Đối với người lái xe thì việc am hiểu và nắm rõ các chi tiết, quy trình hoạt động của từng bộ phận trên ô tô là rất quan trọng. Đây là điều giúp người lái điều khiển xe mượt mà, an toàn và chủ động trong mọi tình huống. Đặc biệt giúp bạn bảo dưỡng xe đúng quy cách vì hiểu rõ bộ phận nào hư hỏng. Sau đây sẽ đi sâu vào ý nghĩa của các chi tiết trên xe ô tô.
Ngoại thất ô tô
Ngoại thất ô tô cấu tạo từ 7 bộ phận bên ngoài xe với các chức năng khác nhau. Công dụng chính là bảo vệ các bộ phận bên trong xe đồng thời mang giá trị thẩm mỹ. Sau đây là các chi tiết chính của ngoại thất ô tô.
Lưới tản nhiệt
Đại đa số các mẫu xe ô tô hiện nay đều trang bị lưới tản nhiệt. Đây cũng là bộ phận dễ dàng gây chú ý nhất trong số các bộ phận ngoại thất của ô tô. Lưới tản nhiệt là bộ phận rất quan trọng của xe với chức năng bảo vệ động cơ và bộ tản nhiệt. Ngoài ra nó còn cho phép luồn không khí với gió vào bên trong hỗ trợ làm mát, giảm nhiệt độ khi động cơ hoạt động.
Về vị trí, đa số các mẫu xe ô tô hiện nay đều đặt lưới tản nhiệt ở cản trước (động cơ ở phía trước) hoặc cản sau (động cơ đặt ở phía sau). Đặc biệt nhiều hãng ô tô còn bố trí lưới tản nhiệt ở trước bánh xe nhằm làm mát hệ thống phanh.
Nắp capô
Phần khung kim loại nằm ở đầu xe có tác dụng bảo vệ khoang động cơ chính là nắp capô. Thiết kế nắp capô dễ dàng đóng mở để hỗ trợ việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc trang bị thêm phụ tùng xe.
Cụm đèn pha
Đèn pha là bộ phận quan trọng không thể thiếu ở bất kỳ mẫu xe ô tô nào. Đây là thiết bị chiếu sáng có cường độ mạnh, tập trung và nằm ở mặt trước xe. Công dụng của đèn pha là chiếu sáng để dẫn đường cho người lái khi di chuyển tại khu vực thiếu hoặc có ánh sáng yếu, ban đêm hoặc làm tín hiệu xin đường.
Đèn pha có khả năng chiếu sáng tối thiểu 100m và được sử dụng khi xe chạy ngoài đô thị vào ban đêm. Cụm đèn pha nằm ở đầu xe 2 bên trái phải và nối liền với nắp capô. Đa số đèn pha ô tô ngày nay được thiết kế tạo ra luồng sáng tập trung mạnh, chiếu theo chiều ngang mặt đường.
Đặc biệt đèn pha có thể kết hợp đèn cốt trong cùng chóa đèn hay lắp bổ sung để tăng hiệu quả chiếu sáng. Đây là sự kết hợp tối ưu và rất được ưa chuộng. Đèn cốt ngoài việc lắp chung với chóa đèn thì còn có thể lắp rời tùy vào mẫu xe hoặc nhu cầu khách hàng.
Cản xe
Cản ô tô là bộ phận lắp đặt ở trước hoặc sau xe với công dụng giảm rủi ro tại nạn cho hành khách mỗi khi có lực va chạm mạnh tác động. Đồng thời còn hạn chế các bộ phận khác bị hư hỏng.
Cản được tăng cường hoặc tích hợp sẵn trên xe ô tô. Bộ phận này giúp người lái giảm thiểu chi phí sửa chữa. Nhiều người chơi xe rất thích bộ phận cản vì đây là phụ kiện có thể tạo phong cách và sự hầm hố cho ô tô.
Kính chắn gió
Kính chắn gió là bộ phận rất cần thiết của ô tô. Nó là khung kính có kích thước lớn nằm ở trước xe ngay trên nắp capô. Công dụng của bộ phận này là chắn bụi, gió và mưa đồng thời tăng độ cứng cho kết cấu xe. Từ đó đảm bảo an toàn cho hành khách, hạn chế rủi ro khi xảy ra va chạm.
Gương chiếu hậu
Hiện nay có 2 dạng gương chiếu hậu là gương gập thủ công và gập tự động tùy vào từng mẫu xe ô tô. Ngoài ra gương chiếu hậu còn có thể tích hợp hệ thống sưởi giúp mặt kính thông thoáng khi di chuyển vào còn đường độ ẩm cao.
Gương chiếu hậu ngoài việc gắn trên ô tô còn có mặt ở nhiều phương tiện giao thông khác. Loại gương này được thiết kế giúp người lái quan sát phía sau dễ dàng nhằm đảm bảo an toàn. Quy định lắp đặt gương chiếu hậu là ở 2 bên trái phải nối liền kính chắn gió. Cách này giúp tài xế dễ dàng quan sát làn đường 2 bên khi chạy hoặc cần xin đường.
Nội thất ô tô
Nội thất ô tô bao hàm tất cả các bộ phận bên trong xe. Cụ thể là khoang lái và những tiện ích đem lại sự thoải mái cho người sử dụng. Ngày nay khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn các chi tiết nội thất ô tô.
Buồng lái
Buồng lái xe ô tô gồm các bộ phận sau:
Vô lăng: Đây là bộ phận rất quan trọng thuộc hệ thống lái xe ô tô. Thiết kế hình tròn có công dụng điều khiển hướng di chuyển của xe. Tùy thuộc quy định luật giao thông của mỗi nước mà vị trí vô lăng sẽ nằm bên trái hoặc phải. Tại Việt Nam vì chiều thuận là bên phải nên vô lăng sẽ nằm bên trái.
Bảng táp lô: Bao gồm bảng đồng hồ và bảng điều khiển, cụ thể:
Bảng đồng hồ là hệ thống thông báo thông tin gồm đèn báo, màn hình, các loại đồng hồ (đồng hồ số, đồng hồ xăng…) thể hiện theo dạng kim số và chỉ.
Bảng điều khiển gồm các công tắc điều khiển thiết bị tiện ích: điều hòa, quạt gió, âm thanh, đèn, cần gạt nước….
Bàn đạp ga: Bộ phận này được lắp đặt ở bên phải trục vô lăng, cạnh bàn đạp phanh. Công dụng điều khiển lượng cung cấp nhiên liệu cho động cơ giúp xe chạy nhanh hơn. Người dùng điều khiển bàn đạp ga bằng chân phải. Mặc dù lực tác động không lớn nhưng bàn đạp ga rất nhạy.
Bàn đạp phanh: Công dụng là giảm tốc độ hoặc dừng xe. Bao gồm bàn đạp phanh chân nằm bên phải trục vô lăng và giữa trục côn với trục ga. Tác dụng là hãm tốc độ và giúp xe dừng lại. Ngoài ra còn có phanh tay nằm trên giá đỡ bên phải trục tay lái giúp cố định xe lúc dừng hoặc đậu xe.
Công tắc chính (khóa điện): Công tắc gồm 4 nấc và nằm ở trục tay lái. Cụ thể
LOCK khóa tay lái và là nơi để đưa hoặc rút chìa khóa xe.
ACC cấp điện hạn chế cho một số thiết bị.
ON cấp điện khi máy đã hoạt động xong.
START khởi động máy. Khi người lái vặn khóa ở START thì máy sẽ khởi động rồi chìa tự trở về nấc ON.
Bộ phận điều khiển
Cần số: Bộ phận này nằm ở bên phải người lái với công dụng điều khiển sự ăn khớp giữa các bánh răng trong hộp số. Từ đó thay đổi sức kéo, tốc độ di chuyển của xe. Cần số vận hành cùng bộ ly hợp.
Cần điều khiển phanh tay: Công dụng điều khiển hệ thống phanh tay giúp xe đứng yên trên đường dốc. Thông thường người lái sử dụng cần phanh tay khi dừng hoặc đậu xe. Ngoài ra trong các trường hợp cần thiết còn có hỗ trợ phanh chân.
Công tắc điều khiển cần gạt nước: Chức năng của nó là gạt nước bám trên kính khi xe chạy trong thời tiết sương mù hoặc mưa bão. Ngoài ra cần gạt còn được dùng khi kính chắn gió mờ hoặc bẩn. Thông thường công tắc điều khiển cần gạt nước sẽ có 4 nấc.
Đồng hồ và đèn báo trong bảng đồng hồ: Hai bộ phận này nằm trước mặt người lái. Cụ thể:
Đồng hồ tốc độ hiển thị số km xe chạy trong 1 tiếng. Bao gồm cả bộ phận hiển thị báo tổng quãng đường và quãng đường xe đã chạy. Bộ phận này rất quan trọng vì nó hiển thị thông tin để người dùng biết đã chạy bao nhiêu km/h, tốc độ nhanh thế nào.
Đồng hồ vòng tua (RPM) hiển thị số vòng/phút cho biết động cơ có hoạt động trong dải mô men xoắn tối ưu, tốc độ không tải đạt chuẩn hay không. Nói đơn giản thì bộ phận này giúp người dùng biết sức mạnh của động cơ. Đa số đồng hồ đo RPM có các vùng màu đỏ từ 6.000 hoặc 7.000 RPM. Nếu RPM đi vào vùng đỏ thì người lái cần giảm tốc độ.
Đồng hồ đo nhiên liệu: Bộ phận này hiển thị thông tin nhiên liệu trong bình xăng. Thông thường sẽ là mặt số tương tự kim đồng hồ chạy giữa “F” (Full) và “E” (Empty). Nhiều mẫu xe hiện đại thì trang bị đồng hồ đo nhiên liệu kỹ thuật số.
Ngoài ra còn có một số bộ phận khác như đồng hồ báo nhiệt độ làm mát bằng nước, đèn báo dầu bôi trơn, đèn phanh – đèn cửa xe – đèn nạp bình ắc quy. Các bộ phận điều khiển như nút bấm đóng mở cửa sổ tự động, công tắc điều hòa nhiệt độ, điều khiển mở nắp thùng nhiên liệu…. Hệ thống âm thanh, màn hình giải trí, kết nối bluetooth… giúp người dùng thư giãn, thoải mái.
Ghế ngồi
Ghế ngồi là bộ phận không thể thiếu khi nói đến nội thất xe ô tô. Tùy thuộc mẫu xe và phân khúc (SUV, Sedan, Hatchback, MPV, xe mui trần, Coupe…) mà số chỗ ngồi khác nhau. Số ghế ngồi thấp nhất hiện nay là 2, phổ biến nhất có 4, 5 và 7 chỗ ngồi. Xe ô tô luôn gồm ghế cho người lái và hành khách. Cấu trúc cơ bản như sau:
Trục trượt: Bộ phận quan trọng với nhiệm vụ cố định ghế vào khung ô tô và gắn bên dưới. Đặc biệt bảo vệ người ngồi khỏi rủi ro tai nạn.
Vỏ ghế chính là phần bao bọc bên ngoài với đa dạng chất liệu, màu sắc. Nhiều người yêu thích xe cũng rất chú trọng bộ phận này. Vỏ ghế tốt sẽ đảm bảo sự thoải mái và êm ái khi ngồi.
Khung ghế giống như khung xương giúp cố định hình dáng, tăng khả năng chịu lực. Nhiều hãng còn đúc khung ghế bằng thép hoặc sắt để nâng sức mạnh. Bề ngoài thì có lớp sơn chống gỉ.
Hệ thống ngả giúp xe mềm mại hơn khi ngồi. Ghế chia làm 2 phần vì cấu tạo theo nguyên lý khớp nối. Do đó lưng người ngồi chuyển động về sau linh hoạt, hạn chế gò bó trong một tư thế lâu dài.
Khoang máy xe ô tô
Khoang máy ô tô chính là trái tim của xe khi sở hữu động cơ, bộ phận điện và công. Nói cách khác động cơ là bộ phận quan trọng nhất quyết định toàn bộ sự vận hành của xe. Cụ thể:
Bugi là bộ phận có chức năng tạo tia lửa điện đốt không khí với nhiên liệu trong xi lanh.
Xi lanh là bộ phận chính của động cùng piston di chuyển lên xuống. Một xe ô tô thường có từ 4, 6 đến 8 xi lanh. Tuy nhiên hiện đã có một số xe sở hữu 12 hoặc 16 xi lanh. Xi lanh sẽ nằm hàng dọc, xếp đối xứng hoặc tạo hình chữ V.
Van có chức năng cung cấp nhiên liệu cho động cơ đồng thời thải khí độc ra ngoài.
Trục khuỷu thì giúp piston chuyển đổi tịnh tiến thành chuyển động quay.
Trục cam có các mấu cam khi quay thì đẩy van xuống. Do đó van có thể mở hoặc hút vào.
Bên cạnh các bộ phận chính trên thì khoang máy còn có nhiều chi tiết khác. Ví dụ hệ thống đánh lửa, hệ thống nạp và khởi động, hệ thống xả, hệ thống làm mát……
Khung gầm xe ô tô
Khung gầm ô tô nâng đỡ tất cả bộ phận của xe giúp chúng hoạt động được đồng bộ. Nói một cách đơn giản khung gầm chính là bộ xương của xe, điểm tựa của tất cả các bộ phận khác trên ô tô. Do đó xe có khung gầm tốt sẽ di chuyển êm ái, đảm bảo an toàn kể cả khi va chạm mạnh.
Khung gầm ô tô là phần chính giúp tạo ra hình dáng bên ngoài của xe và sự ổn định kết cấu bên trong. Đặc biệt giúp bảo vệ khỏi mưa gió, khói bụi và tác nhân bên ngoài. Bên cạnh đó khung vỏ ô tô còn được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác để tạo nên một chiếc xe hoàn chỉnh. Ví dụ như tấm thép lót sàn, cánh cửa xe, kính lái…. Khung vỏ xe thường làm từ thép phun sơn tĩnh điện.
Khung vỏ xe ô tô hiện nay trên thị trường chia làm 2 loại: khung rời vỏ và khung liền vỏ. Trong đó:
Khung rời vỏ thì có vỏ xe và khung xe sản xuất theo 2 dây chuyền khác nhau. Chúng liên kết với nhau nhờ vào khung đỡ lực và khung đỡ vỏ xe. Thông thường khung rời vỏ sẽ thấy trên dòng xe Pickup, SUV…
Trong khi khung liền vỏ sản xuất gắn liền với những chi tiết của vỏ xe: cánh cửa, đuôi xe, nắp capô… Khung liền vỏ thì có mặt trên dòng xe Sedan, Compact…
Khung gầm xe ô tô được cấu tạo từ:
Cụ vi sai: Bộ phận này là cụm nhiều bánh răng kết nối với nha. Công dụng truyền động lực để xe di chuyển.
Trục cát đăng: Đây là đoạn trụ ống có 2 đầu bánh răng. Công dụng kết nối bộ vi sai trước – sau và truyền động lực từ bánh trước ra bánh sau để xe chạy. Tốc độ xe nhanh chậm còn tùy thuộc phần trục quay.
Bánh xe: Bộ phận này cấu tạo từ lốp bao bên ngoài, hệ thống phanh, vành và niềng cùng trục bánh xe.
Bên cạnh ngoại nội thất cùng khung gầm xe thì ô tô còn có nhiều chi tiết khác được trang bị tùy vào hãng, phân khúc và đối tượng khách hàng. Những chia sẻ trên đây chỉ là các chi tiết thông dụng và cơ bản trên xe ô tô. Mỗi một chi tiết đều có ý nghĩa quan trọng riêng. Việc hiểu rõ nguyên lý hoạt động các bộ phận ô tô sẽ giúp bạn điều khiển xe linh hoạt trong mọi địa hình.
Tin Bán Xe là website thuộc Công ty TNHH Thương mại E-Com. Là trang web chuyên cập nhật các thông tin, review trải nhiệm – đánh giá chi tiết xe hơi, cập nhật bảng giá xe oto các hãng xe hơi trong và ngoài nước. Và là cầu nối giúp kết nối giữa người mua và người bán thông qua nền tảng mua bán oto trực tuyến hiệu quả. Chúng tôi không bán hàng trực tiếp, nếu có nhu cầu mua xe, xin vui lòng liên hệ với người đăng tin.