Quan sát kỹ làng xe sang và cả siêu sang từ năm 2020 trở đi, có thể thấy rõ ngày một nhiều hãng xe nhăm nhe biến thành thương hiệu “bán sang” hoặc ít nhất là có một số dòng tên đủ sức cạnh tranh xe sang truyền thống. Mazda khởi đầu cùng Mazda3, Kia có Stinger/Telluride hay Hyundai có Palisade, tất cả đều cho thấy kết quả doanh số tốt dù mức giá của chúng cao hơn mặt bằng vốn có của thương hiệu.
Nhìn rộng hơn nữa, phân khúc xe sang và xe siêu sang toàn cầu không bị ảnh hưởng mạnh vì COVID-19 như những phân khúc dưới. Lấy ví dụ như thị trường Bắc Mỹ vào quý I vừa qua, phân khúc hạng sang nói chung có doanh số tăng tới 20% – cao vượt cả mức tăng trưởng trung bình 12% toàn thị trường. Thị phần xe sang bán ra cũng đã lên tới con số kỷ lục 15,2% chưa từng thấy từ thập niên 1990 tới nay.
Theo Automotive News, doanh số xe sang sẽ còn tăng cao nữa khi phần lớn xe điện hiện nay đều nằm ở phân khúc xe sang và cũng đang trên đà tăng trưởng. Doanh số xe điện tính riêng cũng chiếm tới 14,5% thị phần Bắc Mỹ trong quý I vừa qua từ mức 8,9% chỉ 12 tháng trước. Nếu tính riêng trong phân khúc xe sang, xe điện chiếm 19% lượng xe bán ra (tăng từ 12,25% trong 2020).
Vẫn theo tờ báo Mỹ phân tích, miễn là SUV còn được người dùng toàn cầu ưa chuộng, sự tăng trưởng của các phân khúc hạng sang sẽ không dừng lại. Khó có thể chỉ ra một cái tên nào nằm trong nhóm SUV sang có doanh số thấp dần theo từng năm trừ khi chúng đã quá lâu không được nâng cấp. “SUV sang mọi kích cỡ đều hot, mọi phân khúc khác thì không”, Automotive News trích lời giám đốc phân tích thị trường Michelle Krebs của Autotrader.
Trong ít nhất là 6 tháng tới, việc thiếu hụt chip bán dẫn có thể dẫn tới việc các tập đoàn xe ưu tiên lắp ráp xe sang giá cao và hạn chế sản lượng xe phổ thông, dẫn tới cán cân trên thị trường tiếp tục lệch về hướng phân khúc này.
Tham khảo: Automotive News