Lưu ý: lực kéo phải trên 30kg và đột ngột thì túi khí mới nổ, Nếu bạn chỉ bước ra khỏi xe nhẹ thì túi sẽ không nổ đâu.
Phiên bản:
Có hai loại áo Hit-air khác nhau mà mình mượn được, loại thứ nhất dành cho những ai chưa có áo giáp, muốn mua một cái gì đó đầy đủ tính năng. Giá của chiếc áo HS5 này là 12.790 triệu đồng. Chiếc áo thứ 2 được thiết kế dưới dạng áo gile, dành cho ai đã có ảo bảo hộ rồi hoặc chơi các môn thể thao khác như đua ngựa hay kể cả xe đạp, nó đỡ nặng nề hơn là chiếc áo full. Giá của áo gile MC3 là 9.39 triệu. Cả 2 đều chưa kèm bình CO2 giá 490 ngàn.
Như những chiếc áo bảo hộ khác thì HS5 được trang bị giáp ở 2 bên cầu vai và cùi chỏ. Cả HS5 và MC3 đều có giáp lưng nhưng nó đều là những miếng mút mỏng, mang tác dụng chống trầy nhiều hơn là bảo vệ. Thực tế thì các bạn nên mua các miếng giáp khác gắn vào thì sẽ an toàn hơn. Dù sao cũng an ủi là Hit-air có tặng một miếng đệm mỏng, còn hơn bán mắc mà không bao giờ cho kèm theo như Revit.
Nhìn chung thì hai chiếc áo của Hit-air dùng chất liệu lưới khá nhiều, không có tác dụng bảo vệ tốt như da nhưng lại mát hơn. Có lẽ Hit-air tin tưởng vào hệ thống túi khí nhiều hơn. Mình thì vẫn luôn thích những mẫu áo dùng mesh nhưng gia cố thêm da chịu lực ở các vị trí trọng yếu, nhưng nó cũng tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Nhìn thông số thì nhà sản xuất dùng Polyester 600D, một vật liệu hấp thụ lực ở mức vừa cho vỏ áo bên ngoài.
Cá nhân mình đánh giá áo của Hit-air được thiết kế khá, không đẹp nhưng cũng chẳng xấu. Các đường may ở mức khá.
Trên thực tế, nếu không có hệ thống túi khí thì có lẽ các áo này sẽ được bán với giá khoảng 6-8 triệu đồng nếu muốn cạnh tranh với các nhà sản xuất khác.
Ngoài các phiên bản này thì Hit-air cũng có một số mẫu khác, các bạn có thể tham khảo thêm ở cuối bài viết.
Bảo vệ:
Tạm bỏ qua những miếng đệm giáp, mình quan tâm nhiều hơn đến túi khí vì nó gần như là tính năng độc nhất của Hit-air. Khi mua áo thì các bạn sẽ mua thêm một bình CO2, bình này sẽ gắn vào trước ngực, nằm phía sau túi áo (có khóa zip). Phía sau túi áo này là một sợi dây với bi kim loại, sợi dây sẽ dính chặt vào áo một đầu trong khi đầu còn lại gắn vào xe máy của chúng ta.
Khi có tai nạn xảy ra, bạn bị văng khỏi xe thì viên bi cũng giựt bung khỏi áo, lò xo phía dưới sẽ đẩy mạnh lên trên để đâm vào bình CO2, qua đó đẩy khí đi khắp các đường ven dẫn trong áo, làm phồng áo lên chỉ sau khoảng 0.2 giây.
Để an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất thì khi gắn sợi dây vào xe, bạn nên gắn ở những vị trí gần chúng ta nhất, và nó buộc phải rất vững chắc. Khi mình gắn thứ thì mình gắn vào khung mắt cáo bằng kim loại ở dưới vị trí ghế ngồi vì xe đi 2 người, nếu một người các bạn có thể gắn dây hơi chếch về phía sau để xoay trở dễ dàng hơn.
Trong trường hợp bạn muốn xuống xe, nhà sản xuất cũng tính toán sẵn. Chúng ta chỉ việc bấm khóa để đứng dậy, khi này thì sợi dây sẽ nằm trên xe còn người thì có thể đi vệ sinh hay đi ăn gì đó. Khi nào làm xong bạn lại đẩy khóa vào thôi, rất đơn giản.
Đề phòng các em nhỏ hay người lạ phá hoại không biết, bên trong áo có một lẫy màu đỏ chặn viên bi sắt lại không cho búng ra khi có tác động, nếu không xài thì các bạn cần gạt lẫy này xuống.
Thử nghiệm thực tế:
Do không có ai đủ can đảm cho mình mượn xe máy để thử, mà mình cũng không ngu dại đem thân mình ra thử áo , nên mình gắn dây vào cổng nhà hàng xóm để giựt Khi giựt mạnh ra, cửa nhà hàng xóm không bung nhưng túi khí nổ ra rất nhanh, chỉ trong tích tắc. Hầu hết các vị trí trọng yếu đều được bảo vệ: 2 bên trước ngực, phần cổ, phần vai, phần lưng, hay thậm chí là phần mông chúng ta cũng có một miếng bong bóng hình trái tim bảo vệ nữa.
Ở lần thử đầu tiên thì mình hơi sốc với lực nổ của áo, nó nổ khá bất ngờ và thít chặt lại làm mình hơi đau. Đến lần nổ thứ 2 thì không còn bất ngờ nữa. Có thể nhiều bạn không biết sẽ chưa đánh giá cao việc thít chặt lại nhưng mình thì rất ủng hộ điều đó. Thít chặt đồng nghĩa với áo sẽ bảo vệ chúng ta tốt hơn, khó bị rơi ra hơn. Ở Việt Nam cũng có khá nhiều anh đi motor phân khối lớn qua đời vì mua nón bảo hiểm quá rộng hay áo quá rộng, các phần giáp không bảo vệ được điểm trọng yếu hay thậm chí là rơi ra khi xảy ra va chạm (nón bảo hiểm).
Sau khi nổ thì áo sẽ dần dần xì hết khí ra (khoảng hơn nửa tiếng), nếu áo không bị rách mà chỉ trầy nhẹ thì các bạn hoàn toàn có thể tái sử dụng nó nhiều lần. Khi này chúng ta chỉ việc mua bình CO2 mới và gắn vào thôi. Kèm theo áo có một bộ công cụ để gắn lại dây khi đã nổ, việc gắn cũng chỉ mất khoảng 1 phút thôi, rất dễ dàng.
Kết luận:
Nhìn chung thì việc trang bị áo và các thiết bị bảo hộ khi đi xe máy, đặc biệt là xe phân khối lớn ở Việt Nam vẫn chưa được chú ý nhiều, đặc biệt là với các bạn trẻ (Z1000 đội nón xe đạp???). Với hệ thống áo túi khí này thì mình nghĩ là nó sẽ giúp chúng ta an toàn hơn rất nhiều, đặc biệt là Hit-air có rất nhiều mẫu khác nhau cho từng mục đích khác nhau.
Về giá, chừng nào mà bạn còn cảm thấy nó giúp bảo vệ tính mạng chúng ta thì nó còn xứng đáng. Trên thực tế thì 4-500$ ở nước ngoài hay 10-12 triệu ở Việt Nam đều chỉ mới dừng ở mức khá, chưa phải là những dòng sản phẩm quá cao cấp. Nếu mình có tiền thì sẽ mua một áo gile dùng với áo đang có sẵn.
Cảm ơn Saigon Classic và Aotuikhi.com đã cho mình mượn sản phẩm