Kể từ khi ra đời, túi khí đã dần trở thành một tính năng an toàn tiêu chuẩn của xe ô tô, giống như phanh ABS. Bắt đầu với chỉ một túi khí bên trong vô lăng hoặc một túi khí bên ghế lái phụ ở một số chiếc xe cụ thể trong thời kỳ đầu 1970, các công ty như Ford đã từng tuyên bố túi khí không phù hợp để sản xuất hàng loạt. Thế nhưng lịch sử chứng minh họ đã sai khi giờ đây túi khí bên tài xế là trang bị bắt buộc kể từ năm 1998, và một số mẫu xe hiện đại thời nay còn có đến 10 túi khí quanh cabin để bảo vệ tất cả hành khách trong xe, và mọi thứ vẫn đang tiếp tục phát triển.
Khi tìm mua một chiếc xe mới, người mua nhìn nhận túi khí là một biểu tượng an toàn và sẽ cân nhắc số lượng túi khí được trang bị cũng như điểm số kiểm tra va chạm của những cơ sở chuyên môn. Nói là vậy nhưng thực tế thì người mua hiểu rõ trang bị cứu mạng này tới đâu? Sau đây chúng ta sẽ cùng dành chút thời gian để tìm hiểu cách thức hoạt động của túi khí và tốc độ nó bung ra là bao nhiêu.
Cách túi khí hoạt động
Nếu bạn lái xe gặp va chạm, chiếc xe sẽ dừng lại gần như ngay lập tức, nhưng sự giảm tốc đột ngột này không áp dụng với tất cả vật thể trong xe do quán tính. Do vậy, cơ thể của người ngồi sẽ tiếp tục di chuyển ở tốc độ trước đó của chiếc xe cho đến khi bị ngăn lại bởi một vật thể khác, ví như dây an toàn hoặc vô lăng. Khi cơ thể dừng lại, chuyện tương tự sẽ xảy ra ở bên trong chúng ta, và khi các cơ quan nội tạng bị va đập mạnh bất chợt, chúng có thể gây nên tổn thương nặng dẫn tới tử vong. Túi khí sinh ra là để ngăn chặn trường hợp này.
Ảnh minh họa
Túi khí hoạt động nhờ các cảm biến gắn khắp xe để xác định sự giảm tốc tương đương với đâm vào tường gạch ở khoảng 16-25 km/h. Khi chuyện này xảy ra, một tín hiệu sẽ được gửi đến túi khí để kích nổ một lượng chất nổ nhỏ. Vụ nổ này nhanh chóng giải phóng một khí trơ như nitơ hoặc argon vào một túi nylon mỏng, và đây là phần túi khí mà chúng ta nhìn thấy. Bằng cách va đập với vùng tác động mềm này, cơ thể con người sẽ dừng lại chậm hơn nhiều, giảm đáng kể nguy cơ chấn thương nội tạng do tác động mạnh hoặc tổn thương đầu do va chạm với bề mặt cứng.
Vậy túi khí bung ra nhanh đến đâu?
Cân nhắc những yếu tố đề cập trên, nhiều người sẽ nghĩ rằng quá trình túi khí bung ra chắc là cực nhanh như một phát súng. Đáng tiếc, thực tế không được thú vị như thế. Tốc độ bung túi khí điển hình dao động trong khoảng 160 – 320 km/h, và bản thân túi khí sẽ có áp suất căng ra tối đa là 5 psi. Đây không phải con số nhiều người tưởng tượng, nhưng tất cả đều có lý do.
Ảnh minh họa
Dù có một túi khí áp suất thấp, sự giảm tốc trong một vụ va chạm vẫn chậm hơn đáng kể, cho phép cơ thể có nhiều thời gian để chậm lại. Hơn nữa, 160 – 320 km cũng là tốc độ cực nhanh và có khả năng vẫn nhanh hơn tổng tốc độ tác động, trừ phi bạn cầm lái một siêu xe có khả năng đạt tốc độ kinh khủng hơn thế.
Bên cạnh đó, túi khí thực sự cũng không thể bung ra nhanh hơn tốc độ này bởi nó có thể gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết. Ví dụ, để có tốc độ bung túi khí nhanh hơn, người ta sẽ cần dùng nhiều chất nổ hơn, và điều này tạo nguy cơ làm người ngồi bị thương nhẹ hoặc bỏng từ chính thiết bị lẽ ra phải giúp họ an toàn.