>> Mở cửa xe cho đúng và an toàn
>> Tại sao kính sau xe sedan không có cần gạt nước?
Các xe ô tô được trang bị số tự động đều có thiết kế chân phanh và chân ga như sau: Chân phanh với tiết diện bàn đạp (pedal) lớn nhất, nằm ở vị trí thuận lợi với chân phải của người lái, chân ga với tiết diện bàn đạp nhỏ hơn, nằm lệch một chút tiếp sang bên phải. Xe số sàn sẽ có thêm bàn đạp chân côn nằm lệch hẳn sang trái người lái.
Xe hơi dân dụng hiện nay thiết kế bàn đạp phanh và ga cùng sử dụng chân phải
Tất cả các xe ô tô trên thế giới (trừ xe đua) đều bố trí như thế, dù đó là xe tay lái thuận hay tay lái nghịch. Với các xe số sàn, không có gì phải thắc mắc về cách phân việc cho 2 chân. Nhưng với xe số tự động, từ lâu đã có câu hỏi là tại sao lại không phải mỗi chân một việc mà lại dồn hết trách nhiệm cho chân phải?
Trở lại với thắc mắc trong group chính thức của Cộng đồng Otofun, do ít người có thói quen đặt vấn đề với những chuyện tưởng như hiển nhiên nên đa số ý kiến ban đầu cho rằng đây là câu này ngớ ngẩn. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như thế và cá nhân tôi thấy đây là câu hỏi rất hay mà người phương Tây thường gọi là “think out of the box” – suy nghĩ sáng tạo vượt ra khỏi định kiến xã hội.
Tìm tòi trên mạng thấy có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này và có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau.
Luồng thứ nhất cho rằng sử dụng một chân cho cả ga và phanh là an toàn vì không ai phanh và ga cùng một lúc, khi muốn phanh phải bỏ chân ga ra sẽ giúp xe dừng nhanh hơn. Một số còn bổ sung rằng não chỉ điều khiển một chân dễ hơn điều khiển 2 chân hoặc nhờ có chân trái làm mà lúc cần phanh chết trong tình huống khẩn cấp người lái sẽ thao tác nhanh hơn và có lực hơn.
Luồng thứ hai phản đối, cho rằng cách bố trí như trên không liên quan gì đến việc an toàn mà nó do lịch sử để lại. Trước đây các xe số sàn (manual) sử dụng chân trái để đạp côn và chân phải dùng để điều khiển ga và phanh. Sau này khi hộp số tự động mới xuất hiện trên thị trường, các hãng xe thấy rằng việc bỏ chân côn và giữ nguyên chân phanh, chân ga tiện hơn khi sản xuất.
Trên thực tế, đến nay các trường dạy lái và người dùng vẫn quen với cách học và lái xe kiểu cũ. Mặc dù chưa có nơi nào cấm việc lái xe số tự động bằng hai chân, nhưng tất cả các trung tâm dạy học đều khuyến cáo học viên không làm việc này. Nhiều người khẳng định cách lái xe kiểu cũ khiến bất kỳ ai cũng dễ dàng thích nghi khi chuyển từ xe số tự động sang số sàn.
Theo thứ tự từ trái sang phải, xe số sàn có thiết kế bàn đạp côn, phanh và ga.
Tuy nhiên, những người phản đối lại nhìn nhận theo cách khác. Theo thống kê, đến 2015, đã có hơn 95% xe bán trên thị trường Mỹ là xe số tự động, hầu như rất ít người Mỹ biết đến hay phải quan tâm kỹ năng đạp côn xe.
Thêm vào đó, có nhiều nghiên cứu về vấn đề này chỉ ra rằng cách này khá mất an toàn do 2 yếu tố sau. Thứ nhất, người lái xe mất khá nhiều thời gian để di chuyển chân từ ga sang phanh, trung bình một người có phản xạ bình thường sẽ mất khoảng gần 1 giây từ lúc bắt đầu phát hiện ra nguy hiểm cần phanh. Tiếp theo đó người lái cần trung bình khoảng 1,2 giây để chuyển chân từ ga sang phanh. Tổng thời gian để bắt đầu phanh là 2,2 giây, nếu chân trái được tập luyện từ đầu để phanh thì số thời gian này sẽ giảm được hơn 50% do chân trái đã thường trực trên chân phanh. Đây là lý do mà các xe ô tô đua hiện đại đã thiết kế để phanh bằng chân trái và ga bằng chân phải.
Thứ hai, một số người mới lái trong một số tình huống khẩn cấp thường hay nhầm giữa chân phanh và chân ga. Thường là do không nhớ vị trí hoặc cuống quá nên nhầm. Nếu được tập phanh chân trái từ lúc chưa biết lái, trường hợp này sẽ không xảy ra, tình huống xấu nhất đó là cả phanh lẫn ga cùng một lúc thì xe vẫn có xu hướng dừng lại hoặc ít nhất thiệt hại cũng rất hạn chế do xe không thể tăng tốc nhanh được.
Vậy tại sao phanh chân trái với nhiều ưu việt, an toàn hơn lại không được áp dụng trên các xe đời mới? Không có bất kỳ câu trả lời chính thức nào cho vấn đề này. Nhưng có thể giải thích như sau. Đây là tiêu chuẩn của xe ô tô dân dụng trên toàn thế giới và là thói quen toàn cầu kể cả tay lái nghịch hay thuận vị trí của chân ga, chân phanh vẫn đúng chỗ ấy. Việc thay đổi chuyển sang chân trái để phanh có thể tạo ra sự xáo trộn quá lớn không cần thiết đến toàn bộ các bộ luật, tiêu chuẩn về lái xe, sản xuất xe và cả người lái xe phải học lại thói quen và phản xạ dẫn đến hậu quả có thể mất an toàn và tốn kém về kinh tế.
Trên xe đua F1, bàn đạp phanh thiết kế cho chân trái sử dụng
Tất nhiên, với các bố trí các bàn đạp như hiện nay, người lái muốn điều khiển xe bằng hai chân sẽ có tư thế không được thuận lợi nhất. Nhưng các xe đua hiện đại như F1, Touring, Rally v.v., do không ràng buộc về luật cũng như các tiêu chuẩn nên gần như toàn bộ các xe này đã thiết kế các bàn đạp cân đối với phanh dành cho chân trái (left foot braking) và lẫy chuyển số được đưa lên vô-lăng. Cải tiến này làm cho các thao tác của tay đua nhanh hơn, chính xác hơn và từ đó nâng cao thành tích về thời gian.
Việc có áp dụng thay đổi này trong tương lai với xe dân dụng hay không thì phải chờ thời gian trả lời, tuy nhiên khả năng cao là sẽ khó thay đổi do thói quen đã hằn sâu trong xã hội.