nêu rõ.
Ông cũng tỏ ra hài lòng với “đội ngũ nhân viên và dịch vụ chuyên nghiệp” đã giúp Đại sứ quán Áo nhận xe nhanh chóng và không có bất kì sự cố nào.
Theo TS Trần Tuấn Linh, những chiếc xe ngoại giao cắm lá cờ đỏ, trắng của nước Áo có thể chỉ là khởi đầu của VinFast. “Trên đường phố Việt Nam, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều chiếc VinFast với những lá cờ của các quốc gia khác nhau. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu khi ô tô thương hiệu Việt đã được một cơ quan ngoại giao như ĐSQ Áo tin tưởng và tiên phong sử dụng làm xe công vụ”, ông nói.