Ngày 15/5, cô Lý lái xe đến nhà bạn ở tiểu khu Lệ Hải Hinh Uyển, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc chơi.
Sau khi đỗ xe vào 1 ô để xe bên đường, có lẽ là chỗ đỗ xe của cư dân sinh sống tại đây, cô Lý đã lưu lại số điện thoại trên xe, để phòng trường hợp có người cần cô di chuyển xe đi chỗ khác. Thế nhưng cô gái không ngờ, sau khi từ nhà bạn trở ra, đón chờ cô lại là chiếc xe bị bẻ cong biển số và 1 đống rác thải.
Cô Lý kiểm tra camera an ninh và phát hiện ra vào lúc 19h20′ ngày hôm đó, có 1 nữ tài xế cho xe dừng trước xe của cô, trên xe có khoảng 3 người.
Bước xuống xe ngó nghiêng 1 hồi, nữ tài xế này nhanh chóng đi đến thùng rác gần đó, lấy ra 2 túi rác rồi đi đến trước mũi xe của cô Lý. Cô ta đổ 2 túi rác gồm thức ăn thừa, tã giấy… lên nắp capo và nhặt luôn 2 chiếc mũ 3 góc (Three-Cornered Hat, là chiếc mũ khá cứng, có 3 góc nhọn) dưới đất để đập vào đầu xe của cô Lý. Dường như chưa hả dạ, người phụ nữ này tiếp tục đi đến 2 đầu xe, bẻ cong biển số trước và sau của chiếc xe đáng thương.
Xem xong đoạn video ghi lại quá trình chiếc xe bị đem ra trút giận, cô Lý cảm thấy vô cùng khó hiểu. Rõ ràng cô đã lưu lại số điện thoại để khi cần người ta có thể liên hệ với chủ xe, vậy nhưng cô lại không hề nhận được bất cứ cuộc gọi nào. Cô Lý cho biết, trước đó 1 ngày, bạn cô cũng đỗ xe ở chỗ của người lạ, sau đó nhận được điện thoại yêu cầu di chuyển xe đi chỗ khác và cô cũng lập tức đáp ứng, giữa 2 bên không xảy ra mâu thuẫn gì.
Theo lời cô Lý, chỗ đỗ xe này chỉ được kẻ vạch trắng, không có biển hiệu hay ghi chú nào “đánh dấu chủ quyền”, hơn nữa cô đã cẩn thận để lại số điện thoại nên không thể ngờ được chuyện này lại xảy ra với mình.
Quá bức xúc, cô Lý đã báo cảnh sát về vụ việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng nhanh chóng tìm ra người phụ nữ đã xuống tay với chiếc xe của cô Lý buổi tối ngày hôm đó. Nữ tài xế xả rác đã đề nghị được giải quyết riêng với cô Lý.
Bởi tác động của chiếc mũ 3 góc, xe của cô Lý đã bị xước 1 mảng rất lớn, lộ ra lớp sơn lót bên trong. Chiếc xe này được phun sơn phủ đặc biệt, nên vết xước khiến cho phần nắp xe hoàn toàn lệch màu với những phần không bị hư hại.
Cô Lý đã khảo giá ở 1 số cửa hàng và được biết nếu muốn sơn lại toàn bộ chiếc xe, mức giá rẻ nhất là 12 nghìn tệ (tương đương 43 triệu đồng). Bên cạnh đó, cô cũng tham khảo giá bán lại xe ở thị trường xe cũ. Nếu bán đi, chiếc xe của cô sẽ bị khấu trừ 20 nghìn tệ (tương đương 71,7 triệu đồng) chi phí khắc phục vết xước lớn này. Cuối cùng, cô Lý đưa ra mức đền bù thiệt hại là 32 nghìn tệ (tương đương 114,7 triệu đồng).
Dưới sự tác động của cảnh sát, đôi bên đã ký hiệp ước hoà giải. Nữ tài xế ngang ngược kể trên cũng đồng ý đền bù cho cô Lý số tiền 32 nghìn tệ như yêu cầu.
Khi được hỏi tại sao không liên lạc với số điện thoại lưu lại trên xe, nữ tài xế cho biết bởi chỗ đỗ xe của cô ta thường xuyên bị người khác chiếm dụng và luôn phải gọi điện rồi đợi chờ người ta xuống di chuyển xe, vô cùng phiền phức và mất thời gian. Bởi vậy, trong lúc nóng giận, nữ tài xế này đã gây ra hành động mất kiểm soát.
Những ngày gần đây, vụ việc được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận Trung Quốc. Một vài người tranh thủ bày tỏ sự bất bình vì chỗ đỗ xe của mình thường bị người khác đỗ mất, thậm chí có người còn phần nào cảm thông với cơn giận dữ của nữ tài xế nọ.
Tuy nhiên, phần đông cư dân mạng đều cho rằng hành động của cô ta quá ngang ngược, và 32 nghìn tệ là cái giá mà cô ta xứng đáng phải trả: “Tại sao có số điện thoại mà không gọi? Quá là vô lý luôn ấy!”, “Đúng là cả giận mất khôn mà! Đang yên đang lành tự nhiên mất cả đống tiền đền bù.”, “Cho dù người ta có đỗ xe sai thì cũng không được phép phá hoại và đổ rác lên xe của người ta như vậy.”, “Phải bắt đền để cho cô ta sáng mắt ra, xem về sau còn dám hung hãn như thế nữa hay không.”, “Làm gì có chỗ nào là chỗ đỗ xe của riêng cô? Đất thuộc sở hữu của Ban quản lý khu nhà, cô làm gì có quyền nhận đấy là chỗ của mình?”, “Nếu không muốn bị người ta đỗ xe vào đấy thì tự nghĩ cách mà đánh dấu chủ quyền đi!”…
Nguồn: 163