Một hôm, tôi đi làm về trễ và trên đường có chứng kiến sự việc đáng tiếc như sau: ở đoạn ngã tư, khi đèn đỏ vừa sáng, tôi chủ động cho xe dừng lại, cùng lúc đó thì một người đàn ông trung niên cũng chuẩn bị dừng xe chờ đèn. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, do ở phần đường đèn xanh vắng bóng xe qua lại nên người đàn ông này đã điều khiển để xe vượt đèn đỏ. Bất ngờ lúc đó ở sau lưng tôi có hai thanh niên liều lĩnh chạy tốc độ cao vượt đèn đỏ nhưng lại thiếu quan sát tông vào sau người đàn ông trung niên chuẩn bị vượt đèn đỏ.
Sự việc diễn ra tiếp theo sau đó, cú tông không quá mạnh nhưng đủ làm cho cả 2 xe té xuống đường, may mắn là chưa ai bị thương nặng. Người đàn ông bị hai thanh niên tông vào do chỉ bị va quẹt nhẹ nên đã đứng dậy có nhiều lời mắng nhiếc, đổ lỗi với bên đối phương. Một trong hai thanh niên kia cũng đứng dậy cự cãi với người đàn ông, nhưng sự việc tồi tệ hơn là thanh niên này đã rút một con dao có sẵn bên mình ra hăm doạ và không kiềm chế được bản thân nên đã đâm hai nhát vào người đàn ông trung niên khiến ông này đã quỵ xuống đường. Nhanh chóng hai thanh niên trên dựng xe lên và bỏ trốn, để lại người đàn ông đang bị thương khá nặng.
Chứng kiến sự tình chi tiết và cụ thể nhưng do lúc đó mọi thứ xảy ra quá nhanh, hơn nữa tôi chỉ có đậu dừng xe một mình trên đường nên không kịp can dự từ ban đầu. Sau khi hai thanh niên kia bỏ đi, tôi dựng xe bên đường và tới gần chỗ nạn nhân bị đâm lúc nãy, cố gắng gọi cấp cứu và công an tới hiện trường sớm nhất có thể. Khoảng hơn 10 phút sau thì xe cấp cứu đến, nhưng điều tệ nhất là người đàn ông trên bị mất máu quá nhiều nên đã tử vong ngay khi vừa chuyển lên xe cấp cứu. Sau đó, tôi cũng được đưa về công an địa phương làm nhân chứng kể lại sự việc.
Tuy nhiên, qua câu chuyện này, tôi thấy việc xử lý va quẹt giao thông của một số người chưa thực sự văn minh, thậm chí dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tôi lo sợ nếu chẳng may chính mình gặp phải trường hợp này thì cần xử trí thế nào mới hợp lý.
Mong các chuyên gia tư vấn thêm.
Câu hỏi từ bạn đọc: Trường Minh (Q.6 – TP.HCM)
Trả lời:
Tại khoản 1 Điều 38 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm như sau:
“a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.”
Mặt khác, tại Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
“……..
17.Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm
18. Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
19. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.
20. Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.
…….”
Như vậy, khi xảy ra tai nạn những người liên quan đến vụ tai nạn phải phải thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 38 nêu trên. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đã gây tai nạn và bỏ chạy cũng như có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người bị tai nạn sẽ bị xử lý theo quy định Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, người gây tai nạn không chỉ có hành vi vi phạm giao thông gây tai nạn mà còn có hành vi cố ý xâm hại đến tính mạng sức khỏe của người bị tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng nên người gây tai nạn trong trường hợp này sẽ còn bị xử lý theo quy định của Luật Hình sự.