Đối với Toyota, đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt Nam mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh. Để trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI như Toyota là điều không dễ dàng nhưng một khi đã trở thành đối tác của họ, doanh nghiệp Việt sẽ nhận được nhiều lợi ích lâu dài.
Toyota xác định phát triển số lượng và quy mô nhà cung cấp Việt Nam là nhiệm vụ ưu tiên và dài hạn. Các doanh nghiệp Việt Nam thường hạn chế về mặt kinh nghiệm cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và chi phí cạnh tranh. Ban đầu, Toyota hỗ trợ nền tảng sản xuất cho các nhà cung cấp Việt về 5S, An toàn, Công viêc tiêu chuẩn.
Sau đó TMV tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển chuyên sâu hơn giúp nhà cung cấp cải thiện hiệu suất công việc. Thông qua việc tổ chức các buổi thăm các nhà cung cấp cùng nhóm hàng hóa tại Thái lan, nhà cung cấp Việt có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào quản lý sản xuất. Ngoài ra, Toyota hỗ trợ tư vẫn thiết kế khuôn, đồ gá đo kiểm nhằm giúp nhà cung cấp đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như mang lại chi phí sản xuất cạnh tranh hơn hay tổ chức các buổi đào tạo quản lý về thay khuôn nhanh, bảo dưỡng định kỳ và hướng dẫn sắp sếp sản xuất theo dòng chảy giảm lưu kho, cắt giảm thời gian sản xuất.
Trong suốt thời gian qua, Toyota cũng đã ghi nhận kết quả triển vọng bước đầu. Hiện danh sách các nhà cung cấp của TMV đã lên tới con số 38 trong đó có 6 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa của TMV đạt trên 700 sản phẩm các loại.
Lấy nhà máy Nhựa Hà Nội – đơn vị cung cấp cho Toyota từ năm 2012 là một ví dụ. Năm 2017, Toyota thành lập ban dự án hỗ trợ chuyển giao đầu tiên tại Nhựa Hà Nội. Sau 1 năm, Nhựa Hà Nội đã thực sự “thay đổi cả chất và lượng” nhờ áp dụng quy tắc 5S Toyota và tiêu chuẩn hóa công việc. Nhà máy ngăn nắp, sạch sẽ hơn, ý thức tuân thủ của người lao động tăng lên rõ rệt. Về hiệu quả kinh tế, tính đến nay, Nhựa Hà Nội đã cắt giảm chi phí ước tính khoảng 2,8 tỷ VND qua cải tiến về khuôn, trung bình năng suất lao động tăng 10%. Riêng với dòng xe Vios thế hệ mới, số lượng phụ tùng cung cấp bởi nhà máy nhựa Hà Nội đã tăng từ 3 lên 56 phụ tùng. Điều này cho thấy tiềm năng của ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và hi vọng rằng các nhà cung cấp sẽ không ngừng nâng cao năng lực của mình, và xa hơn là tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng của khu vực và toàn cầu.
Những sự hỗ trợ nói trên hoàn toàn đồng nhất với nguyên lý số 11 “Tôn trọng mạng lưới đối tác và các nhà cung cấp bằng cách thử thách họ và giúp họ cải tiến” trong 14 nguyên lý hoạt động mà Toyota đã và đang thực hiện. Bằng những kết quả kinh doanh, hoạt động hỗ trợ cùng sự gia tăng đầu tư và mở rộng sản xuất liên tục vào Việt Nam, Toyota đã chứng tỏ cam kết kinh doanh lâu dài tại Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, cùng doanh nghiệp Việt từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, khẳng định chất lượng và vị thế của sản phẩm Việt. Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp các nhà cung cấp, TMV phối hợp cùng Trường Đại học Bách khoa tổ chức chương trình “Monozukuri” đào tạo phương thức sản xuất tinh gọn theo triết lý Toyota. Tính đến nay, sau 15 năm thực hiện, chương trình “Monozukuri” đã đạt được nhiều thành công lớn và nhận được những đánh giá tích cực với 60 khóa học dành cho hơn 500 học viên cho gần 150 doanh nghiệp.
PV
Theo CNOTO