Giới thiệu chung
Mẫu SUV tầm trung mới ra mắt mang tên Chevrolet Trailblazer đang làm khuấy đảo thị trường, làm cho các đối thủ như Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitshubishi Pajero sport hay Isuzu Mu-X,… phải dè chừng. Trong khuôn đối bài viết hôm nay, DanhgiaXe sẽ so sánh Trailblazer và Mu-X, để độc giả dễ “cân đo đong đếm” và lựa chọn chiếc xe phù hợp với nhu cầu. Liệu Trailblazer với ưu thế về thiết kế mới mẻ, động cơ Duramax mạnh mẽ đối chọi với đối thủ đến từ Nhật Bản với giá bán mềm hơn, khả năng vận hành bền bỉ?
Bài so sánh hôm nay sẽ tập trung phân tích giữa hai phiên bản cao cấp của cả hai xe, về phía đại diện Chevrolet là phiên bản Trailblazer 2.8L 4×4 AT LTZ và đối thủ bên kia là Mu-X 3.0 4×2 AT.
Về xuất xứ và giá bán
Hiện tại cả Isuzu MU-X và Chevrolet Trailblazer đều được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan.
Isuzu Mu-X được bán ra với tất cả 5 phiên bản, trong đó hai phiên bản đặc biệt (Black và White Edition) vừa được bổ sung hồi đầu năm nay và trong có một bản số sàn động cơ 2.5L chuyên chạy dịch vụ và taxi, cụ thể giá bán như sau:
Mu-X 3.0 4×2 AT Black Edition giá : 982 triệu đồng
Mu-X 3.0 4×2 AT White Edition giá : 990 triệu đồng
Mu-X 2.5 4×2 MT giá: 899 triệu đồng
Mu-X 3.0 4×2 AT giá: 960 triệu đồng
Mu-X B7 2.5 MT 4×2 giá : 799 triệu (giảm còn 745 triệu)
Chevrolet Trailblazer 2018 gồm ba phiên bản đều là máy diesel và được bán ra với mức giá:
Trailblazer 2.5 VGT 4×2 AT LT giá: 898 triệu
Trailblazer 2.8 4×4 AT LTZ giá: 1.075 triệu
Trailblazer 2.5 4×2 MT LT giá: 859 triệu
Có thể thấy ở các phiên bản, mức giá của hai mẫu xe này không chênh lệch quá nhiều và dường như nằm ở mức tốt hơn so với một vài đối thủ như Ford Everest hay Mitsubishi Pajero Sport. Riêng phiên bản so sánh hôm nay, mu-X có phần thắng thế hơn đôi chút.
Về ngoại thất
Nhìn chung có thể thấy hai mẫu xe đều được xây dựng trên ngôn ngữ thiết kế không cầu kì nhưng vẫn tạo được vóc dáng bề thế và cứng cáp. Chevrolet Trailblazer mang nhiều hơi hướng của một mẫu xe Mỹ với nhiều đường dập bo tròn trông “cơ bắp” hơn, Isuzu mu-X vẫn toát lên một phong thái khá thực dụng của một mẫu xe Nhật với thiết kế đơn giản.
Trailblazer sở hữu thông số kích thước dài x rộng x cao đạt 4887 x 1902 x 1848 (mm), chiều dài cơ sở 2845 mm, khoảng sáng gầm 221 mm và bán kính quay vòng đạt 5.9 mét. Isuzu MU-X khiêm tốn hơn một chút ở cả ba vòng đo bên ngoài, tuy nhiên khoảng sáng gầm đạt 230 mm và bán kính quay vòng nhỏ hơn đạt 5.8 mét, giúp MU-X nhỉnh hơn đôi chút ở khả năng xoay sở trong đô thị cũng như vượt gờ cao.
Về tính năng trang bị ngoại thất, MU-X nhỉnh hơn khi được trang bị cụm đèn pha dạng Projector ở tất cả các phiên bản, trong khi đó Trailblazer chỉ sử dụng bóng halogen cơ bản. Bù lại, dàn đèn hậu của Trailblazer xuất hiện nhiều bóng LED hơn ở cụm đèn phanh còn đối thủ chỉ thuần là halogen toàn bộ, đồng thời Trailblazer cũng trang bị bộ mâm hợp kim kích thước 18 inch đẹp mắt và giúp xe trông mạnh mẽ hơn so với bộ mâm 17 inch của MU-X.
Về nội thất
Nhận xét về phong cách thiết kế, có thể thấy Trailblazer với những mảng nhựa được dập nổi, bọc da và thêu dệt bằng những đường chỉ trái màu trông tinh tế và sang trọng hơn so với đối thủ. Isuzu mu-X mang lối thiết kế không quá cầu kì nhưng đảm bảo được tính thực dụng cho chủ nhân.
Cùng sở hữu chiều dài trục cơ sở lên đến 2845 mm, không ngạc nhiên khi bước vào khoang nội thất của cả hai xe này đều cho bạn cảm giác khá thoải mái, hai hàng ghế trước và sau đều đảm bảo độ rộng rãi cho hành khách cao trên 1.8 mét, riêng hàng ghế thứ ba dù không phải là ưu thế của những mẫu SUV hạng trung tuy nhiên theo tôi nhận xét là vẫn đủ khả năng đáp ứng cho người cao to lên đến 1,7 mét. Cả hai đều được trang bị 7 ghế ngồi bọc da tối màu giúp khoang nội thất trong sạch sẽ hơn, ghế lái chỉnh điện 6 hướng cùng ghế phụ chỉnh cơ 4 hướng và thiết kế ôm lưng khá dễ chịu. Ngoài ra còn bố trí khá nhiều hộc để ly và cổng xạc USB thuận tiện khi di chuyển quãng đường xa.
Vô-lăng thiết kế tượng tự nhau, đều được trang bị các phím chức năng thuận tiện cho người lái khi xe đang hoạt động. Cụm đồng hồ thiết kế đơn giản nhưng vẫn đảm bảo hiển thị đầy đủ thông tin cần thiết cho người sử dụng dễ quan sát.
Trang bị tiện nghi
Ở phiên bản này, Trailblazer được trang bị màn hình DVD cảm ứng 8 inch, hệ thống âm thanh 7 loa cho chất lượng âm thanh ở mức tốt, hệ thống Mylink độc quyền của Chevrolet giúp hỗ trợ kết nối smartphone thông qua Apple Carplay và Android Auto. Isuzu MU-X kém cạnh hơn một chút khi chỉ trang bị màn hình 7 inch và 6 loa, nhưng điểm cộng là hàng ghế thứ hai của mẫu xe này được trang bị hai màn hình LCD trên trần xe giúp hành khách giải trí tốt hơn, xe cũng được trang bị nút khởi động start/stop thay vì là chìa khóa cơ như đối thủ. Cả hai xe đều trang bị hệ thống điều hòa tự động, đặc biệt đều có cửa gió riêng biệt cho cả ba hàng ghế, giúp khoang hành khách được làm lạnh sâu hơn trong những điều khiện thời tiết nắng nóng.
Một thông tin thêm là phiên bản 2.5L MT của MU-X cũng sở hữu những option tương tự như phiên bản 3.0L và chỉ khác động cơ dung tích kém hơn, và nếu so sánh với phiên bản 2.5L MT của Trailblazer thì MU-X có phần thắng thế khi ở phiên bản này Chevrolet đã cắt bớt một số tính năng trang bị hữu ích như không có ga tự động Cruise control, điều hòa chỉnh tay hay ghế chỉ chỉnh cơ hoàn toàn.
Trang bị động cơ và an toàn
Trailblazer được trang bị động cơ diesel 2.8L, turbo cho công suất cực đại 197 mã lực tại 3.600 vòng/phút; mô-men xoắn tối đa 500 Nm tại 2.000 vòng/phút, đi cùng hộp số tự động 6 cấp và hệ thống dẫn động hai cầu với hai chức năng cầu nhanh và chậm cho khả năng vượt nhiều địa hình khó khăn hơn.
Trong khi đó đối thủ cũng được trang bị động cơ diesel dung tích lớn hơn (3.0L), tuy nhiên công suất lại kém hơn khi chỉ đạt 163 mã lực tại vòng tua 3200 vòng/phút và momen xoắn cũng khiêm tốn hơn với con số chỉ 380 Nm tại vòng tua tương đương 1.800-2.200 vòng/phút, và mu-X chỉ được trang bị hộp số tự động 5 cấp và cấu hình chỉ là một cầu chủ động.
Có thể thấy cả hai đều được trang bị các tính năng an toàn cơ bản phù hợp với tầm giá như Hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), Trợ lực phanh (PBA), Phân bổ lực phanh điện tử EBD, Cân bằng điện tử (ESC), Hỗ trợ xuống dốc (HDC), Hỗ trợ lên dốc (HSA). Tuy nhiên Trailblazer 2.8L được bổ sung thêm một vài tính năng an toàn đáng kể hơn như hệ thống chống lật (ARP), cảnh báo va chạm trước sau, cảnh báo chệt làn đường và cảnh báo áp suất lốp.
Nhận xét chung
Nhìn chung cả hai xe đều có mức giá khá hấp dẫn so với các đối thủ khác trong phân khúc, phong cách thiết kế không quá cầu kì phù hợp với các đối tượng khách hàng trung niên từ 30 trở lên. Tuy nhiên, ở phiên bản cao cấp nhất Chevrolet Trailblazer dường như nhỉnh hơn ở hầu hết các hạng mục từ tiện nghi, an toàn cũng như động cơ mạnh mẽ hơn, đồng thời còn được trang bị hệ thống dẫn động hai cầu giúp xe di chuyển linh hoạt hơn trong nhiều điều kiện đường xá khác nhau, đây là lựa chọn hợp lý cho những khách hàng mua xe gia đình, có nhu cầu di chuyển thường xuyên ở các cung đường xấu như đi công trường hay các vùng địa hình đồi núi. Ngoài ra phiên bản số sàn 2.5L giá bán thấp hơn so với bản 2.5L của MU-X cũng là lựa chọn đáng cân nhắc cho nhu cầu chạy dịch vụ. Với mức giá có phần tốt hơn đôi chút, MU-X là lựa chọn cho khách hàng muốn tiết kiệm thêm chi phí và có thể đáp ứng tốt thêm cho nhu cầu kinh doanh ở hầu hết tất cả phiên bản.