Cứ vài tháng, một nhà sản xuất siêu xe như Ferrari, Bugatti hay McLaren sẽ lần lượt công bố một phiên bản giới hạn của các dòng xe đang bán với mức giá hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu USD. Nhưng cùng lúc đó, gần như tin tức lúc nào cũng là chiếc xe đó đã có chủ. Nhưng làm thế nào điều đó xảy ra? Làm thế nào mà bạn có thể mua được 1 chiếc xe ngay trước cả khi nó được công bố? Hay có một CLB tỷ phú ngầm nào đó đã được ngầm báo tin về chiếc xe và họ mới chính là người được quyền mua?
Để tìm ra sự thật, hãy thử nghe qua về chia sẻ của những người đã sở hữu siêu xe. Misha Mansoor (sinh ngày 31 tháng 10 năm 1984), là một nghệ sĩ guitar người Mỹ, doanh nhân, nhà soạn nhạc, nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc. Chưa dừng lại ở đó, anh chàng này còn là một tay chơi xe thứ thiệt. Misha có 1 chiếc Lamborghini Huracan Performante và có 1 chiếc Porsche GT3 Touring. Có vẻ, cách dễ nhất để sở hữu 1 chiếc siêu xe đó chính là mua xe đã qua sử dụng (tất nhiên là chúng ta không bàn tới chuyện kiếm đâu ra tiền mà mua xe). Bất kỳ 1 chiếc xe hay thậm chí siêu xe đều sẽ bị mất giá theo thời gian.
Quảng cáo
Vậy còn trải nghiệm mua xe tại chính đại lý của 1 hãng siêu xe sẽ như thế nào và nó có khác gì so với các đại lý xe hơi thông thường hay không? Thực ra, vấn đề này tuỳ thuộc vào nhà sản xuất. Trên thực tế, McLaren là một trong những hãng thực sự mong muốn khách hàng của họ có thể sở hữu 1 chiếc xe do họ lắp ráp. Misha cho rằng anh ta chưa từng sở hữu 1 chiếc McLaren nhưng đã chạm tới rất gần việc đó do các chính sách bán hàng đến từ hãng. McLaren là một hãng siêu xe rất năng nổ với mô hình kinh doanh thú vị.
So với Ferrari được thành lập từ năm 1947, Porsche được thành lập từ năm 1931 thì McLaren có vẻ sinh sau đẻ muộn hơn khi thành lập vào năm 1963. Dù vậy, cái tên McLaren ngày nay vẫn luôn được nghĩ tới khi chúng ta nhắc đến những chiếc siêu xe bắt mắt và ồn ào trên phố. Bất kỳ ai cũng có thể mua được 1 chiếc McLaren, miễn là họ có tiền. Mặc dù McLaren F1, chiếc siêu xe đầu tiên được sản xuất bởi McLaren được ra mắt từ tận năm 1992, nhưng sự vắng bóng của họ trong những năm sau đó ở thị trường xe này khiến cho họ gặp bất lợi rõ rệt nếu so với các nhà sản xuất khác.
Nhờ chính sách bán hàng có phần cởi mở hơn, khoảng cách của họ với các hãng siêu xe khác dần được thu hẹp theo thời gian. Tại châu Âu, McLaren có sự tăng trưởng vượt bật kể từ năm 2011, khi họ bắt đầu quay trở lại với dòng MP4-12C. Nếu như năm 2011, doanh số của McLaren chỉ là 40 chiếc thì đến năm 2019 con số này đã lên tới 1100 chiếc.
Vậy thì trong cuộc đua này, một hãng xe khác có vẻ như ít nổi trội hơn là Porsche làm thế nào để chiếm được lợi thế? Nếu đang sở hữu 1 chiếc 911, trong thời gian mà xe bạn đang được bảo dưỡng, Porsche sẽ gửi cho bạn 1 chiếc xe khác như Macan hay Cayenne để chạy đỡ trong thời gian không có xe đi lại. Vả lại, những chiếc siêu xe của Porsche trông cũng có vẻ bình thường hơn một chút so với những chiếc siêu xe khác. Một lựa chọn dành cho những người thích siêu xe nhưng lại không muốn bị người khác chú ý quá nhiều.
Tiếp theo, có một nhà sản xuất siêu xe khác thuộc dạng khá chảnh, đó là Ferrari. Trước khi sở hữu Performante, anh chàng nghệ sỹ Misha mà mình giới thiệu bên trên đã từng có một chiếc Ferrari 488. Với kinh nghiệm của mình, Misha cho rằng Ferrari là một hãng xe không đơn thuần chỉ muốn bán xe, mà họ phải đảm bảo khách hàng của họ thực sự có niềm đam mê với những chiếc xe có logo ngựa chồm. Đôi khi, họ sẽ tư vấn cho bạn một dòng xe khác thậm chí có giá rẻ hơn nhưng họ nghĩ là phù hợp với bạn. Hoặc đề xuất bạn mua xe cũ. Một hãng ô tô thông thường sẽ tìm mọi cách để bán được xe, ngay khi bạn không cần tới tận nơi để xem cái xe đó.
Thực tế, nhân viên bán hàng của các hãng xe thông thường sẽ đề xuất cho khách mua những dòng xe cao cấp hơn, đắt tiền hơn, ngay khi nhu cầu của họ không thật sự cần thiết. Theo những nguồn tin khác nhau trong ngành, Ferrari làm điều ngược lại hoàn toàn. Bạn có thể có rất nhiều tiền trong tay, nắm giữ một chức vụ quan trọng nào đó trong tổ chức của bạn, nhưng nếu bạn chưa từng mua 1 chiếc Ferrari, có thể Ferrari chỉ bán cho bạn 1 chiếc xe đã qua sử dụng. Thứ mà Ferrari muốn mang tới cho khách hàng của họ là một phong cách sống cùng với Ferrari, chứ không hẳn là bán 1 phương tiện đi lại cho họ, bất chấp những chính sách này có thể khiến cho những khách hàng khó tính cảm thấy không hài lòng.
Ferrari sản xuất xe rất giới hạn. Trung bình mỗi năm, họ chỉ ráp được đâu đó 8.400 xe. Trong khi đó, Honda có thể sản xuất được 386.000 xe mỗi năm. Trong khi phần lớn các hãng ô tô đều áp dụng robot để tự động hoá và tự hào về điều đó, Ferrari lại tìm mọi cách để làm mọi thứ một cách thủ công. Chế tác thủ công giúp cho mỗi sản phẩm là một dấu ấn riêng và điều này làm chậm quá trình sản xuất, khiến cho khách hàng phải chờ khá lâu. Mặc dù sản xuất hạn chế, nhưng vẫn có rất nhiều người muốn sở hữu 1 chiếc Ferrari và sẵn sàng chờ đợi. Trong nhóm người này, câu hỏi được đặt ra là các đại lý của Ferrari dựa vào đâu để có thể chọn ai là người được mua? Trong trường hợp này, câu hỏi đúng cần được đặt ra đó là: Ai sẽ là người mua?
Trong một cuộc phỏng vấn với Drive.com, Giám đốc Tiếp thị của Ferrari, Enrico Galliera đã tiết lộ về quy trình bán xe của họ. Đối với những dòng xe hiếm và đặc biệt như LaFerrari, không chỉ các khách hàng tiềm năng cần bó một lịch sử gắn bó lâu dài với thương hiệu, bao gồm việc đã từng sở hữu nhiều chiếc Ferrari, mà họ còn phải tham dự các sự kiện diễu hành được tổ chức bởi hãng tại đâu đó trên thế giới. Ngoài ra, 1 cách khác để chiếm được tình yêu của Ferrari đó là bạn đã từng đăng ký để tham quan trường đua độc quyền của họ ở Ý, đồng thời từng tham dự các sự kiện đua đua xe nổi tiếng như F1 chẳng hạn.
Và ngay cả khi đáp ứng được các tiêu chí trên, bạn chỉ được góp mặt vào danh sách các chủ sở hữu được ưu tiên và hoàn toàn có thể không được sở hữu chiếc xe mà bạn yêu thích của Ferrari. Ferrari chưa bao giờ nhắc gì về chính sách này, nhưng hãy thử hỏi những người đang có Ferrari xung quanh bạn, biết đâu họ sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện hay về hành trình để có được chiếc xe yêu thích. Rõ ràng, nếu có tiền, bạn cũng không thể mua được xe. Nói cách khác, nếu Ferrari không thích bạn, họ sẽ không bán xe cho bạn.
Rất may, nếu Ferrari không bán xe cho bạn, với 1 đống tiền trong tay, bạn có thể ngậm ngùi tìm đến hàng loạt các lựa chọn khác đến từ các thương hiệu khác. Hầu hết các hãng xe đều có những phiên bản giới hạn và cực kỳ hiếm. Chẳng hạn, Porsche có 918 Spyder, McLaren thì có vô số các bản đặc biệt, và Lamborghini thì cũng không thua kém. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm tới những thương hiệu sản xuất hypercar khác như Koenigsegg hay Pagani. Sự khác biệt giữa hypercar và siêu xe đó là nhà sản xuất hypercar sẽ không ráp nhiều xe sau đó đưa nó vào đại lý để khách hàng có thể ngắm nghía và đắn đo có nên mua hay không. Mỗi 1 nhà sản xuất hypercar đều có quy trình riêng của họ, nhưng các bước thì thường sẽ giống nhau.
Quảng cáo
Ví dụ, nếu bạn muốn mua 1 chiếc Pagani Huayra hay 1 chiếc Buggatti Chiron, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm đến 1 đại lý gần nhất và nói với họ rằng bạn đang thật sự rất nghiêm túc để mua 1 chiếc. Hãy nhớ rằng, sẽ không có xe trưng bày trong showroom để bạn có thể nhìn thử, đó là khác biệt lớn đầu tiên. Tiếp theo, bạn cần có tiền đặt cọc. Sau đó, nhân viên sẽ tiến hành cho bạn chọn màu sơn nội ngoại thất, chất liệu da bọc ghế và hàng loạt các yếu tố khác để phù hợp với sở thích cá nhân của bạn. Sau cùng, khi mọi thứ đã chốt xong, bạn về nhà và chờ xe được lắp ráp. Đây có lẽ là giai đoạn chán nhất trong suốt hành trình.
Một chiếc hypercar có thể tốn 6 tháng hoặc 2 năm để hoàn thành bởi vì mọi thứ đều được làm bằng tay. Cuối cùng, sau nhiều tháng ròng chờ đợi, chiếc xe của bạn đã cập cảng và tiếp đó, bạn cần phải hoàn tất các thủ tục đăng kiểm, lấy biển số trước khi nó có thể lăn bánh 1 cách hợp pháp trên đường. Từ đây, có thể thấy rằng hầu hết những chiếc siêu xe hay hypercar mà bạn có thể nhìn thấy khi nó được trưng bày trong showroom hầu hết là xe đã qua sử dụng hoặc là xe đang trong quá trình bảo dưỡng của một vị khách nào đó.
Chính vì những khó khăn trong quá trình đi mua 1 chiếc siêu xe cũng như độ hiếm của từng loại xe, thế nên giá cả của xe trên thị trường thường rất loạn và gần như không có một mức cố định. Điều này khiến cho rất nhiều hãng siêu xe ngày nay bổ sung thêm các chính sách bán hàng, nghĩa là nếu bạn muốn mua xe, đặc biệt là các phiên bản giới hạn, đôi khi bạn sẽ phải đồng ý các điều khoản về cách mà bạn có thể sẽ bán nó cho ai khác hoặc bạn sẽ định đoạt số phận của xe như thế nào. Nếu bạn mua chiếc xe sau đó mang nó để bán kiếm lời, thì tiền lời đó sẽ được dùng cho việc gì cũng phải được đảm bảo.
Theo: Donut Media