So sánh Mazda CX-3 vs CX-5: Huynh đệ đối đầu
Phân khúc compact và subcompact crossover luôn “nóng” với hàng chục mẫu xe cạnh tranh quyết liệt để thu hút sự chú ý của khách hàng. Mazda cũng có 2 sản phẩm trong những phân khúc này lần lượt là CX-3 và CX-5. Đây được xem là 2 trong số những lựa chọn đẹp nhất trong phân khúc. Chúng ta hãy cùng so sánh Mazda CX-3 và CX-5 xem liệu mẫu nào phù hợp hơn cho nhu cầu của bạn?
1. Hệ thống truyền động, động cơ
Mazda CX-3 chỉ có một lựa chọn động cơ duy nhất. Động cơ 2 lít I4 tạo ra công suất 148 mã lực và mô-men xoắn cực đại 198Nm. Đi kèm với đó là hộp số tự động 6 cấp và không có hộp số CVT. Với thiết lập này, rõ ràng xe không nổi bật so với các đối thủ.
Đối với Mazda CX-5 đời mới, xe có tới 3 lựa chọn động cơ khác nhau. Biến thể cơ bản trang bị động cơ 2,5 lít 4 xi lanh hút khí tự nhiên (187 mã lực/254Nm). Biến thể Grand Touring Reserve và Signature cung cấp cho người mua phiên bản tăng áp của động cơ kể trên với các mức công suất là 227 hoặc 250 mã lực. Mô-men xoắn của động cơ này là 420Nm. Cuối cùng, động cơ diesel mới tạo ra công suất 168 mã lực và mô-men xoắn 393Nm.
Qua đó, chúng ta có thể thấy Mazda CX-5 Turbo là mẫu xe đáng dùng nhất nếu khách hàng đủ khả năng chi trả. Đó là vì xe có mô-men xoắn cao giúp tạo ra sự khác biệt khi chạy trên đường cao tốc.
2. Mức tiết kiệm nhiên liệu
Mazda CX-3 chỉ đi kèm dẫn động cầu trước. Xe tiêu thụ 8,1 lít/100km khi lái xe trong thành phố. Trong khi đó, chạy trên đường cao tốc sẽ tốn 6,9 lít/100km.
Đối với Mazda CX-5 dẫn động cầu trước không có động cơ tăng áp, EPA đánh giá mức tiết kiệm nhiên liệu là 8,4 lít/100km khi chạy kết hợp (9,4 lít/100km trong thành phố và 7,6 lít/100km trên đường cao tốc). Phiên bản dẫn động 4 bánh chỉ tốn xăng hơn một chút.
Trong khi đó, CX-5 động cơ tăng áp được đánh giá ở mức 9,8 lít/100km khi chạy kết hợp (10,7 lít/100km trong thành phố và 8,7 lít/100km trên đường cao tốc). Động cơ diesel chỉ đi kèm hệ dẫn động 4 bánh tiêu tốn 8,4 lít/100km khi chạy kết hợp (8,7 lít/100km trong thành phố và 7,8 lít/100km trên đường cao tốc). Tóm lại, nếu tiết kiệm nhiên liệu là tiêu chí chính của bạn, rõ ràng CX-3 là sự lựa chọn đúng đắn. Với giá xăng dầu tại Mỹ, trung bình một năm khách hàng có thể tiết kiệm được 120 USD nếu chọn CX-3 thay vì CX-5.
3. Không gian cabin
Dựa trên kiến trúc xe nhỏ, dễ hiểu khi Mazda CX-3 có không gian nhỏ nhắn bên trong xe. Khoảng không trên đầu của ghế trước là 98cm khi không có cửa sổ trời và 96cm khi có cửa sổ trời. Chỗ để chân phía trước thực sự nhiều hơn so với mẫu xe “đàn anh”, ở mức 106cm. Đáng tiếc là chỗ để chân ghế sau chỉ rộng 89cm.
Đối với Mazda CX-5, khi không có cửa sổ trời, xe cung cấp khoảng không trên đầu 101cm ở hàng ghế trước. Con số này giảm một chút ở hàng ghế thứ hai. Thêm cửa sổ trời cũng sẽ thu hẹp không gian này một chút nữa. Chỗ để chân có kích thước 102cm cho ghế trước và 101cm cho ghế sau. Tóm lại, nếu gia đình bạn bao gồm những người cao trên 1m8, hãy lựa chọn CX-5.
4. Khoang hành lý
Mazda CX-3 không chứa được nhiều đồ đạc nếu gia đình bạn hiện có số lượng nhiều hơn hai người. Không gian lưu trữ khi hàng ghế sau dựng chỉ là 351 lít. Nếu trang bị hệ thống âm thanh Bose với thêm loa, không gian này thậm chí giảm xuống còn 266 lít, ngang với Mazda Miata. Khi hàng ghế sau gập xuống, khoang hành lý rộng 1.260 lít chỉ còn 2 chỗ ngồi.
Với tất cả các ghế dựng và sẵn sàng chứa 5 người, Mazda CX-5 vẫn có thể chứa hành lý được 850 lít. Gập hàng ghế thứ hai xuống thậm chí sẽ làm tăng con số này lên đến gần 1.700 lít. Có thể thấy, khoang hành lý của CX-3 rất nhỏ và khó có thể chứa tất cả đồ đạc cho chuyến đi xa vào cuối tuần của gia đình. CX-5 sẽ là mẫu xe phù hợp hơn với nhiệm vụ như vậy. Tuy nhiên, những người độc thân có thể thấy không gian nhỏ CX-3 là một sự đánh đổi chấp nhận được.
5. Công nghệ
CX-3 đi kèm tiêu chuẩn với hệ thống giám sát điểm mù và hệ thống cảnh báo giao thông phía sau. Xe còn có nút bấm khởi động cũng như sự kết hợp của các cổng USB và hệ thống thông tin giải trí 7 inch của Mazda. Gói i-ActivSense có sẵn mang đến kiểm soát hành trình thích ứng và cảnh báo chệch làn đường.
Ngoài những công nghệ như trong mẫu xe “đàn em”, CX-5 còn sở hữu các tùy chọn đáng chú ý như camera quan sát 360 độ và màn hình hiển thị TFT có thể điều chỉnh trong cụm đồng hồ. Biến thể Signature đặc biệt hấp dẫn khi đi kèm ghế da Caturra Brown Nappa. Theo Mazda, hãng đã cố tình thiết kế hệ thống thông tin giải trí để không tích hợp màn hình cảm ứng vì cảm thấy công nghệ như vậy đang làm mất tập trung cho người lái xe. Để giảm thiểu tình trạng mất tập trung của tài xế, các lệnh có thể được thực hiện đơn giản với nút xoay và nút bấm đa chức năng hoặc bằng lệnh thoại. Đây là giải pháp thông minh trong cả hai mẫu xe.
6. Phong cách ngoại thất
Giống như một số nhà sản xuất ô tô Đức, Mazda thích tạo ra những mẫu crossover với chiều dài khác biệt. Tuy nhiên, cả Mazda CX-3 và CX-5 chắc chắn có ngoại hình hấp dẫn, đặc biệt là mũi cá mập và vòm bánh xe “sưng lên”.
7. Giá cả
Có giá chỉ từ 20.390 USD (474 triệu đồng), Mazda CX-3 là mẫu xe cực kỳ giá trị. Thị trường hiện tại ưa chuộng những chiếc xe phong cách crossover nhưng giá cả phải chăng và có cá tính thể thao. CX-3 khá phù hợp với nhu cầu này. Trên thực tế, giá cơ bản của CX-3 thấp hơn 600 USD so với mẫu xe nhỏ nhất của hãng là Mazda 3 sedan. Hệ dẫn động 4 bánh có sẵn trên tất cả các biến thể chỉ với giá bổ sung 1.400 USD. Trong khi đó, CX-5 lên kế hoạch trở thành trung tâm trong phân khúc compact crossover. Xe chốt giá thấp nhất là 24.350 USD (566 triệu đồng). Khi đó, xe chỉ trang bị động cơ không có tăng áp.
Giống như người anh em nhỏ hơn, dẫn động 4 bánh cũng có sẵn đối với CX-5 với giá 1.400 USD. Những ai muốn có động cơ tăng áp cần chọn biến thể Grant Touring Reserve trị giá 34.870 USD (811 triệu đồng). Tóm lại, CX-3 nhỏ hơn và rẻ hơn. CX-5 chỉ đắt hơn khoảng 4.000 USD nhưng có thêm trang bị và không gian. Bên cạnh đó, CX-5 khi trang bị động cơ tăng áp là mẫu xe tuyệt vời vì có sự kết hợp giữa không gian và tốc độ.