Lỗi bật đèn pha không đúng quy định bị xử phạt như thế nào? Ảnh: TheSpeedhunters
Trường hợp không chú ý đến các tính năng của thiết bị trên ôtô, xe máy như đèn pha có thể bị xử phạt hành chính.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, điều kiện tham gia giao thông của xe ôtô phải có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu.
Theo đó, đèn chiếu xa hay còn gọi là đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn và tầm nhìn cao hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa.
Tuy nhiên chế độ đèn này sử dụng khi đi đường trường, cao tốc,… nếu sử dụng trong khu đô thị, nơi đông dân cư sẽ gây lóa mắt, mất tầm nhìn cho các xe đi ngược chiều, dẫn đến nguy hiểm.
Các trường hợp không được sử dụng đèn chiếu xa
Trong đô thị, khu đông dân cư
Theo Luật giao thông đường bộ 2008, tại Khoản 12 Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm, có quy định về việc các phương tiện không được sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha) trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ như xe cứu hỏa, xe cứu thương,…
Theo đó, nghiêm cấm các hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.
Sử dụng khi tránh xe đi ngược chiều
Theo Điều 17 Luật giao thông đường bộ 2008, đối với đường không chia hai chiều riêng biệt, xe cơ giới đi ngược chiều nhau không được sử dụng đèn chiếu xa.
Mức xử phạt hành vi sử dụng đèn chiếu xa sai quy định
Căn cứ vào Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị xử lý cụ thể như sau:
Đối với ôtô
Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư: Phạt tiền từ 800.000 đồng – 1 triệu đồng (trước đây phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng).
Đối với xe máy
Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (trước đây phạt tiền từ 80.000 – 100.000 đồng).