Việc sở hữu một hoặc vài chiếc xe để đi lại, phục vụ cuộc sống là chính đáng và thiết yếu. Sau khi đã bỏ một số tiền không hề nhỏ để mua xe, người dùng lại tiếp tục cuộc hành trình chăm sóc “vợ 2” để đảm bảo điều kiện vận hành an toàn và thoải mái nhất. Tuy nhiên với đặc thù ở Việt Nam thì sẽ có rất nhiều trở ngại cho các cụ/mợ thực hiện điều này. Tôi thấy chủ xe có ba sự lựa chọn khi muốn chăm sóc xế yêu của mình:
1. Đưa xe vào gara chính hãng
Gara chính hãng thì ưu điểm là có chuẩn mực nhất định, có bảo hành về dịch vụ sửa chữa và đồ thay thế đảm bảo (Tôi không chắc 100% nhưng độ uy tín cao hơn bên ngoài). Tuy nhiên, đồ trong gara chính hãng thường đắt hơn (so với gara tư nhân) và quan trọng là có nhiều đồ phải chờ order rất lâu (7-30 ngày mới có để thay thế). Trong trường hợp người dùng tự mua đồ ngoài thì sẽ phải mang ra gara ngoài để thay thế. Hãng không nhận thay đồ không phải do họ cung cấp vì còn liên quan đến chất lượng, bảo hành, và sự cố sau sửa chữa.
2. Đưa xe vào các gara tư nhân
Gara tư nhân thì đồ đạc rẻ hơn (cái này yêu cầu người dùng cũng phải hiểu biết một chút để phân biệt đồ nhái hay đồ có thương hiệu). Chất lượng của thợ thuyền cũng như uy tín thì hên xui. Nếu không quen biết gì thì chủ xe cần phải đích thân trải nghiệm để đánh giá. Theo kinh nghiệm của tôi thì nên bỏ thời gian giám sát (nhất là những công việc có thể làm ngay và làm trong ngày) để đảm bảo đến mức tối đa chất lượng sửa chữa và tháo lắp xe. Qua quá trình quan sát chúng ta cũng có thể đánh giá được phần nào về trình độ thợ, mức độ cẩn thận hay cẩu thả để cân nhắc đến việc sửa chữa lâu dài. Một số thợ rất cẩu thả trong khâu tháo lắp vì vậy chủ xe bỏ xe lại ngay lần đầu sửa chữa, phó mặc cho thợ là rất không nên.
Ngoài ra, gara tư nhân cũng có vài loại:
– Gara lớn, chủ gara không trực tiếp tham gia mà chỉ quản lý nhận và giao xe. Nếu làm ở gara này thì chủ xe nên kiểm tra đánh giá các hạng mục yêu cầu sửa chữa trước khi đánh xe về, và nếu không quá bận thì vẫn nên dành thời gian để quan sát thợ làm vì chủ gara sẽ không có thời gian giám sát việc này cho mình đâu.
– Gara nhỏ, chủ gara thường hay tham gia vào quá trình sửa chữa. Cá nhân tôi thì thích loại này hơn vì thường là họ sẽ hiểu biết hơn, làm có trách nhiệm hơn và mình có thể trao đổi, thắc mắc luôn trong quá trình làm việc của họ.
Theo quan điểm của tôi, cứ chỗ nào sửa chữa xong mà họ bảo hành thì nơi đó uy tín. – bspvietnam- |
3. Tự làm
Cái này thì cũng không nhiều, chủ yếu những thứ dễ và nhẹ nhàng như điện và trang trí xe, khắc phục sự cố nhẹ. Rất tốt nhưng phải hiểu biết không thì lại tiền mất tật mang.
Tóm lại, kinh nghiệm của tôi là cái gì đơn giản, nhất là những phần gầm thì tìm gara tư nhân uy tín, tay nghề ổn để làm. Còn những thứ lớn, hoặc yêu cầu chất lượng tốt dùng trong thời gian lâu dài như giảm sóc, máy phát, máy nén điều hòa, cảm biến, hệ thống điện… thì nên vào hãng, đắt hơn nhưng đảm bảo hơn.
Trên đây là chia sẻ về chút kinh nghiệm nhỏ của tôi, các ofer thấy thiếu gì thì tiếp tục bổ sung nhé.
Bài viết được chia sẻ dựa trên kinh nghiệm của Ofer. Mời quý độc giả tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ email: otofun@otv.vn