Nhưng điều đó dĩ nhiên không ngăn được đam mê tốc độ và cơ khí của Bruce. Năm 14 tuổi, ông lấy chiếc xe Austin 7 Ulster cũ mà cha mình, ông Les McLaren phục dựng, để tham gia cuộc đua leo đồi đầu tiên. Hai năm sau, cậu trở thành tay đua chuyên nghiệp, đi lên từ chiếc xe cũ lên một chiếc Ford 10 và một chiếc Austin-Healey, rồi kế đến là một chiếc xe Công thức 2 Cooper-Climax. Ngay lập tức, máu vọc vạch đã khiến Bruce chế cháo lại chiếc F2, nâng cấp nó toàn diện, cùng lúc chinh phục được cỗ máy bất kham để đạt thành tích thứ 2 chung cuộc trong giải New Zealand Championship Series năm 57-58.
Ngay lập tức, Jack Brabham nhận ra tài năng của thanh niên xứ Kiwi. Nhờ khả năng của bản thân, tổ chức New Zealand International Grand Prix chọn ông vào chương trình “Driver to Europe”, đưa Bruce đến với đội đua Cooper, nơi ông thi đấu 7 năm liên tiếp. Ngay lập tức vào mùa giải 1959, Bruce giành chiến thắng vòng đua nước Mỹ, khi ấy ông mới chỉ 22 tuổi 104 ngày, trở thành tay đua trẻ nhất vô địch một vòng đua. Kỷ lục này mãi đến 2003 mới bị phá vỡ, khi Fernando Alonso chiến thắng vòng đua Hungary, lúc ấy tay đua Tây Ban Nha mới chỉ 22 tuổi 26 ngày. Đến mùa giải tiếp theo năm 1960, Brabham vô địch, và Bruce ở vị trí thứ nhì chung cuộc.
Quảng cáo
Bruce thành lập McLaren Automotive vào năm 1963, và đến cuối mùa giải năm 1965, ông rời đội đua Cooper, tự lập đội đua riên, và tự tham gia các giải đua bên cạnh tay lái đồng hương Chris Amon. Đến năm 1968, ở Spa, Bỉ, McLaren có được chiến thắng thứ 4 ở đường đua F1, và là chiến thắng đầu tiên của đội McLaren.
McLaren là một tay đua tài năng, nhưng nếu nói về đội đua McLaren ở thời ấy, thì phải kể đến cả khả năng của kỹ sư, nhà chiến lược, nhà quản lý Bruce McLaren. Tương truyền có lần, Bruce thử nghiệm chiếc xe đua, ra khỏi đường pit thì thấy nắp lọc nhiên liệu lật tung lên. Lối tư duy thông thường sẽ nghĩ là nắp này phải nằm im vì lực downforce tác động lên, lúc xe chạy ở tốc độ cao. Nhưng càng chạy nhanh, cái nắp càng rung lắc dữ dội. Thay vì bực tức vì thiết kế xe lỗi, Bruce ngay lập tức nhận ra một điều. Sau khi quay lại đường pit, ông lấy một chiếc kéo cắt kim loại rồi cắt hết phần vỏ xe bao bọc lưới tản nhiệt, và điều kỳ diệu là xe còn chạy nhanh hơn cả trước đó. McLaren sau đó nhớ lại: “Đầu tiên tôi rất bực vì nắp lọc không được đóng kỹ, nhưng sau đó tôi thắc mắc vì sao dòng khí nén không khiến nó đóng chặt. Câu trả lời duy nhất có thể là một nguồn khí áp suất cao đang ở dưới cái nắp ấy.”
Không chỉ dừng lại ở Công thức 1, McLaren còn muốn chinh phục rất nhiều thể thức khác, như Can-Am Series, nơi McLaren giành chiến thắng 5 trong số 6 chặng ở mùa giải năm 1967, và 4 trong số 6 chặng vào năm 1968. Không chỉ dừng ở đó, năm 1966, McLaren lái một trong ba chiếc Ford GT40, chiếc xe giành chiến thắng 24h of Le Mans năm ấy. Anh em nếu đã xem bộ phim Ford v Ferrari, thấy có đoạn Ken Miles bị ép phải nhường vị trí cho một chiếc GT40 để làm đội hình về đích 1 – 2 – 3 chiều lòng Henry Ford II, thì chiếc xe được nhường vị trí về đích đầu tiên ấy chính là của Bruce McLaren cầm lái:
Lúc sinh thời, Bruce McLaren luôn có một hoài bão lớn, đó là tạo ra chiếc xe hơi tốt nhất một người có thể sở hữu và chạy trên đường phố hàng ngày. Khi ấy, Bruce tạo ra chiếc M6GT, nhưng không thành công vì có quá nhiều vấn đề trong thiết kế, thậm chí chỗ để lốp sơ cua cũng còn không có.
Ước mơ ấy của ông, mãi đến năm 1992 mới trở thành hiện thực, khi chiếc F1 động cơ V12 6.1L ra đời. Đến giờ, McLaren F1 vẫn đứng trong danh sách những chiếc xe xuất sắc và kinh điển nhất con người từng tạo ra. Giá của một chiếc này chưa bao giờ xuống, hồi mới ra mắt là 1 triệu USD, giờ mua cũ giá cao gấp 12 đến 15 lần giá gốc thời năm 1992, cá biệt có chiếc được đấu giá, đem về 19.5 triệu USD.
https://tinhte.vn/thread/co-the-ban-chua-biet-dong-co-xe-hoi-manh-me-nhat-ma-bmw-tung-san-xuat-la-o-tren-chiec-mclaren-f1.3267110/
Tài hoa mà bạc mệnh, sự ra đi của Bruce McLaren giống như rất nhiều tay đua khác ở cái thời “buộc mình vào quả bom xăng rồi lái với tốc độ 300 km/h,” dẫn lời của James Hunt huyền thoại. Ông mất vào đúng ngày này 51 năm về trước ở trường đua Goodwood, lúc đang chạy thử bản mẫu của chiếc M8D chuẩn bị đem thi đấu ở giải Can-Am Series. Tốc độ quá cao khiến đuôi xe mất lái, lao vào một boong ke bên rìa đường đua. Bruce McLaren ra đi khi chỉ mới 32 tuổi.
Dường như, chính Bruce đã viết nên những dòng điếu văn cho chính bản thân mình, khi ông viết trong cuốn sách From The Cockpit, đoạn nhắc đến cái chết của người đồng đội Timmy Mayer: “Cuộc đời được đo đạc bởi những thành tựu thu về, chứ không chỉ đong đếm bằng năm tháng.”
Quảng cáo
Và rồi sau đó, đội đua mang tên ông đến tận bây giờ vẫn tiếp tục giấc mơ, đem về chức vô địch F1, Indy 500, và cả những siêu xe hiện đại ai ngắm nhìn cũng mơ ước.