“Có người từng trêu tôi rằng xe đi kiểng gì mà độ như xe chạy track”, Kông Bá, chàng trai 9X còn có tên gọi thân mật trên mạng xã hội là Mỡ Mỡ, chia sẻ.
Không phải chiếc đầu tiên nhưng chiếc Ford Focus của Kông Bá hiện là chiếc mạnh nhất Việt Nam tính đến thời điểm này. Chiếc độ lên stage 3 [cách gọi của giới độ xe về việc độ công suất ở mức cao nhất – PV] đầu tiên là chiếc Focus của một thanh niên trẻ sinh sống tại TP. HCM. Tuy nhiên, người này đã trả xe về nguyên bản để đổi sang các dòng xe thể thao mạnh hơn.
Điều đáng chú ý hơn là đến 90% hạng mục độ trên chiếc Focus là do Bá tự tay thực hiện. Chỉ có những việc cần đến thợ như sơn, gò, hàn… mới phụ thuộc vào xưởng ngoài.
Focus là chiếc xe đầu tiên của tôi. Trước khi mua chiếc xe này, cũng như bao người mới mua xe lần đầu khác, tôi cũng tham khảo qua nhiều dòng xe, chủ yếu là trên mạng, xem các diễn đàn nước ngoài và trong nước. Là người ưu tiên khả năng vận hành, tôi hướng tới một chiếc xe dùng động cơ tăng áp thay vì hút khí tự nhiên (tính trước là sau này dễ nâng công suất hơn), ưu tiên hộp số sàn hoặc có cấp, thân vỏ xe phải chắc chắn, vô-lăng cho khả năng xử lý chính xác, hệ thống treo thể thao… Ngân sách mua xe khi đó là trên dưới 1 tỷ đồng.
Ban đầu, tôi có nhắm tới một chiếc Subaru WRX STI đã qua sử dụng. Chiếc xe dùng hộp số sàn 6 cấp, hệ dẫn động 4 bánh, máy mạnh hơn 300 mã lực… còn gì lý tưởng hơn nữa? Tuy nhiên, khi đó cả gia đình và bạn bè đều khuyên mua xe mới để dành thời gian tích lũy kinh nghiệm nên tôi đành ngậm ngùi bỏ qua chiếc Subaru ao ước.
Tôi chỉ thích dòng xe hạng C nhỏ gọn nên khi đó có 2 lựa chọn là Ford Focus và Honda Civic đều máy turbo với công suất 170-180 mã lực. Nhược điểm của Civic nằm ở hộp số CVT vì nó không mang lại cảm xúc thể thao như hộp số có cấp được. Bởi vậy, chiếc xe còn lại chính là Focus.
Chiếc xe này tôi mua vào tháng 10/2017, tính đến nay đã sử dụng được hơn 4 năm và lăn bánh được gần 120.000 km rồi. Trong khoảng thời gian đó, gần như 90% quãng đường tôi đi là đi làm, và chỉ còn 10% còn lại là đi cùng vợ hay gia đình. Nhà tôi cách công ty khá xa. Mỗi ngày phải đi lại quãng đường khoảng 130 km. Một số người bảo tôi xe đi làm mà chạy còn nhiều hơn cả xe dịch vụ.
Có nhiều trường phái độ xe, như độ dàn ngoài hầm hố, độ âm thanh, độ nội thất và độ hiệu suất. Sở thích của tôi là ưu tiên vào hiệu năng của xe vì tôi thích cầm lái.
Hiện tại, chiếc xe của tôi đang ở stage 3, tức là thay bộ tăng áp lớn (turbocharger) và remap, để có công suất tại máy là khoảng 255 mã lực. Một số hạng mục chính mà tôi đã làm bao gồm thay bộ tăng áp X-47 Hybrid của Pumaspeed, bộ nạp (intake kit) của COBB, thay dàn ống (charge pipe, boost pipe), bộ van BOV của GFB, đổi hệ thống làm mát (intercooler) từ nước-khí sang khí, thay ống xả Borla phần cat-back, thay catless downpipe CPE, remap stage 3.
Để tăng hiệu quả vận hành, tôi nâng cấp vành 17 inch lên 18 inch, đi cùng lốp Pirelli P Zero 235/40R18 đúng thông số nhà sản xuất khuyến nghị cho dòng Focus. Hệ thống phuộc ST-XA coilover tôi vừa thay cho bộ phuộc Bilstein B12 Pro-kit trước đây. Bộ phanh là Brembo 4 piston với đĩa 350 mm giống với loại trên Focus RS. Tôi cũng thay thế một số rotuyn và bổ sung bộ thanh giằng cho xe. Tôi thay bodykit ST để phù hợp với hệ thống ống xả Borla thiết kế riêng cho Focus ST. Để theo dõi các thông số như áp suất turbo hay tỷ lệ xăng-gió, tôi mua thêm các đồng hồ đo của AEM. Trước đây, tôi từng dùng đồng hồ Focus RS nhưng đo không chính xác.
Trước đây, tôi đã từng qua các stage 1 và stage 2, remap vài lần để tìm ra đâu mới là map phù hợp với mình, cũng đã từng “chuột bạch” nhiều món đồ trước khi có danh sách nâng cấp như tôi vừa kể.
Quan điểm của tôi từ trước đến nay là việc mình có thể làm được thì mình tự làm. Gần như các đồ nâng cấp trên xe tôi đều trực tiếp lắp đặt. Đã có vài lần tôi mang ra xưởng nhưng cảm thấy họ làm ẩu, không có tâm, nên lại mang về tự làm. Chỉ có một số việc như sơn, gò, hàn… không làm được thì tôi mới phải ra ngoài làm, mà cũng phải tìm đúng nơi uy tín mới dám trao xe. Tính tôi cầu toàn, đã không làm thì thôi, còn làm là phải tới nơi, tới chốn.
Lý do thứ hai khiến tôi muốn tự độ chiếc xe của mình là hiện nay trên thị trường, đồ thật giả lẫn lộn. Thực sự tôi không thể phân biệt được những món đồ đó, ví dụ như phanh Brembo chẳng hạn. Tôi chọn cách an toàn nhất là đặt từ nhà máy hoặc đại lý chính hãng ở nước ngoài về rồi tự mình lắp đặt.
Tôi làm về kỹ thuật nhiều năm rồi nên nhìn catalogue là hiểu cách lắp đặt. Một số món đồ tháo lắp phức tạp quá thì tôi tìm hiểu thêm bằng cách tài liệu nước ngoài sẵn có trên Internet. YouTube cũng là một kênh hữu ích để học hỏi việc tháo lắp xe. Chỉ cần một chút ngoại ngữ về chuyên ngành ô tô là bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những thứ mình cần từ trên Internet. Ngoài ra, có một số người có nhiều kinh nghiệm về xe, cũng nổi tiếng trong giới độ xe, cũng là nguồn để mình hỏi han học tập.
Đồ nghề lắp đặt thì cứ mỗi lần mua món mới là tôi lại mua thêm đồ. Thỉnh thoảng phát sinh vài đồ rồi đến nay tôi đã tích lũy được cả kho đồ tha hồ tháo lắp xe, không chỉ cho mình mà còn cho anh em chơi cùng và cả những ai cần giúp đỡ. Cả công ty và nhà tôi đều có xưởng với sân rộng nên tôi thường tận dụng để làm nơi lắp đặt đồ cho xe những lúc rảnh rỗi. Tôi làm về kỹ thuật nên thời gian không bị gò bó như dân văn phòng.
Đến khi có kinh nghiệm rồi thì tôi bắt đầu giao lưu, học hỏi và giúp một số anh em cũng đang sử dụng Focus độ xe. Đã có nhiều anh em trong hội tìm đến tôi. “Mỡ ơi lắp giúp cái này” hay “Mỡ ơi sửa hộ cái kia” là những câu nghe quen lắm rồi. Có người bảo rằng riết rồi cái chỗ này [ám chỉ khoảng sân nơi độ xe – PV] thành cái garage mini mất thôi, rồi ai cũng tự thành kỹ sư mày mò sửa chính chiếc xe của mình.
Nhiều khó khăn là đằng khác. Lấy ví dụ việc nâng cấp ống xả cho xe khiến tôi thao thức nhiều tháng liền. Kỷ niệm đầu tiên khi bắt đầu nghiên cứu nâng cấp hiệu suất cho xe là thay bộ downpipe [đoạn đầu của hệ thống ống xả – PV]. Thay xong xe cứ báo đèn kiểm tra động cơ (Check Engine Light) khiến tôi phải mò mẫm nghiên cứu xử lý mất hơn 2 tháng liền. Tiền cho xe lên cầu nâng và chỉnh sửa mất 1/3 tiền mua downpipe. Rồi có kỷ niệm khác tự làm bộ pô cho xe, do tính toán kích thước ban đầu có sai lệch nên lúc đi ống xả rung và gây ù. Vấn đề này khiến tôi mất suốt cả tháng trời đau đầu để tìm cách sửa, hàn lại. Nói chung, tự làm thì ban đầu sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Người ngợm xây xát, chảy máu là chuyện thường. Đây cũng là chiếc xe đầu tiên của tôi nên ít kinh nghiệm độ thực tế. Từ đó về sau, tôi có kinh nghiệm hơn, làm mọi thứ trôi chảy hơn.
Rồi việc ở Hà Nội không có dàn dyno cũng là thiệt thòi so với anh em ở phía Nam. Mỗi lần remap, anh chủ xưởng độ trong Sài Gòn lại phải bay ra đây để làm mà không có dyno để kiểm tra thông số chi tiết. Nếu có điều kiện về thời gian, tôi vẫn muốn đưa xe vào Nam để remap và lấy thông số công suất, mô-men xoắn chính xác từ dàn dyno.
Tôi không nhớ chính xác nhưng những khoản “học phí” trả cho những sai lầm, rồi khoản lỗ khi thanh lý đồ cũ mua đồ mới… lên đến gần trăm triệu. Chi phí cho những đồ độ trên xe bây giờ rơi vào khoảng 400 triệu đồng. Đặt từ nước ngoài về, chủ yếu là Mỹ, Anh, Đức và cả Trung Quốc, lại toàn đồ nặng, nên phí vận chuyển có khi còn cao hơn cả tiền hàng.
Đúng là với ngần đó tiền mình có thể mua được chiếc xe khác tốt hơn nhưng tôi không thích như vậy. Cái này là tuỳ gu và cách chơi của mỗi người. Sau mỗi lần nâng cấp một món đồ, mình lại có nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm, học thêm được nhiều điều, tích lũy kinh nghiệm và hơn nữa là có được những người bạn chung đam mê.
Ban đầu thì cả bố mẹ và vợ đều phản đối dữ dội lắm. Tôi thường tận dụng khoảng sân của công ty gia đình hay khoảng sân cạnh cửa hàng của mình làm nơi để “chui gầm” độ xe nên thỉnh thoảng vẫn nghe những lời trách móc của người nhà. Nhưng rồi mọi thứ sớm ổn định, người thân cũng bớt can thiệp vào việc độ xe của mình, bởi vì tôi đã tính cân bằng giữa gia đình và đam mê.
Trước khi độ xe, tôi đã lên kế hoạch để sao cho xe kịp xong các hạng mục cần thiết nhất trước khi vợ sinh em bé vào cuối năm 2020. Tôi đã làm được điều đó đúng như dự kiến ban đầu. Hiện tại, tôi dành phần lớn thời gian cho gia đình, nhất là hai đứa nhỏ vừa chào đời.
Nói là “hết” thì chắc chắn là chưa. Riêng phần nâng cấp hiệu suất tôi dừng lại ở đây để đảm bảo cân bằng giữa mọi yếu tố. Focus cũng chỉ là chiếc xe cầu trước với dung tích xy-lanh 1.5L. Tôi chỉ độ trong giới hạn của nó. Trong thời gian tới, tôi sẽ nâng cấp một vài món đồ nhỏ như bộ ghế thể thao hay bộ mâm mới để chiếc xe thêm phần hoàn thiện.
Tôi có ngắm đến chiếc Mercedes-AMG A 45 hoặc Subaru WRX STI – chiếc xe lái hàng ngày được mà vẫn mang đến niềm hứng khởi sau vô-lăng – nhưng vẫn còn lưu luyến chiếc Ford Focus này. Chiếc xe đầu đời không chỉ gắn liền với nhiều kỷ niệm mà còn giúp tôi gắn kết với những anh em cùng đam mê chạy cùng dòng xe. Hiện tại, nhóm chúng tôi thường giao lưu với nhau có khoảng 6 xe Focus đều chung sở thích chơi hiệu suất. Thích nhất là tìm được những người cùng gu chơi xe rồi lại trở thành những người bạn thân thiết trong cuộc sống hàng ngày. Xe mới thì mình thích lắm đấy nhưng giờ có những người bạn mới còn thích hơn.