Số odo là một trong nhiều yếu tố mà khách hàng thường quan tâm khi mua xe cũ. Tuy nhiên, theo giới thạo xe, số odo đôi khi không nói lên được chất lượng hay độ “zin” của một chiếc xe.
Odo là từ viết tắt của Odometer – đồng hồ đo quãng đường đi của xe, thường được lắp đặt trên ô tô và xe máy. Ở Việt Nam, odo còn gọi là công-tơ-mét.
Chỉ số này cho biết quãng đường xe đi được. Nhờ đó, chủ xe có thể dựa vào đó để lên kế hoạch chăm sóc bảo dưỡng xe. Đối với người mua xe cũ, chỉ số odo cho phép họ biết được chủ trước đã “cày” bao nhiêu km, phần nào đánh giá được độ đi nhiều hay ít của chiếc xe.
Tuy nhiên, đối với các chuyên gia mua bán xe cũ, số odo thường chỉ mang tính chất tham khảo, chứ không được đặt nặng. Theo họ, số odo quá dễ tua với mức giá cũng quá rẻ. Chỉ cần search từ khóa “tua odo”, khách hàng dễ dàng tìm được các địa chỉ tua odo với giá chỉ từ vài triệu đồng.
Để cảnh báo vấn nạn tua odo và cung cấp góc nhìn mới cho các khách hàng muốn mua/ bán xe cũ, anh Nguyên Tân Phú Siusiu có chia sẻ một số lời khuyên về vấn đề này.
Nguyên văn bài viết của anh trên Facebook cá nhân như sau:
“CÁI CHẾT NGỌT NGÀO
Trong xã hội ngày nay, nhu cầu mua xe ô tô đã qua sử dụng phát triển mạnh mẽ. Do tính chất đặc trưng và nhu cầu của nó nên đa số khách hàng thường sẽ hay lựa chọn những chiếc xe rao bán trên các mạng xã hội, các trang chợ online hoặc thậm chí là báo giấy.
Với tâm lý luôn muốn tìm được chiếc xe rẻ mà ngon, nên đại đa số khách hàng có suy nghĩ luôn tìm những chiếc xe được rao bán ngay chính chủ. Đại loại như “chủ đang xài, cần bán”. Mua được ngay chủ sẽ tiết kiệm được vài đồng ít ỏi, xe mua ngay chủ sẽ không bị bùa phép, sẽ không gặp những xe “đụng” mông má lại và sẽ không bị “Tua đồng hồ”.
Xin thưa với quý vị, với thời gian không dài cũng không ngắn, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô đã qua sử dụng này, mình cảm nhận quý vị suy nghĩ đúng 20/80 %.
Với thời đại công nghệ, mạng xã hội, dân trí phát triển và nghệ thuật bán hàng, phục vụ chăm sóc khách hàng của các đơn vị mua bán uy tín, mình tin chắc quý vị sẽ được nhiều hơn là mất so với việc mà quý vị mài mò, cất công và mất thời gian khi đi tìm xe “Chính chủ”.
Để nói một chút về khía cạnh “chính chủ”, mình cam đoan với quý anh em, không ai có nhiều cơ hội gặp được “Chính chủ” như anh em chúng tôi. Và đằng sau câu chuyện chính chủ ấy, có vô số sự cập rập ngược lại mà quý vị cho rằng mua xe chính chủ để đạt được những mục mình nêu phía trên.
Dĩ nhiên sẽ có những người “chính chủ” rất thật thà, vui vẻ và giao dịch nhanh gọn. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra với anh em mua bán chúng tôi thôi. Vì có thể họ nghĩ sẽ không qua được kinh nghiệm cũng như nghiệp vụ xem khám và check xe.
Ngược lại, nếu quý vị không có kinh nghiệm trong việc xem xe, kiểm tra xe, và quan trọng hơn hết, đó là thủ tục giấy tờ, sẽ có vô số bất cập xảy ra khi gặp những chiếc xe đang trong tình trạng thủ tục khó. Việc mất tiền, bị gạt hoặc nhẹ nhất là mất thời gian hàng chục ngày để hợp thức hoá chiếc xe là điều xảy ra không ít.
Trong bài viết này, mình xin nhấn mạnh vào trọng tâm “TUA ĐỒNG HỒ”.
Với tâm lý chung là sợ mua nhầm chiếc xe không ngon, chất lượng kém và đã qua sử dụng nhiều, khách hàng thường và gần như đa số sẽ cố gắng tìm và quan tâm nặng đến ODO (đồng hồ công-tơ-mét). Với suy nghĩ sẽ tìm mua những chiếc xe ODO thật thấp, ODO thấp hơn so với những chiếc khác cùng đời để an tâm rằng chiếc xe này ít sử dụng, đồng nghĩa với việc chất lượng xe còn ngon.
Nhưng quý vị đã lầm.
Đánh vào tâm lý này, nhưng chiếc xe với số ODO “ngọt ngào” đó sẽ giết chết bạn mà bạn chưa từng đặt ra câu hỏi vì sao. Việc tua ODO quá dễ dàng, chỉ việc bỏ ra chưa tới 400k cho chiếc xe trung bình và hơn 1000k cho 1 chiếc xe sang, bạn đã có một con xe hoàn hảo về chất lượng.
Qua bài viết này, mình muốn khuyên anh em hãy nên và chắc chắn rằng, khi tìm mua cho mình một chiếc xe ô tô hoặc xe máy để sử dụng, bạn hãy quan tâm vào quá trình mà người chủ trước sử dụng như thế nào, quan trọng nhất là quá trình bảo dưỡng có thường xuyên hay không, lý lịch bảo dưỡng có rõ ràng và đều đặn hay không. Một chiếc xe ODO cao mà được chủ xe bảo dưỡng đều vẫn tốt hơn rất nhiều so với một chiếc xe ODO thấp mà chủ không quan tâm đến lịch bảo dưỡng.
Với một chiếc xe ô tô, việc lăn bánh 100 đến 200 hoặc thập chí 300 ngàn km là việc rất bình thường. Đừng đặt nặng tâm lý tìm xe ODO thấp để tạo công ăn việc làm cho những việc “tua ngược” làm đẹp chiếc xe mà bạn chính là người phải gặm nhấm “CÁI CHẾT NGỌT NGÀO” nhé.
Chúc anh em có một ngày vui vẻ.”
Một chiếc xe có lý lịch rõ ràng, bảo dưỡng đầy đủ vẫn đáng mua hơn một chiếc xe có số odo thấp
Các bác có quan điểm thế nào khi mua xe cũ? Xin vui lòng chia sẻ bên dưới mục bình luận