Những chiếc xe ôtô nội địa Nhật Bản – Japanese Domestic Market (JDM), đầu tiên phải kể đến là 2000GT của Toyota khi hãng bắt tay cùng Yamaha để sản xuất một chiếc xe cạnh tranh cùng Jaguar E-Type và Porsche 911. Sau đó, nhiều cái tên khác cũng gia nhập và gần như toàn bộ đều trở thành huyền thoại.
Honda NSX
Các kỹ sư của Honda đầu những năm 90 đã bắt đầu bắt tay phát triển một mẫu xe để cạnh tranh với những chiếc xe thể thao danh tiếng đến từ Châu Âu. Động cơ V6 khi đó được coi là lựa chọn hoàn hảo khi hãng không có nhiều kinh nghiệm trên những động cơ V8, đồng thời, động cơ này sẽ giúp giảm bớt giá thành của xe. Kết quả, Honda NSX ra đời được trang bị động cơ VTEC V6, dung tích 3.0 lít với thân máy được làm hoàn toàn bằng nhôm, tạo công suất cực đại 270 mã lực.
Sau khi ra mắt, Honda NSSX nhanh chóng tạo được tiếng vang và chỗ đứng cho riêng mình. Thậm chí, tạp chí MotorTrend khi đó còn đánh giá đây là “chiếc xe tốt hơn cả bất kỳ chiếc Ferrari hay Lamborghini sản xuất tới thời điểm đó và biến Corvette ZR1 thành trò đùa”. Sau đó, đến cả Gordon Murray cũng cho biết đây là một chiếc xe tuyệt vời và nó là nguồn cảm hứng cho McLaren F1 của ông. Ông cũng đã từng yêu cầu Honda tung ra bản NSX mạnh hơn nhưng hãng xe Nhật Bản đã phớt lờ lời đề nghị này.
Toyota Supra (MkIV)
Sau khi Nissan lần đầu công bố GT-R vài năm, Toyota liền tung ra đối thủ của mẫu xe này, chiếc Toyota Supra. Ở những thế hệ đầu tiên, xe sử dụng chung nền tảng và cả động cơ của Celica. Nó chỉ thực sự lột xác khi bước vào thế hệ thứ tư (A80) với ngoại hình lột xác hoàn toàn và khối động cơ 2JZ mạnh mẽ, dễ độ và có độ bền cao.
Tuy nhiên, khối động cơ đó không phải là yếu tố duy nhất khiến mẫu xe này thành công. Thực chất mà nói, nền tảng của Supra là cực tốt để độ lại, chuyên dụng cho các cuộc đua xe ngầm trên đường phố, loại hình đua xe trào lưu ở thời điểm đó. Cùng với hiệu năng và khung gầm, hệ thống treo của xe cũng cực tốt khi chỉ cần 45 mét để dừng từ tốc độ 110 km/h, thua Carrera GT ra mắt hơn 10 năm chỉ 1,3 mét.
Mazda RX-7
Với RX-7, Mazda đã khiến tên tuổi mình nổi tiếng hơn ở cuối thế kỷ 20 khi sử dụng động cơ xoay Wankel trên những mẫu xe thương mại sản xuất số lượng lớn. Trên chiếc xe thể thao này, khối động cơ dung tích chỉ 1.3 lít đã có thể sản sinh công suất cực đại lên đến 252 mã lực ở biến thể đầu tiên và 276 mã lực ở phiên bản nâng cấp sau đó.
Khung gầm xe cũng được thiết kế khá tốt và thích hợp để độ cùng với đó là thiết kế vượt thời gian của ngoại thất. Cho đến ngày nay, khung gầm được coi là một trong những khung gầm tốt nhất từng có từ khâu thiết kế đến sản xuất do trọng tâm thấp và cân bằng khối lượng 50/50 đạt được nhờ động cơ nhỏ, nhẹ được gắn với cấu hình phía trước – giữa.
Subaru Impreza STi
Không chỉ thành công trên đường phố như những chiếc xe thể thao Nhật Bản khác, Subaru Impreza STi 22B còn là một chiếc xe đua địa hình tuyệt vời ở thời điểm cuối thế kỷ 20 khi nó đã liên tiếp mang về cho hãng ba danh hiệu vô địch thế giới liên tiếp.
Subaru trang bị cho mẫu xe này khối động cơ boxer 2.2 lít, bốn xy-lanh tăng áp, có khả năng tạo ra công suất cực đại 276 mã lực. Ở bản thương mại, xe được trang bị hệ thống treo Bilstein, phanh đĩa lớn, côn kép, mâm xe, vỏ xe lớn cũng như là bộ khóa vi-sai. Với các trang bị này, xe có thể tăng tốc lên 96 km/h trong chỉ 3,9 giây. Chỉ có 424 chiếc STi 22B này được sản xuất và vì thế, giá bán hiện tại của xe cũng ở mức khá cao.
Nissan Skyline GT-R
Cái tên Skyline GT-R xuất hiện lần đầu vào năm 1969, sau đó lại biến mất vào năm 1973. Sau đó, Nissan đã hồi sinh vào năm 1989, và thế hệ R32 được chế tạo để thống trị giải đua Group A. Đó là chiếc xe đua R32 mang biệt danh Godzilla, nhưng chính chiếc R34 GT-R thế hệ thứ năm được bán ra từ năm 1999 đến năm 2002 mới ghi dấu tên GT-R vào lịch sử của thế giới xe. Động cơ sáu xy-lanh tăng áp kép, dung tích 2.6 lít của nó không chỉ nhanh mà còn được xây dựng để tồn tại lâu dài.
Ở biến thể NISMO Z-Tune, động cơ có dung tích 2.8 lít, tạo ra công suất 493 mã lực và mô-men xoắn 540 Nm. Sức mạnh đó được truyền đến cả bốn bánh thông qua hệ dẫn động bốn bánh công nghệ cao, trong khi mẫu V-Spec đi kèm với hệ dẫn động nâng cấp bao gồm vi-sai chống trượt chủ động ở phía sau thay vì phiên bản cơ khí tiêu chuẩn.
Mitsubishi Lancer Evo
Khi Mitsubishi vẫn còn đang dẫn đầu cuộc chơi của mình, hãng đã có một phiên bản xe đua đường trường của chiếc xe đua dựa trên chiếc sedan Lancer. Cùng khuôn mẫu với Subaru Impreza WRX, Evo là một chiếc xe hiệu năng cao với động cơ tăng áp, dẫn động bốn bánh với giá bán tương đối phải chăng.
Cho đến thế hệ thứ tám, Evo là chiếc xe chỉ dành cho thị trường Nhật Bản với số lượng hạn chế ở những nơi khác. Tuy nhiên, vào năm 2003, nó đã đến được với thị trường Mỹ “màu mỡ”. Khi đó, xe được bán ra với giảm xóc Bilstein, phanh Brembo và công suất động cơ khoảng 270 mã lực. Thật không may, thế hệ thứ mười là thế hệ cuối cùng và bị dừng sản xuất vào tháng 5 năm 2016.
Lexus LFA
Vào năm 2011, Lexus đã ra mắt một kiệt tác về siêu xe. Hãng khi đó muốn tạo ra một biểu tượng và đã thực hiện điều đó với khung gầm liền khối polyme được gia cố bằng sợi carbon, động cơ V10 4.8 lít đặt phía trước được phát triển bởi Yamaha. Chiếc siêu xe này có công suất 553 mã lực ở tốc độ máy 8.700 vòng/phút, tạo ra âm thanh hay nhất từ khối động cơ V10 thương mại. Lexus tuyên bố động xe có thể chuyển từ trạng thái cầm chừng sang redline chỉ trong 0,6 giây. Lexus sản xuất LFA trong chỉ trong một năm đời xe.
Những người đã lái chiếc xe này đã bàn tán xôn xao về nó, bao gồm Jay Leno và Jeremy Clarkson. “Tôi phải nói rằng tôi cực kỳ thích nó. Nó là một chiếc xe thông minh được chế tạo bởi những người thông minh. Về mặt nào đó, nó thô sơ và thuần túy; Nói cách khác, đó là một bài học về lẽ thường. Động cơ ở phía trước, hai chỗ ngồi ở giữa và (cốp xe) bạn có thể sử dụng tốt. Bất chấp tất cả những điều này, vẫn có cảm giác rằng bạn đang ở trong một chiếc xe đua thực thụ”, Clarkson chia sẻ.
Acura NSX
Trong khi Honda tạo ra NSX đầu tiên tại Nhật Bản thì Acura lại thiết kế và chế tạo thế hệ tiếp theo tại Mỹ. Acura được tạo nên dựa trên bản concept của NSX nguyên bản và trang bị cho nó một hệ dẫn động hybrid tạo ra 573 mã lực và mô-men xoắn 645 Nm giúp chiếc xe tăng tốc lên 96 km/h trong 2,7 giây.
Hệ thống dẫn động SH-AWD của Acura giúp giảm thiểu sức mạnh đó và đảm bảo xe không bị trượt bánh khi tăng tốc. Acura NSX hiện tại là một chiếc xe thú vị và như đã được chỉ ra nhiều lần, mang công nghệ tương tự như hypercar Porsche 918.
Honda Civic Type R
Phiên bản hiệu năng cao của Honda Civic đã xuất hiện từ năm 1997, nhưng nó không chính thức được bán ra tại Mỹ cho đến năm 2017. Đây là một chiếc xe dẫn động cầu trước cực nhanh, nhưng cách tiếp cận thông minh với công nghệ phân bổ mô-men khiến mô-men xoắn được tối ưu hơn.
Ngoài ra, ngoại hình khí động học bắt mắt của nó giúp nó luôn bám chặt lên mặt đường ở tốc độ cao. Mặc dù được trang bị hệ dẫn động cầu trước khi hầu hết những chiếc hot-hatch nhanh nhất đang chuyển sang hệ AWD các bánh để xử lý sức mạnh, Civic Type R vẫn giữ được nét riêng và cảm giác thuần khiết chưa từng có trong phân khúc.