Về bản chất thì đèn pha hay đèn cốt là thuật ngữ chỉ hệ thống chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông, chủ yếu là ô tô và xe máy. Trong đó, đèn pha mang ý nghĩa là đèn chiếu xa, còn đèn cốt tức là là đèn chiếu gần.
Tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đèn “pha” được vay mượn từ tiếng Anh, trong đó “far” (có nghĩa là “xa”) phát âm như “pha” trong tiếng Việt. Đồng thời, cũng có nhiều người cho rằng đèn “cốt” có thể viết là “cos” và có liên quan tới hình học lượng giác, mô tả gắn với góc chiếu sáng của đèn.
Tuy nhiên, cách giải thích trên đây chưa hợp lý. Bởi lẽ, nếu cụm từ “đèn pha” được vay mượn từ tiếng Anh, vậy “đèn cốt” tại sao lại không được vay mượn từ tiếng Anh, để đồng bộ nhau?
Tương tự như vậy, nếu cụm từ “đèn cốt” biểu thị cho “cos” trong thuật ngữ hình học, thì “đèn pha” có liên quan gì tới hình học lượng giác?
Thực chất, từ “pha” trong từ ghép “đèn pha” được phiên âm từ từ “phare” trong cụm từ tiếng Pháp “les phares d’automobiles”. Cụm từ này (hoặc đơn giản hơn là “plein phare”) có nghĩa là đèn chiếu sáng xa của ô tô. Đồng thời “phare” trong tiếng Pháp cũng có nghĩa là “ngọn hải đăng” – thiết bị có thể chiếu ánh sáng đi một khoảng cách rất xa.
Tương tự, từ “cốt” trong từ ghép “đèn cốt” cũng được phiên âm từ cụm từ tiếng Pháp “feux de croisement” (hoặc đơn giản hơn là “codes”) có nghĩa là đèn chiếu sáng gần của ô tô. Từ “code” trong tiếng Pháp (và cả tiếng Anh) có nghĩa là luật lệ, điều luật.
Từ đây xuất hiện thêm một giả thiết “đèn cốt” được gắn với “codes” – có nghĩa là điều luật. Bởi lẽ trong chiến tranh thời xưa, nếu xe ô tô sử dụng đèn chiếu xa thì sẽ dễ bị địch phát hiện. Do đó, các tài xế lái xe quân sự trong đêm phải sử dụng đèn chiếu gần và đó là luật.
Đồng thời nếu đi sâu vào lịch sử, chúng ta có thể tìm ra rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật được vay mượn từ tiếng Pháp, ví dụ như đèn “xi-nhan” (signal) có nghĩa là tín hiệu – đèn tín hiệu. Hay các ví dụ khác như: táp-lô (tableau), táp-pi (tapis), vô-lăng (volant), la-zăng (la jante)…
Tóm lại, thuật ngữ đèn cốt là biểu thị cho đèn chiếu sáng gần, sử dụng khi đi trong đô thị, khu dân cư hoặc khi gặp xe đi ngược chiều, còn đèn pha là biểu thị cho đèn chiếu sáng xa, sử dụng khi đi trên đường cao tốc và không có xe đi ngược chiều.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định: Người điều khiển phương tiện giao thông (ô tô, mô tô, xe gắn máy) phải bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Không được sử dụng đèn chiếu xa khi đi ngược chiều. Khi lưu thông trong hầm đường bộ phải bật đèn chiếu gần (đèn cốt).
Mức xử phạt đối với một số hành vi liên quan tới sử dụng đèn chiếu sáng cũng đã được nâng lên so với nghị định 46/2016, cụ thể:
Đối với ô tô, phạt tiền từ 800 ngàn tới 1 triệu đồng, nếu sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư hoặc khi lưu thông trong hầm đường bộ (trước đây mức phạt là 600 ngàn – 800 ngàn đồng). Đối với xe máy, phạt tiền từ 100 ngàn tới 200 ngàn đồng, nếu sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư hoặc khi lưu thông trong hầm đường bộ (trước đây mức phạt là 80 ngàn – 100 ngàn đồng).
Đồng thời, phạt tiền từ 800 ngàn đồng tới 1 triệu đồng đối với ô tô, nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, hoặc khi lưu thông trong hầm đường bộ (trước đây phạt tiền từ 600 ngàn – 800 ngàn đồng).
Phạt tiền từ 100 ngàn đồng tới 200 ngàn đồng đối với xe máy, nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, hoặc khi lưu thông trong hầm đường bộ (trước đây phạt tiền từ 80 ngàn – 100 ngàn đồng).