Thị trường ô tô vốn rất đa dạng, dễ khiến những khách hàng choáng ngợp trong lần đầu tìm hiểu. Do vậy việc phân chia sản phẩm thành các hạng (phân khúc xe) là phù hợp, giúp người mua có thể dễ dàng xác định được loại xe mình muốn sở hữu.
Có rất nhiều tiêu chí để phân hạng xe ô tô, như: kích thước (chiều dài tổng thể và trục cơ sở), tính năng (chở khách, chở hàng…) hoặc thông số động cơ (dung tích xi-lanh). Các phân khúc xe trên thị trường thường được phân chia dựa theo kích thước tổng thể mà không áp dụng phân loại theo thương hiệu hoặc giá bán.
Phân khúc hạng A: là những mẫu xe có kích thước nhỏ nhất, với mục đích sử dụng cho gia đình đi lại trong môi trường đô thị. Xe hạng A thường chỉ được trang bị động cơ 3 hoặc 4 xi-lanh với dung tích khoảng dưới 1.5L nhằm mục đích tiết kiệm nhiên liệu. Do đó khi chạy trên cao tốc, đường đồi núi hoặc vượt xe, những chiếc xe hạng A sẽ tỏ ra “đuối sức”. Các mẫu xe hạng A thường có kích thước khoảng: dài 3.500mm và rộng 1.600mm, chiều dài trục cơ sở dưới 2.500mm.
Xe hạng A tại Việt Nam đều là dạng hatchback: cốp chứa đồ được bố trí liền hàng ghế sau, cửa cốp thẳng đứng từ trên nóc đuôi xe xuống dưới. Những cái tên thuộc phân khúc hạng A có thể kể tới, bao gồm: Hyundai i10, Kia Morning, Toyota Wigo, Chevrolet Spark (nay là VinFast Fadil), Mitsubishi Mirage… Thậm chí có nhiều mẫu xe 2 chỗ ngồi, được nhập khẩu tư nhân lác đác trên đường cũng có thể xếp được vào xe hạng A, như: Smart ForTwo.
Hiện nay tại thị trường trong nước, Hyundai i10 được coi là mẫu xe hạng A đắt khách nhất và luôn góp mặt vào top 10 xe bán chạy các tháng, còn VinFast Fadil là cái tên mới nhất, nhưng được trang bị nhiều option tốt nhất và có giá bán cao nhất trong phân khúc.
Phân khúc hạng B: là những mẫu xe cỡ nhỏ, chủ yếu phục vụ các gia đình hoặc đối tượng kinh doanh vận tải taxi. Xe hạng B thường được các nhà sản xuất trang bị khối động cơ 4 xi-lanh, dung tích khoảng 1.6L. Các mẫu xe hạng B thường có kích thước khoảng: dài 4.100mm và rộng 1.700mm, chiều dài trục cơ sở dưới 2.600mm.
Những mẫu xe hạng B trên thị trường Việt Nam khá đa dạng, bao gồm cả sedan và hatchback. Sản lượng bán hàng của phân khúc này cũng được coi là tốt nhất thị trường trong nước. Đây là phân khúc sôi động nhất, với sự cạnh tranh quyết liệt và vô cùng gay gắt của đông đảo các hãng xe có mặt tại Việt Nam. Những cái tên nổi bật nhất phân khúc này bao gồm: Toyota Vios, Hyundai Accent, Kia Soluto, Mazda2, Honda City, Nissan Sunny, Mitsubishi Attrage, Toyota Yaris…
Nổi bật nhất trong số những mẫu xe hạng B phải kể tới: “ông vua doanh số” Toyota Vios hoặc tân binh Kia Soluto – dù mới ra mắt nhưng trang bị nổi bật nhất phân khúc. Gần như tất cả các mẫu xe hạng B đều được lắp ráp trong nước, nhằm đảm bảo lợi thế về giá khi cạnh tranh với các đối thủ.
Phân khúc hạng C: là những mẫu xe cỡ vừa, chủ yếu phục vụ đối tượng gia đình đã từng sở hữu xe trước đó (lên đời xe). Xe hạng C thường có mức giá bán nằm ở tầm trung, đi kèm nhiều trang bị an toàn, tính năng hiện đại cũng như động cơ mạnh mẽ. Nó có thể được trang bị các khối động cơ có tăng áp, với dung tích có thể lên tới 2.0L và thậm chí là hơn nữa. Các mẫu sedan hạng C thường có kích thước khoảng: dài 4.600mm và rộng 1.800mm, chiều dài trục cơ sở khoảng 2.700mm.
Những mẫu xe không thể không điểm danh trong phân khúc C bao gồm: Hyundai Elantra, Kia Cerato (trước đây là K3 hoặc Forte), Mazda3, Toyota Corolla Altis, Honda Civic, Ford Focus (đã ngừng bán)… Trong số đó nổi bật nhất vẫn là bộ ba kỳ phùng địch thủ: Cerato-Elantra và Mazda3.
Phân khúc xe hạng C chứng kiến sự phân mảng khá rõ rệt, phục vụ riêng từng nhóm đối tượng khách hàng. Trong khi bộ đôi xe Hàn Hyundai Elantra và Kia Cerato đáp ứng tốt nhu cầu của số đông, thì Honda Civic lại đi theo thiên hướng thể thao, với ưu thế vận hành vượt trội nhất phân khúc, còn Mazda3 thì vừa có màn lột xác với phiên bản Allnew cuối năm 2019 vừa qua, đồng thời tuyên bố vươn mình trở thành thương hiệu xe sang với các option cao cấp.
Phân khúc hạng D: là những mẫu xe tương đối lớn, phục vụ những hành khách ưu tiên sự thoải mái, êm ái và an toàn mà không quá quan tâm tới giá tiền phải chi. Những mẫu xe hạng D thường được trang bị động cơ dung tích 2.0L – 2.5L đi kèm bộ tăng áp. Kích thước tổng thể xe khoảng: dài 4.900mm rộng 1.900mm, chiều dài trục cơ sở khoảng 2.800mm.
Với đặc điểm giá bán khá cao trong số những mẫu xe phổ thông, xe hạng D thường được trang bị những tính năng an toàn hiện đại nhất và nhiều option tiện nghi cao cấp. Những cái tên “kinh điển” trong phân khúc sedan hạng D bao gồm: Toyota Camry, Mazda6, Honda Accord, Kia Optima, Hyundai Sonata, Nissan Teana (đã ngừng bán)…
Ngoài ra còn rất nhiều mẫu xe khác, có đặc điểm tương ứng với các phân hạng xe nói trên (về kích thước tổng thể, chiều dài trục cơ sở và động cơ), như: Mercedes-Benz C-class, Mercedes-Benz E-class, Audi A3, Audi A4, BMW 3-Series, BMW 5-Series, Volvo S-Series, VW Polo, VW Passat… Tuy nhiên những cái tên này đều được “xếp ngoài phân khúc” do thuộc các thương hiệu hạng sang đắt tiền.