VinFast Fadil có tổng doanh số vượt Hyundai Grand i10, từ đó trở thành mẫu xe hạng A ăn khách nhất năm 2020.
Phân khúc xe đô thị hạng A chưa bao giờ hết “hot”, khi đây là nhóm xe dễ tiếp cận với giá bán rẻ. Trong năm 2020, thị trường chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa Hyundai Grand i10 và VinFast Fadil, phần thắng nghiêng về Fadil khi mẫu xe này có sự tăng trưởng doanh số đáng kể trong năm qua.
1. VinFast Fadil: 18.016 xe
VinFast Fadil trở thành “thế lực mới” trong năm 2020 khi dẫn đầu doanh số trong số xe đô thị hạng A. Tổng doanh số của mẫu xe này đạt 18.016 xe, cao hơn đối thủ xếp sau Hyundai Grand i10 447 xe. Mức chênh lệch không nhiều nhưng cũng đủ mang đến chiến thắng đầu tay cho mẫu xe hạng A của Việt Nam.
Dấu ấn của VinFast Fadil không hề nhỏ, kể từ khi VinFast bắt đầu công bố số liệu bán hàng, mẫu xe này thường xuyên góp mặt trong nhóm 10 xe ăn khách nhất các tháng. Điểm nhấn là 3 tháng liên tiếp dẫn đầu nhóm xe hạng A.
Thành công của VinFast Fadil một phần do đây là mẫu xe mới trên thị trường, trong khi những đối thủ khác không có quá nhiều đổi mới, ngoại hình dần lỗi thời. Bên cạnh đó, đây cũng là mẫu xe hạng A có nhiều trang bị đáng kể trong phân khúc, như cân bằng điện tử, ABS, EBD, ESC, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ chống lật, camera lùi, cảm biến lùi và 6 túi khí.Dù không rộng rãi như Hyundai Grand i10, bù lại VinFast Fadil được trang bị động cơ dung tích lớn nhất trong phân khúc. Sức mạnh của xe đến từ động cơ 1.4L, 4 xi-lanh thẳng hàng, công suất 98 mã lực, mô-men xoắn 128 Nm, đi kèm hộp số vô cấp CVT.VinFast cũng áp dụng nhiều chương trình ưu đãi về giá và trả góp miễn lãi vay cho mẫu xe này trong các tháng, nhờ đó mà độ tiếp cận khách hàng của Fadil ngày càng lớn. Thiết kế mới, công nghệ an toàn đáng kể và hưởng lợi từ việc ưu đãi phí trước bạ 50% đã mang đến một năm 2020 khá thành công cho VinFast Fadil.
2. Hyundai Grand i10: 17.569 xe
Ở chiều ngược lại, Hyundai Grand i10 có tổng doanh số trong năm 2020 tương đối thành công, nhưng lại đánh mất vị thế quen thuộc. Mẫu xe này từng nhiều năm dẫn đầu nhóm xe đô thị hạng A tại Việt Nam, nhưng cú trượt chân trước VinFast Fadil được xem là lời cảnh tỉnh đối với đại diện Hàn Quốc.
Với doanh số cộng dồn đạt 17.569 xe trong năm 2020, Hyundai Grand i10 đứng 2 trong phân khúc xe hạng A và đứng thứ 4 toàn thị trường. So với cùng kỳ năm 2019, doanh số của Grand i10 giảm 519 xe (giảm 2,9%), phong độ bán hàng thiếu ổn định cùng ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân của sự suy giảm này.Bên cạnh đó, Hyundai Grand i10 đã tồn tại trên thị trường hơn 3 năm nhưng chưa có lần nâng cấp nào đáng kể. Kiểu dáng của xe không còn mới mẻ, trong khi trang bị tiện nghi, an toàn và động cơ cũng không vượt trội nếu so với VinFast Fadil.Ưu điểm của Hyundai Grand i10 là không gian nội thất thuộc hàng rộng nhất phân khúc, giá bán mềm dao động từ 315 triệu đến 415 triệu đồng khá cạnh tranh. Do đó, Hyundai Grand i10 vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu đối với nhóm khách hàng mua xe kinh doanh dịch vụ.Thế hệ mới của Hyundai Grand i10 đã ra mắt thế giới từ cuối năm 2019. Người dùng trong nước cũng rất chờ đợi thế hệ này. Nếu không muốn đi vào “vết xe đổ” của Kia Morning, Hyundai Grand i10 thế hệ mới nên sớm được ra mắt tại Việt Nam.
3. Kia Morning: 6.228 xe
Trong năm 2020, có tổng cộng 6.228 chiếc Kia Morning được bán ra thị trường. Với thành tích này, Kia Morning đứng thứ 3 trong nhóm xe đô thị hạng A. Nhưng điều này không mấy thành công nếu so với năm trước đó. Trong năm 2019, doanh số của Kia Morning là 9.311 xe, xếp thứ 2 trong phân khúc xe hạng A. Mức suy giảm doanh số của mẫu xe Hàn Quốc là 3.083 xe, tương ứng 33,2%.
Từ vị thế “đua song mã” với Hyundai Grand i10 trong những năm trước đó, Kia Morning dần đánh rơi phong độ. Mẫu xe này mất hút trong nhóm 10 xe ăn khách nhất các tháng. Bên cạnh ảnh hưởng từ nhu cầu thị trường suy giảm, mẫu hatchback do Thaco phân phối tỏ ra đuối sức khi cạnh tranh với các đối thủ do mẫu mã đã cũ và chậm cập nhật bản nâng cấp.Đến tháng 11/2020, Kia Morning thế hệ nâng cấp được ra mắt tại Việt Nam nhằm cải thiện tình hình kinh doanh trong tháng 12 và năm 2021. Kia Morning 2021 được Thaco phân phối với 2 phiên bản là GT-Line và X-Line, giá bán từ 439 triệu đồng. Xe có ngoại hình và nội thất bắt mắt hơn, trang bị tiện nghi cũng được bổ sung, tuy nhiên giá bán đắt hơn đáng kể so với đời trước (299-383 triệu đồng).Việc Thaco cho ra mắt thế hệ mới của Kia Morning là cần thiết bởi sức cạnh tranh của xe đã giảm, tuy nhiên bấy nhiêu là chưa đủ để cứu vãn tình hình kinh doanh trên đà suy giảm trong năm qua. Chậm vẫn hơn không, hy vọng đây sẽ là bước đà để Kia Morning trở lại cuộc đua một cách sòng phẳng với VinFast Fadil và Hyundai Grand i10 trong năm 2021.
4. Honda Brio: 2.906 xe
Doanh số của Honda Brio trong năm 2020 đạt 2.906 xe, tăng 255 xe so với năng trước đó (8,8%). Không như những phân khúc khác, những cái tên từ Nhật Bản thất thế trước các đối thủ từ Hàn Quốc và Việt Nam trong nhóm xe hạng A. Riêng Honda Brio là một mẫu xe nhập khẩu nên sức cạnh tranh có phần hạn chế.
Nguồn cung không ổn định, không được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cùng giá bán cao đã khiến Honda Brio gặp không ít trở ngại trong việc tiếp cận người dùng. Mức giá của Honda Brio thuộc diện cao nhất nhì trong phân khúc. Phiên bản Brio G và RS có giá đề xuất 418 triệu và 448 triệu đồng, đi cùng tùy chọn thêm màu sơn với chi phí 4-6 triệu đồng.Thiết kế ngoại thất thể thao, nội thất rộng rãi được xem là 2 ưu điểm chính của Honda Brio so với các đối thủ. Mẫu xe hạng A Nhật Bản sử dụng động cơ xăng 1.2L đi cùng hộp số vô cấp CVT. Niềm an ủi của Honda Brio khi vẫn là đại diện Nhật Bản bán chạy nhất phân khúc, trong khi mẫu xe đồng hương Toyota Wigo có tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, còn Suzuki Celerio đã sớm bỏ cuộc.
5. Toyota Wigo: 2.561 xe
Kết thúc năm 2020, Toyota Wigo đạt doanh số 2.561 xe, thấp hơn năm 2019 đến 4.330 xe, tương ứng 62,8%. Toyota Wigo là mẫu xe hạng A có bán chậm nhất khi doanh số trung bình hàng tháng chỉ khoảng 200 xe.
Phiên bản nâng cấp Toyota Wigo 2020 đã được ra mắt từ giữa năm, nhưng vẫn không thể giúp mẫu xe này khá khẩm hơn trong một năm 2020 đầy khó khăn và biến động. So với đời xe trước, Toyota Wigo 2020 có ngoại hình năng động hơn, đi cùng trang bị tính năng được bổ sung. Toyota trang bị cho Wigo động cơ xăng 1.2L, đi cùng tùy chọn số sàn 5 cấp hoặc số tự động 4 cấp.Dù có giá bán tương đối hấp dẫn, 352-384 triệu đồng, việc nhập khẩu từ Indonesia khiến Toyota Wigo không được ưu đãi lệ phí trước bạ như VinFast Fadil, Hyundai Grand i10 hay Kia Morning. Ngoài ra, kiểu dáng và nội thất của các mẫu xe hạng A Nhật Bản thường theo hướng thực dụng và đơn giản, trong khi đây là phân khúc có nhiều khách hàng trẻ với yêu cầu cao cả về ngoại nội thất và trang bị tiện nghi.
6. Suzuki Celerio: 201 xe
Do không đủ sức cạnh tranh, Suzuki Celerio đã sớm chia tay thị trường Việt Nam từ nửa đầu năm 2020. Tháng 5/2020, Suzuki tuyên bố chính thức dừng phân phối dòng xe này. Doanh số 201 xe trong 5 tháng đầu năm là dấu ấn cuối cùng của Celerio trên thị trường ôtô nói chung và phân khúc xe đô thị hạng A nói riêng.
Suzuki Celerio lần đầu ra mắt tại Vietnam Motor Show 2017. Trải qua gần 3 năm, mẫu xe đô thị cỡ nhỏ của Suzuki vẫn không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Xe thường bị các đối thủ cùng phân khúc bỏ xa về doanh số. Cả năm 2019, Suzuki Celerio bán được 1.756 chiếc, chiếm chưa đến 5% thị phần phân khúc.
Trước khi dừng bán tại Việt Nam, Suzuki Celerio được phân phối với hai phiên bản 1.0 MT giá 329 triệu đồng và 1.0 CVT giá 359 triệu đồng. Xe sử dụng động cơ xăng K10B 1.0L 3 xi-lanh, công suất 69 mã lực và mô-men xoắn 89 Nm. Thiết kế không ấn tượng, hiệu suất động cơ thấp là điều khiến Suzuki Celerio không được lòng người dùng và phải sớm nói lời chia tay.
Nguồn: Zing.vn