Vừa ra mắt hai mẫu xe mới của dòng MT-Series cách đây chưa lâu, Yamaha lại tiếp tục để lộ những thông tin về chiếc MT-09 sử dụng động cơ 3 xi-lanh thế hệ cũ kết hợp với hệ thống tăng áp Turbo. Bằng chứng cụ thể chính là những hình ảnh trong đăng ký bản quyền sáng chế bị rò rỉ. Yamaha nghiêm túc với công nghệ tới nỗi hãng cũng đã tạo ra một chiếc xe thử nghiệm động cơ mới dựa trên cơ sở dòng MT-10 hiện tại.
Theo như các thông tin có được, động cơ 3 xi-lanh này vẫn có dung tích là 847cc tương tự như chiếc MT-09 đời 2014-2020. Tuy nhiên nó đã được trang bị thêm hệ thống tăng áp, cũng như hành trình piston tăng lên 73mm (cũ 59,1mm) và đường kính piston giảm xuống 67,5mm (cũ 78mm). Những thay đổi này sẽ tạo ra mô-men xoắn lớn ở vòng tua thấp. Trong một vài cuộc thử nghiệm, công suất của chiếc xe đạt 180 mã lực tại 8.500 vòng/phút cùng với mô-men xoắn đạt tới ngưỡng 176Nm.
Đặc biệt, 90% mô-men xoắn cực đại đáp ứng ở dải tua từ 3.000 -7000 vòng/phút – vượt trội hoàn toàn so với ngay cả chiếc power cruiser V-Max có dung tích lên tới 1200cc. Ngoài ra một điểm nhấn nổi bật khác đó là lượng thí CO2 thải ra thấp hơn 30% so với động cơ 847cc hút khí tự nhiên; đồng thời các lượng khí thải khác như carbon monoxide, NOx và hydrocacbon cũng giảm một nửa so với mức quy định của Euro5 mới nhất đang áp dụng ở châu Âu.
Về chi tiết hệ thống tăng áp turbo cho khối động cơ 3 xi-lanh trên chiếc MT-09 không quá phức tạp. Từ những hình ảnh của của đăng ký bản quyền cho thấy hệ thống turbo này được lắp ngay phía trước động cơ để tối ưu lượng khí nạp vào động cơ. Hệ thống cảm biến hút không khí đi vào động cơ được điền khiển bằng điện, bộ tăng áp gồm hệ thống ống xả (số 78 trong hình trên) và tua-bin ( số 81). Bên trong tua-bin sẽ có hai bộ phận cánh quạt đồng trục, một cánh quạt chủ động quay nhờ lượng khí thải xả ra từ hệ thống ống xả kéo theo cánh quạt còn lại quay để hút lượng không khí từ ngoài vào.
Lượng không khí nạp với áp suất cao được nén lại và cung cấp nhiều oxi hơn khi đưa vào buồng đốt. Không khí giàu oxi sẽ làm cho quá trình nổ trong buồng đốt tăng lên và cho ra công suất cùng mô-men xoắn lớn hơn. Áp suất khí nạp vào cao đồng nghĩa nhiệt độ không khí hút vào cao chính vì vậy không khí buộc phải đi qua bộ làm mát trung tâm (số 90). Bên cạnh đó trên hình ảnh cho thấy không khí đưa vào tua-bin hút từ khe hút gió của động cơ cũng phải đi qua một bộ lọc gió (số 42) để ngăn các tạp chất đi vào hệ thống Turbo.
Mặc dù động cơ được thiết kế riêng nhưng nó lại được đặt vào nguyên mẫu của một chiếc MT-10. với đa số các bộ phận đều đến từ chiếc xe này gồm khung Deltabox, gắp sau, phuộc. Mục đích sử dụng hệ chassis này nhằm phù hợp với sức mạnh của động cơ. Liệu rằng động cơ 3 xi-lanh trang bị thêm turbo có trở thành hiện thực? Đó vẫn là một ẩn số vì vào lúc này, Yamaha vẫn đang cố gắng tối ưu hóa công suất cho các mẫu xe của mình nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố khí thải đang ngày càng thắt chặt của châu Âu.