Trao đổi với CNN, Brian Miller, chủ tịch Manhattan Motors, một đơn vị phân phối siêu xe ở Mỹ nói: “Tôi làm trong ngành hơn 40 năm rồi mà chưa thấy lần nào giống như thế này.” Manhattan Motors chủ yếu phân phối tới tay giới nhà giàu những chiếc Bentley, Lamborghini và Bugatti đắt tiền, bên cạnh những thương hiệu rất nhiều anh em mê mẩn mơ ước. Thứ chưa từng thấy ở đây là, giữa lúc tổng quan ngành xe hơi toàn cầu đình đốn, phải tạm dừng hoạt động ở nhiều nơi để phòng chống dịch, hoặc ở thời điểm này là vì thiếu chip bán dẫn lắp ráp xe, thì doanh số siêu xe vẫn cứ tăng vọt, kết thúc năm 2020 ở ngưỡng đáng nể.
Tính riêng ở Mỹ, tổng doanh số ô tô bán ra thị trường giảm 10% so với năm 2019. Ngay cả khi dấu hiệu hồi phục xuất hiện vào quý IV, thì tốc độ bán xe ở Mỹ cũng chỉ ngang ngang với tốc độ cùng kỳ cuối năm 2019. Nhưng trong khi đó, theo Tyson Jominy, phó chủ tịch phụ trách phân tích dữ liệu tại J. D. Power, quý IV vừa rồi, người Mỹ có tiền đã giúp doanh số những chiếc xe có giá trên 80.000 USD tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019, còn những chiếc giá trên 100.000 USD, doanh số tăng 63%.
Một nguyên do đến từ thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục. Và vì dân có tiền không thể đem tiêu bằng những chuyến du lịch xa hoa, thì những món đồ xa xỉ trở thành cách tiêu tiền lý tưởng. Mà làm gì có món đồ chơi nào khoe khoang của cải tốt như siêu xe?
Manhattan Motors của Miller có lúc cháy hàng, bãi xe không còn chiếc nào để bán cho khách. Trước đó thì khách hàng sẽ đặt xe, đặt màu, chi tiết nội thất, các gói nâng cấp, rồi chờ hàng tháng trời để các hãng sản xuất thủ công từng chiếc xe để giao. Có lúc, Manhattan Motors có thể giữ được vài chiếc cho khách chạy thử, nhưng giờ thì chịu. Miller cho rằng, giữa cái lúc dân nhiều tiền không làm được gì ngoài việc lên mạng ngắm hình xe sang, thì nhu cầu sở hữu siêu xe của họ cũng tăng dần lên theo. Trong số đó phải kể tới những thanh niên làm trong ngành công nghệ, với những startup thành công ở Austin, Texas, thủ phủ công nghệ mới của Mỹ. “Những thanh niên trẻ nhiều tiền đang trở thành tập khách hàng đầy tiềm năng,” Miller chia sẻ.
Dạo một vòng YouTube của các đại gia Việt Nam trong năm vừa rồi, anh em cũng rất dễ thấy xu hướng này không chỉ diễn ra ở Mỹ nói riêng.
Về phần các hãng xe sang, họ cũng có được thành công đáng nể trong năm 2020. Bentley, thương hiệu 101 tuổi ở Crewe, vương quốc Anh trong năm vừa rồi bán được 11.206 chiếc xe, nhiều hơn cả năm đạt kỷ lục doanh số là 2019. Họ đạt được điều này bất chấp việc nhà máy của Bentley phải đóng cửa 7 tuần, và sau đó là vận hành ở nửa công suất trong 9 tuần liên tục, CEO Adrian Hallmark chia sẻ với CNN.
Còn trong khi đó, Lamborghini có một năm 2020 rực rỡ khi báo lãi nhiều nhất lịch sử hãng, và doanh số cao thứ nhì trong lịch sử, chỉ đứng sau năm 2019. Cả năm, Lamborghini bán được 7.430 chiếc xe, thấp hơn năm 2019 9.5%. Nhưng quý IV năm 2020 là thời điểm khách đặt hàng kín chỗ, phải làm việc liên tục 9 tháng mới đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng thời điểm đó, chứ chưa nói đến những đơn hàng mới sau đó.
Về phần Ferrari, sau khi phải đóng cửa nhà máy 7 tuần, doanh số của họ giảm 10%, nhưng sau đó cả doanh số xe bán ra lẫn doanh thu thì lại đạt kỷ lục trong quý IV năm 2020. Tương tự như vậy là với lượng đơn hàng đặt trước.
Không phải hãng xe sang nào cũng gặt hái thành công trong năm vừa rồi. Lấy ví dụ cụ thể chính là Rolls-Royce. Họ cũng có một năm 2019 đạt kỷ lục, nhưng đến năm 2020, đại dịch khiến doanh số của họ giảm tới 26%. Cũng có lý do, vì trong năm vừa rồi, nhà máy của Rolls-Royce đã dừng sản xuất chiếc sedan ăn khách Ghost để chuẩn bị ra mắt phiên bản mới. Công ty mẹ của Rolls-Royce, BMW thì thông báo rằng, lượng khách đặt trước những chiếc siêu xe thương hiệu Anh Quốc đã gần kín lịch sản xuất năm 2021.
Theo CNN