Vào cuối tháng 11/2019 tại Thái Lan, Honda đã chính thức ra mắt City 2020. Không chỉ có ngoại thất và nội thất mới, thế hệ Honda City mới nhất còn gây chú ý với động cơ xăng 1.0l 3 xi-lanh tăng áp i-VTEC. Được bán ởThái với 4 phiên bản là S, V, SV và RS, kể từ đó tới giữa tháng 12 Honda đã nhận được tới 4.500 đơn đặt hàng cho City. Thậm chí một số khách hàng phải đợi tới tháng 3/2020 mới được nhận phiên bản cao cấp nhất RS. Tuy nhiên, tạp chí Headlightmag đã có dịp trải nghiệm sớm phiên bản này để đưa ra các đánh giá chi tiết đầu tiên về City thế hệ mới.
Bắt đầu từ thiết kế, so với đời xe cũ Honda City đã có kiểu dáng hấp dẫn hơn nhờ nối bước các đàn anh như Civic và Accord với thân xe rộng, thấp. Chiếc xe có các kích thước (D x R x C) của xe lần lượt là (4.553, 1.748, 1.467)mm và trục cơ sở 2.589mm. Nếu so với đời cũ, City 2020 thấp hơn 4mm nhưng lại rộng hơn tới 53mm và dài hơn 113mm. Bước sang thế hệ thứ 5 này, City thậm chí còn to hơn cả Honda Civic được sản xuất từ năm 2012-2016) xét về gần như mọi khía cạnh.
Với sự gia tăng kích thước này, cabin là nơi được hưởng lợi nhiều nhất và điều đó được thể hiện ngay từ lúc bước ra vào xe. So với đời cũ, người lái bước vào City mới sẽ ít khả năng bị chạm đầu vào thành cửa và đầu gối vào táp-lô hơn. Tương tự với hàng ghế sau, lối ra vào cũng đã rộng hơn thế hệ trước. Khoảng đầu của hàng ghế sau đã tăng lên một chút so với City thế hệ thứ 4, nhưng vẫn không rộng rãi như 2 thế hệ đầu tiên do có vòm mui không cao bằng.
Trong khi đó, khoảng chân của City không phải là vấn đề lớn khi dù chiếc xe nằm ở phân khúc B, hành khách sau thậm chí vẫn có thể ngồi vắt chân nếu như ngồi sát tựa lưng. Khoang phía sau của City thoải mái nhất cho những người có thân ngắn và chân dài, khi tạng người này sẽ không bị giới hạn khoảng đầu. Thiết kế các ghế ngồi của City 2020 đều thoải mái hơn nhiều so với đời cũ bởi khung mới và đệm dày hơn, nhưng đổi lại là hàng ghế sau không gập lưng xuống được.
Trên phiên bản cao cấp nhất RS, City 2020 được trang bị khá nhiều tiện nghi trong cabin như hệ thống thông tin giải trí với màn hình cảm ứng 8 inch, dàn âm thanh 8 loa, camerra lùi, 2 cổng sạc USB cùng 1 ổ điện 12V, khoá thông minh không chìa, gương hậu điện, nội thất bọc da và ốp nhựa sơn đen bóng piano… Các trang bị hỗ trợ người lái gồm giữ ga tự động, chống bó cứng ABS, phân phối lực phanh điện tử, khởi hành ngang dốc, điều khiển lực kéo (có thể tắt được) và ổn định điện tử VSA… Phiên bản Civic RS cũng có tới 6 túi khí thay vì 4 như các model thấp hơn.
Động cơ 3 xi-lanh thẳng hàng SOHC 12 van của City thế hệ mới được trang bị hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp, van biến thiên VTEC (chỉ mở thêm xú-páp nạp, hoạt động từ tua máy 1.000 tới 3.500rpm), tăng áp cuộn đơn Borg Warner B01 và két làm mát khí nạp (intercooler) giải nhiệt bằng chất lỏng. Theo các kỹ sư Honda, điều kiện giao thông đông đúc tại Thái Lan sẽ đòi hỏi phải dùng bộ intercooler lớn hơn nếu chỉ làm mát bằng không khí. Cũng vì lý do này nên chiếc xe cũng được trang bị hệ thống dừng chờ Idling Stop.
Với áp suất turbo tối đa chỉ đạt 2 bar, động cơ này cho công suất tối đa 122PS tại tua máy 5.500rpm và mô-men xoắn cực đại 173Nm có thể đạt được chỉ từ 2.000rpm. Việc đặt áp suất thấp nhằm giúp cho hiện tượng trễ turbo được giảm xuống tối đa. Sức mạnh này được truyền tới cầu trước qua hộp số CVT với 7 cấp số ảo. Dù bản thân cỗ máy tăng áp của City thế hệ mới rất dễ nâng cấp công suất, nhưng chủ xe vẫn khó có thể độ lại để nó mạnh hơn do hộp số chỉ chịu được mô-men xoắn tối đa từ 173-175Nm.
Theo thử nghiệm của Headlightmag trong điều kiện trời nóng hơn 33 độ, và chiếc xe chở theo tải trọng 189kg tính cả người lái và hành khách, City RS Turbo mất gần 10,5 giây để tăng tốc từ 0-100km/h và 80-120km/h trong 7,87 giây. Tốc độ tối đa giới hạn điện tử của chiếc xe là 200km/h. Ở nước ga đầu, chiếc xe bị trễ một chút nhưng không phải do hiện tượng turbo lag, mà do hộp số CVT.
Gia tốc của City không bứt phá một cách mạnh mẽ, thay vào đó nhẹ nhàng và từ từ cho tới khi qua 20km/h. Ở dải tốc độ từ 60km/h trở lên, động cơ 3 xi-lanh dung tích nhỏ của City đem tới cảm giác lực không thua kém các mẫu xe chạy máy xăng nạp khí tự nhiên 1.6 – 1.8l. Đặc biệt, Headlightmag cho rằng City RS mới mạnh hơn mọi mẫu xe hạng B khác hiện đang được bán ở thị trường Thái Lan.
Ngoài động cơ, City thế hệ mới còn ghi điểm ở cảm giác vận hành. Trong đó, hệ thống treo đã được cải tiến vượt trội so với đời cũ. Điều kiện đường ở Thái cũng giống như các nước đang phát triển khác – vẫn còn nhiều khu vực “không chuẩn” nhưng giảm xóc của City vẫn dập tắt được khá hiệu quả các rung động. Nó cũng được cân chỉnh tốt để đem tới sự êm ái ở tốc độ thấp và chắc chắn, tự tin ở tốc độ cao.
Tại đường thử của Honda, phóng viên của Headlightmag đã có thể vào cua ở tốc độ 100km/h một cách tự tin mà hệ chassis của chiếc xe vẫn không có dấu hiệu bị mất kiểm soát. Tay lái của City mới cũng gây ấn tượng bởi cảm giác tự nhiên – không quá nhẹ và cũng không quá nặng. Tuy nhiên hệ thống phanh của xe vẫn tiếp tục chỉ được trang bị phanh đùm phía sau. Về độ ồn, cabin của City mới cũng yên tĩnh hơn so với đời cũ. Tuy nhiên ở tốc độ 100km/h, tiếng gió hú vẫn khá rõ. Nhìn chung, chiếc xe không yên tĩnh hơn so với các đối thủ khác hiện tại.
Tại Thái Lan, City mới sẽ có giá khởi điểm cho bản S thấp nhất từ 579.500 và cao nhất 739.000 Baht cho bản RS (tương đương 445 – 567,3 triệu đồng).Do phiên bản City đời cũ hiện đang được Honda Việt Nam phân phối cũng được nhập khẩu từ Thái Lan, chính vì vậy phiên bản City 2020 bán tại nước ta trong tương lai cũng sẽ có cấu hình các hạng mục chính như động cơ, hệ chassis… tương tự. Chính vì vậy nếu như đang có ý định mua City, người tiêu dùng Việt nên cố gắng chờ đợi để có thể mua được thế hệ mới ưu việt hơn.