Đối với những chiếc xe ôtô, các trang bị an toàn luôn là một trong những yếu tố được nhà sản xuất đưa lên hàng đầu bởi đây chính là điểm then chốt để bảo vệ an toàn cho sức khoẻ và tính mạng của những người ngồi trong xe.
Dây đai an toàn
Mục đích chính của dây đai an toàn là giữ người ngồi bên trong xe không bị lao về phía trước khi xe dừng đột ngột như tình huống phanh gấp hay có tai nạn trực diện.
Ngày nay, dây đai an toàn đã trở thành một trang bị an toàn tiêu chuẩn và nhiều quốc gia đã quy định người ngồi trong xe bắt buộc phải cài dây đai an toàn tại vị trí mình ngồi.
Khung xe hấp thụ lực
Hệ thống khung gầm có những vùng hấp thụ lực khi xảy ra va chạm. Những vùng này rất “mềm”, nằm ở phía trước và sau xe. Khi bị đâm từ phía trước hoặc sau đến, đầu xe hoặc đuôi xe sẽ bị dúm lại.
Trong khi đó phần ca-bin lái của chiếc xe lại được thiết kế cứng vững hơn, ít bị biến dạng khi va chạm và người ngồi trong xe sẽ ít bị chấn động, có thể dễ dàng thoát ra ngoài sau khi xảy ra va chạm.
Do đó, khi một vụ tai nạn xảy ra, chiếc xe càng xây xát, vỡ, móp đầu và đuôi, thì nó lại càng có tác dụng bảo vệ an toàn cho người ngồi trong, miễn là cabin cứng vững. Người mua xe cần hiểu điều này để đánh giá đúng mức độ an toàn của xe hơi, không phải cứ xe đâm đụng mà “còn y nguyên” mới là an toàn.
Hệ thống túi khí
Túi khí là những túi vải co giãn đảm bảo được khả năng thu gọn và dễ dàng bung ra ngay khi cần thiết. Trong tình huống xảy ra va chạm theo đúng tính toán của nhà sản xuất, túi khí sẽ được bơm phồng gần như ngay lập tức trong thời gian nhanh hơn một cái chớp mắt nhằm mục đích bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể hành khách và lái xe.
Mỗi túi khí ở vị trí khác nhau lại có nhiệm vụ bảo vệ khác nhau nên không phải tất cả các túi khí đều nổ khi xảy ra va chạm.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS là một hệ thống sử dụng các cảm biến điện tử để nhận biết một hoặc nhiều bánh bị bó cứng trong quá trình phanh của xe. Hệ thống này giám sát tốc độ của các bánh khi phanh. Khi một hoặc nhiều lốp có hiện tượng bó cứng, hệ thống này sẽ điều chỉnh áp lực phanh đến từng bánh, loại bỏ khả năng lốp trượt – duy trì khả năng điều khiển xe.
Hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD
Đi kèm với hệ thống chống bó cứng phanh ABS thì những chiếc xe ngày nay đều được trang bị thêm hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD. Hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD có vai trò không kém hệ thống chống bó cứng phanh ABS trong việc trợ giúp quá trình phanh.
Nó hoạt động hoàn toàn tự động và không cần tài xế kích hoạt. Hệ thống phân phối lực phanh điện tử có nhiệm vụ phân bổ lực phanh tới các bánh để đảm bảo xe dừng một cách cân bằng nhất. Sự kết hợp giữa hai công nghệ ABS và EBD sẽ giúp quá trình phanh trở nên tối ưu hơn.
Hệ thống hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA
Hệ thống hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA là một tính năng an toàn trên ôtô giúp hỗ trợ lực phanh trong tình huống khẩn cấp. Tính năng này sẽ được kích hoạt trong các tình huống cần phanh gấp nhưng người lái đạp phanh không đủ lực.
Hệ thống phanh khẩn cấp BA thường đi cùng với hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD và hệ thống chống bó cứng phanh ABS, giúp chiếc xe của bạn không chỉ dừng trong quãng đường ngắn nhất mà còn cân bằng tốt hơn.
Hệ thống cân bằng điện tử ESP
Hệ thống cân bằng điện tử thường được gọi là Electronic Stability Program hay viết tắt là ESP nhưng đối với mỗi hãng xe lại có sự tinh chỉnh trong bộ điều khiển và được đặt với nhiều tên riêng khác nhau.
Tuy nhiên về cơ bản, hệ thống cân bằng điện tử của các hãng đều có nguyên tắc hoạt động tương tự nhau đó là dựa vào tín hiệu từ các cảm biến như cảm biến tốc độ bánh xe (dùng chung với hệ thống ABS và TCS) để xác định độ trượt của bánh, cảm biến quay vòng, gia tốc, góc lái cũng như áp suất phanh để xác định khi xe có xu hướng lật, mất lái và tiến hành can thiệp để ổn định thân xe cũng như hạn chế khả năng mất lái hoặc lật xe.