Dù chăm sóc xe thường xuyên, nhất là bộ phân chân phanh, nhưng nếu chẳng may gặp tình huống hỏng phanh trên đường thì những mẹo dưới đây sẽ giúp người lái xử lý an toàn dù ở bất kỳ đoạn đường nào.
Giữ bình tĩnh
Khi phát hiện đạp phanh nhưng không hoạt động, điều đầu tiên mà người lái cần làm là phải giữ trạng thái tâm lý bình tĩnh và quan sát nhanh hướng đi để đưa ra hướng xử lý tiếp theo, không nên hoảng sợ vì có khi lại làm cho tình hình xấu và nghiêm trọng hơn.
Nhanh chóng nhả chân ga
Việc cần làm tiếp theo là người lái cần sớm nhả chân ga nhằm giảm tốc độ, đồng thời thử đạp chân phanh nhiều lần vì biết đâu có thể phục hồi tạm thời áp suất thủy lực trong đường ống bị rò rỉ giúp rà phanh kịp thời, ngay cả khi xe được trang bị ABS.
Trường hợp nếu phanh mềm và đạp sát tận sàn, có thể mất dầu do hỏng đường ống; nhưng nếu chân phanh cứng nghĩa là hệ thống phanh đang bị tắc đường dẫn thủy lực hoặc phanh bị bó cứng.
Ngoài ra, một số mẫu xe còn có hệ thống ga tự động (Cruise Control) thì cần nhanh chóng tắt nút điều khiển trên vô lăng nếu đang hoạt động.
Lùi về số thấp
Khi đã giảm thiểu một phần tốc độ qua chân ga thì bước tiếp theo cần làm là kéo phanh tay, cố gắng gạt cần số trở về vị trí số 1 để xe giảm tốc xuống mức chậm nhất. Lưu ý là không nên gạt về số mo (N) quá lâu, bởi vì tốc độ của máy và tốc độ vòng quay của bánh xe không còn đồng tốc khi muốn vào số lại.
Việc chuyển về số thấp giúp xe đi chậm lại nhờ lực hãm bánh răng của động cơ, do đó cần thao tác vừa đủ, không nên đột ngột về ngay số thấp ngay mà phải xuống dần đều nếu đang ở số cao, tuỳ thuộc vào tốc độ vận hành. Trường hợp lùi về số thấp quá nhanh có thể phá hủy hệ truyền động và lực quán tính, dễ dẫn đến mất khả năng kiểm soát.
Sử dụng phanh tay
Thông thường, phanh tay dùng để dừng xe nhưng lại chỉ tác dụng cho bánh sau. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp thì người lái cần sáng suốt hơn kết hợp giữ núm bấm chốt nhả phanh tay để hạ xuống khi cảm thấy xe có hiện tượng mất kiểm soát.
Song song đó, người lái vẫn giữ quan sát phía trước để tránh chướng ngại vật hoặc các phương tiện khác và có thêm thời gian an toàn xử lý tình huống tiếp theo.
Bật tín hiệu cảnh báo
Đèn xi nhan, đèn cảnh báo, còi xe và thậm chí nhấp nháy đèn pha cũng là những cách để ra hiệu rằng xe đang gặp sự cố để các phương tiện khác tránh kịp thời. Trong trường hợp có người ngồi ghế phụ hoặc phía sau thì nên ra dấu hiệu bằng miệng, vẫy khăn… giúp mọi người xung quanh chú ý an toàn.
Quan sát và tìm cách dừng xe
Điều cần làm cuối cùng khi xe hỏng phanh chính là dừng hẳn chiếc xe lại. Dĩ nhiên việc này còn tuỳ thuộc vào địa hình để chọn vật cản phù hợp.
Ở những đoạn đường dốc nguy hiểm thì đưa xe hướng vào lề đường không có người, dải phân cách, chắn kim loại an toàn, được xem là cách giúp dừng chiếc xe hỏng phanh lại kịp thời.
Với trường hợp ở đoạn đường dân cư thì con lươn, vỉa hè cao có khoảng cách an toàn và không có người qua lại sẽ là một giải pháp hữu hiệu khác.
Bên cạnh đó, ở một số địa hình đặc biệt như ven đường quốc lộ, đoạn đường cao tốc… thì miễn là không có phương tiện di chuyển và người qua lại, mặt đường có rải sỏi cát hay bụi cây cũng là cách tốt nhất để dừng chiếc xe.
Đâm vào đuôi xe phía trước là một biện pháp bất khả kháng, nhưng nếu đã hết cách thì người lái mới buộc phải nghĩ tới. Tốt nhất là chọn một chiếc xe có tốc độ tương đương và cố gắng đâm thẳng vào đuôi xe, đương nhiên tổn thất sau đó là không hề nhỏ.