Mỹ và Nhật Bản đã mang đến cho thế giới những phong cách độ xe gầm thấp nổi tiếng nhất, đặc trưng nhất trên đời gồm: “lowrider” ở Mỹ; “bosozoku” và “shakotan” ở Nhật Bản. Mặc dù chúng đều thấp, nằm sát mặt đất là thế, nhưng về bản chất phong cách của chúng là khác nhau. Người biết rõ điều này nhất là Shin Sato, người đàn ông đã tạo dựng tên tuổi chế tạo nên chúng ở Nhật Bản.
Bosozoku, Shakotan và văn hóa độ xe Nhật Bản
Đối với đa số người ngoài, thuật ngữ bosozoku là cụm từ nảy ra ngay trong đầu khi muốn chỉ một chiếc xe máy Nhật Bản độ phong cách nổi loạn, với ống xả lộ hẳn ra ngoài, tiếng pô lớn, khiến ai cũng phải chú ý. Học hỏi tinh thần từ phong cách độ những chiếc xe máy, văn hóa độ xe ô tô kiểu bosozoku đã ra đời. Thường được người chơi xe địa phương gọi bằng một cái tên cụ thể hơn là shakotan, hoặc xe đua cao tốc, những chiếc xe này đã lấy cảm hứng từ một giải đua xe nội địa tại thời điểm đó, thập kỷ 1970 và 1980.
Khởi đầu, những chiếc xe độ shakotan thường được lắp những tấm chắn bùn lớn với bu lông có đinh tán. Để phù hợp với luật pháp Nhật Bản, các lốp xe không được thò ra khỏi thân vỏ xe, vậy nên để có thể lắp được những bộ lốp lớn cho xe, giải pháp đơn giản là kéo dài thân vỏ xe với những tấm chắn bùn lớn, loe ra ngoài. Theo năm tháng, các phong cách khác nhau dần nổi lên khi sức sáng tạo của mọi người ngày càng trở nên điên rồ. Mọi thứ diễn biến đến mức mỗi khu vực ở Nhật Bản lại có một phong cách độ đặc trưng.
Shin Sato và mối duyên nợ với xe độ gầm thấp
Tọa lạc tại khu vực thành phố Ebina của tỉnh Kanagawa, khoảng 1 tiếng đi về phía nam Tokyo, là New Jack, một đại lý xe ô tô biến thành xưởng độ xe được thành lập bởi Shin Sato cách đây hơn 20 năm. Khi đó, anh ấy mới chỉ 30 tuổi. Khi mới thành lập, New Jack nổi tiếng với phong cách độ xe lowrider cảm hứng từ Mỹ. Tuy nhiên sau này, Sato đã quay trở lại độ xe shakotan và làm cho nó hồi sinh tại Nhật Bản như một thú chơi xe thú vị.
Quá trình phát triển sự nghiệp của Shin Sato và xưởng độ New Jack đi qua những giai đoạn khá thú vị, liên quan đến sở thích riêng của cá nhân anh, nhưng cũng có những hướng đi riêng mang tính phù hợp với thị hiếu chung của phong trào chơi xe lúc bấy giờ.
Sato bắt đầu bươn chải bằng một công việc bán thời gian tại một trạm xăng khi 18 tuổi, kiếm những đồng tiền đầu tiên và tiết kiệm nó cho sở thích lớn trong đời mình. Ở thời điểm đó, anh ấy có một chiếc mô tô, và thường lái nó tới những buổi tụ tập buổi tối với bạn bè vào đêm tối để “cùng gây tiếng ồn”. Sato kể rằng thời đó, các cậu trai như anh luôn muốn trở nên nổi bật, thích được “khác biệt” của mình. Mối quan hệ giữa Sato và shakotan bắt đầu từ khi anh ấy khoảng 19-21 tuổi, anh bắt đầu chơi xe và xem đó là thú vui riêng.
Sato đã có vài năm chơi xe shakotan, nhưng phải tới lúc có được một công việc tại một cửa hàng độ xe, anh hiểu rằng giữa đam mê và kinh doanh vừa giao thoa, lại vừa phải có những quyết định riêng tách bạch.Sato thích khác biệt khỏi đám đông, và hóa ra anh ấy cũng thích tạo nên những thứ thật khác biệt nữa, độ xe thỏa mãn thú vui đó. Tuy sở thích cá nhân là Shakotan, nhưng trong thời điểm văn hóa shakotan trên đà xuống dốc, thì Sato nhanh chóng đi tới một quyết định mang tính kính doanh: độ xe theo phong cách Lowrider.
Đó là khoảng thời gian giữa tới cuối những năm 1990 ở Nhật Bản, khi sức ảnh hưởng của văn hóa hip hop Mỹ đạt tới đỉnh điểm. Theo sự chia sẻ của Sato, ai ai cũng muốn chuyển sang dùng “một chiếc xe lấp lánh sành điệu hơn”. Lúc đó, Sato quyết định xưởng sẽ tập chung vào độ xe kiểu Lowrider, và đã đưa New Jack lên tầm “tên tuổi” trong giới độ xe Lowrider ở khu vực của mình.
Sự kết nối giữa lowrider và shakotan không hề rõ ràng, và ngay cả Sato cũng thừa nhận rằng hai phong cách không có mấy điểm tương đồng, ngoại trừ việc thích sử dụng bộ la-zăng kích thước nhỏ hơn. Tuy nhiên, anh ấy công nhận rằng có tồn tại một số điểm tương đồng ở những người yêu thích hai phong cách độ xe này. Sato tin rằng cả hai nhóm đều coi chiếc xe có ý nghĩa hơn một phương tiện giao thông: “Những người thích độ thì luôn muốn độ cho dù đó là xe ô tô hay xe máy”. Shakotan và bosozoku có thể được coi là phiên bản ô tô Nhật của văn hóa lowrider Mỹ, với vai trò như một kiểu văn hóa nhỏ đối trọng. Cả hai đều lấy những chiếc xe bị lãng quên và tân trang cho chúng phù hợp với phong cách của riêng từng nhóm.
“Phục hưng” văn hóa chơi xe Shakotan Nhật Bản
Sato đã quay trở lại độ xe shakotan cách đây khoảng 15 năm, khi nhu cầu đối với phong cách này bắt đầu nóng lên một lần nữa. Anh ấy tự nhận rằng bản thân là “một đại lý bán xe trước nhất” nhưng vì các đồng nghiệp đã bắt đầu quay lại với Shakotan, nên anh quyết định thuận theo trào lưu. Không bất ngờ, người ta chẳng thể nào tìm thấy một trường lớp hoặc khóa học đào tạo nào về việc chế tạo những chiếc xe độ thế này. Do vậy, Sato đã tự rèn luyện bằng con mắt và học hỏi kiến thức được chia sẻ từ các đồng nghiệp.
Theo Shin Sato, văn hóa xe shakotan có nguồn gốc từ các giải đua “grachan”, hay Grand Championship, được tổ chức ở Nhật Bản trong những năm 1970 đến 1980. Trong đó, Sato nhìn nhận giai đoạn 1988 – 1990 là những năm quan trọng đối với niềm cảm hứng cho phong cách ưa thích của anh ấy, phong cách “silhouette”. Chiếc xe đua đồ chơi Tomica R30 Silhouette nổi tiếng đã truyền cảm hứng để anh ấy tạo nên kiểu dáng shakotan đặc trưng của mình, và nó cũng trở nên gắn liền với cái tên New Jack.
Sato bắt đầu độ xe bởi anh ấy muốn xem bản thân có thể làm được những gì với số xe của chính mình. “Bạn có mọi thứ nếu bạn mua một chiếc xe đắt tiền, nhưng vấn đề là bạn có thể làm một chiếc rẻ tiền trở nên tuyệt đến đâu?” Chiếc xe shakotan hoàn chỉnh đầu tiên do Sato làm là được dựa trên Nissan 910 Bluebird, với nguồn cảm hứng từ xe đua Autobacs Super Silhouette. Giờ đây, tuy không còn sở hữu mẫu xe này nữa, nhưng người khách hàng mua nó đã làm tặng cho anh ấy một mô hình tỉ lệ 1/24 của nó.
Độ xe Shakotan thoái trào ở Nhật Bản
Cho dù văn hóa độ xe shakotan không còn lớn như trước kia, những người như Sato và các đồng nhiệp của anh ấy vẫn đang cho mọi người ở Nhật Bản và cả nước ngoài thấy được giá trị của những chiếc xe độc đáo này. Internet và mạng xã hội chắc chắn đã giúp ích cho việc truyền bá thú chơi Shakotan trở nên phổ biến, nhưng kể cả vậy thì mọi thứ cũng không còn như xưa. Sato tin rằng thời đại và các luật lệ đã gây tác động mạnh tới sự biến mất của văn hóa shakotan. Anh ấy ví nó như xu hướng thời trang đến rồi đi, và mọi người chuyển sang xu hướng tiếp theo.
Kể từ năm 2004, cảnh sát địa phương đã mạnh tay chấn áp những hội nhóm tụ tập có tổ chức. Hầu hết những chiếc xe độ có thể tạo âm thanh chói tai khi lái xe cao tốc nhưng thường tránh gây quá nhiều tiếng ồn tại các địa điểm hội họp, cho dù một số cá nhân xấu vẫn cố tình làm hỏng cuộc vui của mọi người. Luật lệ ô tô nghiêm khắc của Nhật Bản cũng đồng nghĩa là những chiếc xe độ kiểu shakotan ngày càng khó đăng ký sử dụng trên đường phố hơn.
Bên cạnh đó, Sato cũng cho rằng những chiếc xe này là xe độ trưng bày trước tiên. Các buổi hợp mặt trong những năm gần đây đã trở nên giống “sự kiện lễ hội” hơn là tạo tiếng ồn để chứng tỏ cá tính. Mỗi năm, tất cả các nhóm chơi xe địa phương từ những cửa hàng độ theo khu vực cụ thể sẽ tụ tập tại một khu vực đỗ xe được chỉ định trên cao tốc để hòa mình với bạn bè và đồng nghiệp của họ. Tuy vậy, Sato thừa nhận là có một số người đã tới các sự kiện như thế trong những chiếc xe “ồn ào và bẩn thỉu”. Nó làm cho cộng đồng ác cảm với Shakotan, và khiến văn hóa chơi xe này bị nhiều người kỳ thị, phản đối.
Còn đối với tương lai của văn hóa chơi xe này, Sato tin là nó phụ thuộc hoàn toàn vào loại người lái xe: “Nếu người chơi không thể biết điều và điềm đạm hơn, các buổi tụ tập xe sẽ càng trở nên khó khăn”. Nhìn chung, văn hóa độ xe shakotan chắc sẽ không bao giờ lớn như thời hoàng kim cách đây 40 – 50 năm nữa, nhưng sự độc đáo trên mặt thẩm mỹ của nó vẫn sẽ thu hút những người hiếu kỳ, những người thích một thứ gì đó thật khác biệt, thuộc về một thời đại khác.
Tham khảo Jalopnik
Duy Thành