Theo đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp. Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid -19, xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn CPTPP chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ 2019.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ 2 này đã được cải thiện, đạt 4%, song vẫn là tỷ lệ thấp.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, có những biện pháp về cung cấp các thông tin chuyên sâu, chi tiết về CPTPP.
Lý giải nguyên nhân chưa tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định CPTPP của doanh nghiệp, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho biết, do Hiệp định có nhiều quy định phức tạp; Cùng với đó quy tắc xuất xứ có nhiều điểm mới và khác biệt so với các FTA khác, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất.
Về mặt quy định của doanh nghiệp đối với vấn đề quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ trong CPTPP là một điểm khá mới, trong CPTPP thì quy tắc lời văn cũng sẽ khác, cách diễn giải cũng khác… Doanh nghiệp khi bước vào lần đầu tiên thì sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Điểm thứ hai, đó là xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, kể cả các đối tác FTA ngày càng gia tăng, dẫn đến các vụ việc về áp thuế phòng vệ thương mại, các rào cản thương mại mà các nước nhập khẩu có thể đặt ra cũng có thể gây khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta.
Ưu đãi thuế quan từ CPTPP mới chỉ đạt 4%.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa biết về việc ưu đãi thuế quan từ Hiệp định, nên chưa tận dụng được những lợi thế. Do đó yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, có những biện pháp về cung cấp các thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới./.