Xuất khẩu ô tô còn rất nhỏ bé.
Năm 2020, Công ty Trường Hải đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, một “cứ điểm” ô tô lớn ở Đông Nam Á, 1.407 xe nguyên chiếc các loại, đạt kim ngạch gần 50 triệu USD. Công ty Ford Việt Nam, sau khi nâng công suất lên 40.000 xe/năm, cũng xuất khẩu những mẫu xe EcoSport, Transit, Tourneo sang một số thị trường trong khu vực.
Đầu năm 2021, VinFast gây chú ý khi thông báo chuẩn bị xuất sang thị trường Mỹ hai mẫu xe điện cao cấp là VinFast VF33 và VinFast VF32. Trong khi đó, Công ty TC Motor cũng đang củng cố những điều kiện cần thiết để xuất khẩu ô tô sang các thị trường khu vực, thể hiện qua việc mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai với công suất lên đến 100.000 xe/năm.
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang theo đuổi giấc mơ xuất khẩu ô tô nguyên chiếc và phần nào đã thành hiện thực, tuy vẫn còn hết sức nhỏ bé.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho hay, hiện việc xuất khẩu xe Ford vẫn rất nhỏ lẻ, nhưng tương lai sẽ có quy mô lớn. Việc mở rộng nhà máy trước hết là để phục vụ nhu cầu trong nước và sau đó là xuất khẩu. Những mẫu xe chỉ lắp ráp duy nhất tại Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Trường Hải, cũng cho biết, cùng với đối tác, Trường Hải đang phấn đấu để ô tô sản xuất tại Chu Lai sẽ được xuất khẩu nhiều hơn sang các nước trong khu vực.
Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, khẳng định quyết tâm trong năm 2021 sẽ xuất khẩu ô tô điện thương hiệu Việt sang Mỹ và sẵn sàng bỏ 2 tỷ USD để đạt được mục tiêu này.
Còn ông Lê Ngọc Đức Tổng giám đốc TC Motor, khẳng định, mục tiêu của Hyundai Motor (Hàn Quốc) khi hợp tác với tập đoàn Thành Công là biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất ô tô Hyundai tại Đông Nam Á, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà sẽ xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, vì vậy hoàn toàn có điều kiện để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Với quốc gia 100 triệu dân, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu về ô tô ngày càng nhiều, đủ để đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan 0% với ô tô trong khu vực ASEAN là cơ hội lớn, phải tận dụng để xuất khẩu.
Giấc mơ có thành hiện thực?
Thực tế cho thấy những hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đạt được thành công như ngày nay đều có thị trường xuất khẩu rộng lớn. Không doanh nghiệp nào đầu tư vào sản xuất ô tô lại chỉ tập trung mỗi thị trường nội địa. Phải hướng tới xuất khẩu, tức là mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn có thuận lợi để làm ô tô xuất khẩu, đó là do phân công lao động toàn cầu của các hãng xe, định hình quốc gia nào chuyên sản xuất xe gì và xuất khẩu đi đâu. Trường Hải và Ford Việt Nam xuất khẩu được ô tô chính là dựa vào sự phân công này.
Việt Nam vẫn có cơ hội xuất khẩu ô tô
Các hãng xe Hàn Quốc đang rất muốn mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Xe Hàn tiêu thụ tốt tại Việt Nam nhưng khá yếu ở các nước còn lại. Đầu tư vào Việt Nam, vừa bán tại chỗ, vừa xuất khẩu sang các nước trong khu vực, là cùng chung một tầm nhìn với các đối tác bản địa.
Còn với VinFast thì đi thẳng vào xe điện, đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Tại Mỹ và nhiều quốc gia khác đã có những chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô nguyên chiếc với số lượng lớn giống Thái Lan hay Indonesia, không phải là chuyện dễ dàng. Để có thể xuất khẩu ô tô, sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh. Điều này chưa phải là thế mạnh của Việt Nam.
Hiện chuỗi cung ứng linh kiện tại chỗ Việt Nam còn rất yếu. Với dòng xe cá nhân có chưa tới 80 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, cung cấp cho 10 nhà sản xuất gốc. Trong đó, có 18 nhà cung cấp cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Con số này quá nhỏ bé nếu so với gần 2.000 nhà sản xuất linh kiện tại Thái Lan và 1.000 tại Indonesia.
Không những thế linh kiện của các nhà sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các cụm chi tiết đơn giản, cồng kềnh như: khung ghế, ắc quy, chi tiết nhựa cỡ lớn,… Nếu cứ nhập khẩu linh kiện về lắp ráp thì không thể có lợi thế về giá để xuất khẩu. Giá thành xe sản xuất lắp ráp tại Việt Nam hiện cao hơn 20% so với Thái Lan và Indonesia. Vì vậy, muốn trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô, phải giải quyết được những vấn đề này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng bản đề án, phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô, trình Chính phủ trong thời gian tới. Mục tiêu phát triển lực lượng nhà cung cấp tại Việt Nam, có khả năng sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô, có tính cạnh tranh cao. Đến năm 2025 có khoảng 1.000 doanh nghiệp và năm 2030 là 2.000 doanh nghiệp, đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho lắp ráp ô tô trên lãnh thổ Việt Nam từ 45-70%. Nếu đạt mục tiêu này thì xuất khẩu ô tô nguyên chiếc Việt Nam sẽ có cơ hội.
Muốn vậy, phải có chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút đầu tư. Nhưng đến nay, chính sách này vẫn chưa hoàn thiện. Hơn nữa, môi trường pháp lý trong ngành công nghiệp ô tô liên tục thay đổi. Do đó, các doanh nghiệp vẫn lo ngại khi đầu tư vào ngành này. Nếu không có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển và đủ sức cạnh tranh thì xuất khẩu ô tô mãi mãi vẫn chỉ là nhỏ lẻ, hoặc thất bại.
Theo Vietnamnet