Những mẩu chuyện xoay quanh các nhà máy sản xuất ô tô thường không được ưu tiên lên trang nhất mặt báo nhưng với chính phủ nhiều nước, quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của chúng lên nền kinh tế khu vực buộc họ phải đặt nặng vấn đề này lên danh sách ưu tiên.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe tại châu Âu là ACEA, khu vực này có tổng cộng… 298 nhà máy lớn nhỏ lắp ráp linh kiện và cả xe hoàn chỉnh. Đức là khu vực có nhiều nhà máy nhất với 42 nhà máy lớn nhỏ, Pháp có 31, Italia có 23, Nga có 31, Anh 30 và Thổ Nhĩ Kỳ 17.
Với tổng cộng 3,5 triệu việc làm, các nhà máy xe chiếm tới 11% tổng số việc làm trong mảng sản xuất trong khu vực. Tính thêm nhân sự trong mảng bán lẻ và vận hành, con số trên tăng “nhẹ” lên 13,8 triệu việc làm, tương đương 6,1% tổng số việc làm trong cả khu vực.
Nhờ quy mô lớn, nền công nghiệp ô tô luôn nhận được ưu ái từ phía chính phủ. Bù lại, họ cũng luôn phải vận hành nhà máy ở ngưỡng tối đa có thể để đạt tỉ lệ lợi nhuận cần thiết. Nếu thị trường không có gì biến động, cách vận hành này không có vấn đề gì nhưng với “cơn bão” mang tên COVID-19 đang cần quét thị trường, đây lại là bài toán không thể có lời giải…
Với số lượng khách hàng ngày một giảm sút, các hãng xe nhanh chóng nhận ra một điều rằng cung đã vượt xa cầu, không ít trong số họ đã buộc phải… tự đăng ký xe mới rồi bán ra sau đó để hạ giá bán qua đó tìm kiếm người mua dễ hơn.
Vô cùng nhiều phương án đã được các hãng xe tính tới và đưa ra nhưng gần như không có thương hiệu nào “dám” đóng cửa nhà máy trực tiếp trong giai đoạn này với lý do là COVID-19. Nguyên nhân cho sự việc này không gì khác là chính phủ các nước – ưu ái họ dành cho các hãng xe cũng đồng thời là rào cản ràng buộc giữa 2 phía mà trong đó, các hãng xe không phải là người nắm phần chuôi.
Tại một số quốc gia, sự can thiệp của công đoàn giàu quyền lực cũng khiến bất cứ ý định đóng cửa nhà máy là bất khả thi dù logic kinh tế có hợp lý đến đâu. Ngay ở thời điểm hiện tại, rất nhiều nhà máy xe tại châu Âu đang vận hành cầm chừng ở mức cao nhất (theo quy định) có thể để duy trì sản lượng.
Tuy nhiên, nếu một ngày hỗ trợ từ chính phủ dừng lại (vì chính họ cũng là những người chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế) và người tiêu dùng ngừng mua xe mới, liệu “bong bóng” có vỡ hay không? Nếu COVID-19 tiếp tục hoành hành, viễn cảnh này rất có thể xảy ra và không chỉ 1, 2 nhà máy hay hãng xe chịu ảnh hưởng mà rất có thể là cả chuỗi domino tại từng quốc gia…
Tham khảo: Autocar