Dòng xe Porsche 911 ra đời vào năm 1963 và đã trải qua 8 thế hệ sản phẩm. Mang trong mình những kinh nghiệm quý giá và tuổi đời lâu nhất thế giới, dòng Porsche 911 được ví von như biểu tượng của sự bất diệt trong ngành công nghiệp ô tô của nước Đức. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1 triệu chiếc Porsche 911 được sản xuất và điều đó cùng với trải nghiệm đặc trưng là những yếu tố khiến Porsche 911 được mệnh danh là dòng xe thể thao thành công nhất trong lịch sử xe hơi.
Ý nghĩa logo Porsche
Dù 911 không phải là dòng xe đầu tiên của Porsche nhưng có lẽ sự ra đời và thống trị của dòng xe này đã khiến nhiều người mê xe biết đến hãng xe Đức hơn tất cả những dòng sản phẩm khác. Nói một cách khác, 911 là linh hồn, là biểu tượng của logo Ngựa đen. Dù vậy, không phải ai cũng biết ý nghĩa của biểu tượng ngựa đen. Nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Có một điều khá thú vị là vẫn có sự tranh luận xoay quanh nguồn gốc của logo Porsche. “Đội Mỹ” cho rằng trong một lần công tác tại Mỹ, khi đang ăn tối với nhà phân phối Porsche tại đây, Max Hoffman, ông Ferry Porsche đã nảy ra ý tưởng về một logo mới và vẽ ngay nó lên tấm khăn ăn tại bàn. “Đội Đức” lại cho rằng chiếc logo hình khiên đã ra đời theo một cách ít mộng mơ và thần thoại hơn, và nó là sản phẩm của kỹ sư người Áo, ông Franz Xaver Reimpiess. Dù đâu mới là sự thực thì cũng không ai phủ nhận rằng logo chú ngựa tung vó trong một tấm khiên nhiều màu sắc đã trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp xe hơi.
Logo Porsche được lấy cảm hứng từ phù hiệu áo giáp của tiểu bang Württemberg, do đó nó có kiểu dáng của một chiếc khiên. Đại bản doanh của Porsche nằm ở thành phố Stuttgart, thủ phủ của bang Baden-Württemberg. Do đó, đây là lý do vì sao chúng ta có logo hình chiếc khiên tuyệt đẹp, được gắn ở đầu mọi chiếc Porsche.
Nhiều người thắc mắc rằng “cái con gì đang tung vó ở giữa logo vậy? Có phải là một con ngựa không?”. Chính xác! Đó chính là một con ngựa bởi vì Stuttgart nằm ở miền tây nam nước Đức, vốn từng là một vùng nổi tiếng với những trại ngựa khổng lồ. Bản thân chính đại bản doanh của Porsche cũng được xây trên mảnh đất vốn từng làm trại nuôi ngựa. Thành phố Stuttgart sử dụng hình con ngựa làm con dấu hành chính của họ và Porsche cũng dùng hình ảnh một chú ngựa tung vó làm biểu tượng của họ. Những tấm nhung hươu và vạch đen đỏ là để vinh danh dấu mộc hành chính của bang Württemberg. Logo của Porsche cũng mang âm hưởng của vùng Swabia, quê hương thứ hai của gia đình Porsche. Như vậy, chúng ta có một chiếc logo vừa có niềm tự hào quê hương, vừa cực kỳ thẩm mỹ!
Thiết kế thách thức thời gian
Mọi chiếc 911 đều được sản xuất tại Stuttgart, Đức. Đối với một số fan cuồng của Porsche thì đây là điều khiến dòng xe này thực sự “thuần chủng”, là biểu tượng, là linh hồn của thương hiệu Porsche. Các giá trị truyền thống cũng chảy rần rật trong từng thế hệ sản phẩm 911, đến nỗi mà nhiều fan trung lập phải thốt lên rằng các nhà thiết kế của Porsche là những người lười nhất thế giới, “ngồi mát ăn bát vàng”.
Porsche 911 2021 vẫn mang thiết kế với những đường cong mang tính chuẩn mực của xe thể thao, vốn không thay đổi quá nhiều kể từ khi chiếc 911 đầu tiên ra đời. Phần đầu xe vẫn thu hút ánh nhìn bởi 2 cụm đèn pha hình ovan và nắp capô gân guốc đậm chất thể thao. Đây là điểm nhận diện của mọi đời xe 911 từ trước đến nay, tất nhiên nếu bạn tạm “bỏ qua” thế hệ 996 với kiểu đèn “trứng rán” khét tiếng. Porsche 911 2021 cũng tạo ra sự khác biệt với công nghệ đèn pha LED Ma trận với khả năng chỉnh luồng sáng nhằm tránh gây chói mắt người đi đối diện. Đây là tùy chọn có giá bán 189 triệu đồng tại Việt Nam.
Những điểm nhấn khác ở phần đầu xe còn là tấm cản trước được bổ sung 2 dải đèn LED định vị ban ngày và các lưới tản nhiệt có tác dụng làm mát dầu máy. Các cửa gió này có thể đóng ở dải tốc độ 60-145 km/h để giảm độ cản không khí, giảm tiêu thụ nhiên liệu. Porsche 911 Carrera S là một chiếc xe thể thao nên mọi chi tiết dù là nhỏ nhất thì cũng phục vụ khả năng vận hành của xe, không hề có các chi tiết thừa mang tính thẩm mỹ.
Góc nhìn ngang thân xe thực sự làm nổi bật kiểu dáng hình giọt nước của Porsche 911 Carrera S. Từ thế hệ 992, mọi phiên bản của dòng xe 911 đều sử dụng thiết kế thân xe rộng dù trước đó, chỉ các phiên bản hiệu năng cao như 911 GTS hay 911 Turbo thì mới có thân xe rộng. Nguyên nhân là giờ đây, các phiên bản Carrera và Carrera S cũng đều có tùy chọn la-zăng 20 đến 21 inch, đi kèm với lốp Goodyear Eagle F1 hiệu năng cao. Đây là sự thay đổi khiến ngay cả những phiên bản 911 thấp nhất cũng có hiệu năng vượt trội so với thế hệ 991 trước đó.
Toàn bộ thân xe được làm bằng nhôm, trừ 2 tấm cản trước sau bằng polycarbonate để bảo vệ người đi bộ khi có va chạm. Thậm chí, 70% khung gầm cấu thành nên xe cũng làm bằng nhôm, trong khi thế hệ 911 trước đó chỉ có 36% nhôm tạo nên khung gầm. Nhờ đó, Porsche 911 2021 có độ cứng xoắn tốt hơn 5% so với thế hệ 991, qua đó cải thiện cả độ thoải mái khi đi đường dài cũng như hiệu năng trên đường đua.
Porsche 911 2021 còn sở hữu những chi tiết khí động học như tay nắm cửa được thiết kế phẳng với thân xe để giảm độ cản không khí, cánh gió sau có diện tích lớn hơn 45% so với đời 991, mang lại nhiều hơn 20% lực ép xuống mặt đường. Phần đuôi xe vẫn có thiết kế với điểm nhấn là dải đèn LED vắt ngang và logo Porsche được đặt nổi, mang lại dấu ấn thương hiệu đậm nét cho mẫu xe đầu bảng của Porsche.
Xe có chiều dài tổng thể 4.159 mm, chiều rộng 1.852 mm, chiều cao 1.300 và chiều dài cơ sở đạt mức 2451 mm. Nhìn chung thì Porsche 911 vẫn là một mẫu xe vô cùng đẹp đẽ và thể hiện rõ khí chất thể thao, sự khác biệt ở đời xe 922 chỉ là giờ đây, ngay cả những phiên bản tiêu chuẩn và bản S cũng đã có thiết kế lực lưỡng và ấn tượng. Trước đây, chỉ những bản GTS, Turbo và GT3 mới toát nên được điều đó.
Nội thất – Sang trọng và thể thao
Porsche 911 Carrera S đời 2021 sở hữu thiết kế tối giản, sử dụng nhiều màn hình nhưng vẫn giữ lại những nút bấm cứng cần thiết nhất. Xe sở hữu màn hình giải trí có kích cỡ 10,9 inch giống như Macan, có độ mượt mà và độ sáng tối ưu, đồng thời có thể tùy biến nội dung hiển thị trên màn hình. Porsche 911 2021 cũng sử dụng cần số điện tử cỡ nhỏ giúp giải phóng không gian ở bảng điều khiển trung tâm, mang đến ấn tượng thoáng đãng và hiện đại hơn. Nhờ đó, đây cũng là đời xe 911 đầu tiên có hộc để cốc ở bảng điều khiển trung tâm, mang đến sự tiện dụng cho hành khách trên xe.
Một số độc giả sẽ ồ lên rằng “quái, có mỗi cái hộc để cốc mà cũng khoe!”. Dù vậy, đây vẫn là một thay đổi rất đáng hoan nghênh của thế hệ 922 vì hộc để cốc trung tâm này là tiện dụng hơn nhiều so với loại tích hợp trên bảng táp lô. Chính việc sử dụng cần số điện tử tí hon như một chiếc máy cạo râu đã tạo ra không gian cho hộc để cốc! Chi tiết này cũng thể hiện rằng Porsche đã lắng nghe và “chiều” theo ý kiến số đông hơn. Trước đây, một người đại diện Porsche đã trả lời phỏng vấn rằng: “Nếu như bạn cần uống nước, hãy vào trạm nghỉ!”.
Khu vực dành cho người lái cũng có thiết kế tối giản đặc trưng của dòng xe 911. Người lái vẫn sẽ khởi động xe bằng cách vặn núm xoay ở bên trái vô lăng. Đây là thiết kế mang tính truyền thống của mọi chiếc xe Porsche, vốn được lấy cảm hứng từ xe đua. Trước đây, khá nhiều giải đua áp dụng hình thức “sprint start”: tất cả xe đua đậu ở 1 bên đường, các tay đua thì đứng ở bên đường bên kia. Khi hiệu lệnh bắt đầu cuộc đua vang lên, các tay đua sẽ chạy thật nhanh đến xe của mình và khởi động xe nhanh nhất có thể. Kiểu bắt đầu cuộc đua thú vị này khiến tay đua nào vào xe, khởi động và cho xe lăn bánh càng sớm thì càng có một khởi đầu tốt.
Chìa khóa Porsche nằm ở bên trái là để khi tay đua vừa bước vào xe thì: tay trái vặn chìa khóa, chân trái đạp côn, chân phải sẵn sàng đạp ga trong khi tay phải vào số một. Tứ chi đều được tận dụng để tay đua khởi đầu nhanh nhất có thể. Chìa khóa cắm bên trái vô lăng từ đó đã trở thành một trong những nét đặc biệt của mọi chiếc Porsche.
Xe được trang bị vô lăng 3 chấu bọc da nappa có đầy đủ các tính năng, nút bấm được bố trí khoa học trên vô lăng, bao gồm phím âm lượng, khẩu lệnh và tất nhiên, không thể thiếu 2 lẫy chuyển số bằng nhôm và núm chọn chế độ lái Drive Mode.
Phía sau vô lăng là đồng hồ tua máy dạng cơ và 2 màn hình kỹ thuật số kích cỡ 7 inch. Thiết kế này khiến người lái có thể theo dõi các thông số hoạt động của xe hoặc sử dụng bản đồ dẫn đường một cách tiện dụng mà vẫn có thể theo dõi chính xác vòng tua máy. Mọi thứ có thể là màn hình nhưng đồng hồ tua máy bắt buộc phải là dạng cơ trên một chiếc 911!
Một thứ khác cũng là dạng cơ, đó chính là các cửa gió điều hòa trung tâm. Nghe có vẻ hơi khôi hài nhưng Porsche cũng rất nhanh nhạy thay đổi khi nhận nhiều lời phàn nàn về cửa gió điều hòa chỉnh bằng màn hình cảm ứng trên Panamera. Trên 911 992, bạn một lần nữa “được” chỉnh cửa gió bằng tay, bằng các nan vật lý!
Là một chiếc xe có giá bán không hề rẻ nên Porsche 911 Carrera S cũng sở hữu những trang bị, tiện nghi cao cấp. Đó là hệ thống ghế ngồi thể thao điều chỉnh 14 hướng có nhớ ghế, điều hòa tự động 2 vùng có tính năng ion hóa, hệ thống loa Bose và nhiều tiện nghi khác.
Gói tùy chọn nội thất da cao cấp màu nâu và tùy chọn ốp gỗ hồ đào cũng là những trang bị đắt giá, thể hiện tính cá nhân hóa rất cao của dòng xe 911. Với thế hệ 992 này, dòng xe Porsche 911 không chỉ có hiệu năng thể thao mà những chi tiết mang tính chất sang trọng cũng không hề kém cạnh so với các mẫu xe sang đích thực. Tất nhiên, để cá nhân hóa chiếc 911 trong mơ thì bạn cũng cần một túi tiền đủ nặng. Chiếc 911 Carrera S demo này có giá cơ bản là 6,9 tỷ đồng nhưng sau khi thêm những trang bị tùy chọn (phần nhiều là trang bị mang tính chất thẩm mỹ), giá bán của nó lên tới 9,59 tỷ đồng.
Trải nghiệm lái
Với những fan cuồng Porsche, cuồng đến mức độ tiêu cực, thì hãng xe họ yêu quý đã không ít lần “phản bội” họ. Đó là khi 911 đời 996 ra đời, đánh dấu sự kết thúc của động cơ Boxer làm mát bằng khí, hay khi 991.1 trình làng với vô lăng trợ lực điện và khi 991.2 ra đời với sức mạnh tăng áp bao phủ lên cả phiên bản tiêu chuẩn. Họ cuống cuồng đổ xô đi mua 993 hay 964, làm các đời 911 này đội giá phi mã, trong khi “tội đồ” 996 tụt giá thê thảm. Có thể nói, một bộ phận fan Porsche cũng bảo thủ như chính triết lý thiết kế của dòng 911 vậy.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở hơn, ta sẽ thấy Porsche không sai khi đưa ra những lựa chọn của mình với dòng 911. Porsche phải bơi cùng dòng chảy thời gian, phải tự làm mới mình để không tụt lại phía sau, không để đối thủ vượt mặt. Việc thay đổi từ động cơ làm mát bằng khí sang làm mát bằng nước khiến khối Boxer 6 xy-lanh huyền thoại tốt hơn ở mọi tiêu chí có thể đo đạc được, từ hiệu suất đến tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng hệ thống trợ lực vô lăng điện giúp giảm chi phí sản xuất, tăng độ bền và giảm tiêu thụ nhiên liệu; sử dụng động cơ tăng áp giúp ngay cả phiên bản tiêu chuẩn cũng đạt hiệu suất tiệm cận với siêu xe hơn, trong khi khiến việc sử dụng xe hàng ngày dễ dàng hơn, khiến dòng xe 911 tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Quay trở lại với câu hỏi quan trọng nhất: liệu động cơ tăng áp có khiến 911 Carrera S “mất chất”?
Nếu nói về vấn đề sử dụng tăng áp trong xe thương mại, Porsche chắc hẳn là một trong những tay chơi lão luyện nhất. Năm 1975, Porsche trình làng 911 Turbo, chiếc 911 sở hữu động cơ tăng áp đầu tiên của mình, và đó là chiếc xe thương mại nhanh nhất được bán ra tại Đức tại thời điểm đó. Một số hãng xe khác đã thử áp dụng hệ thống tăng áp vào xe thương mại từ nhiều năm trước nhưng tất cả đều phải từ bỏ ý tưởng này vì vấn đề tản nhiệt. Porsche 911 Turbo là mẫu xe đầu tiên có tăng áp nhưng vẫn đảm bảo sự bền bỉ và hiệu năng ưu việt. Năm 1995, dòng 911 Turbo đời 993 lần đầu tiên được trang bị hệ thống tăng áp kép và năm 2006, Porsche là hãng xe đầu tiên áp dụng thành công turbo tăng áp điều khiển cánh (VGT – Variable geometry turbocharger) trên động cơ xăng thương mại.
Công nghệ turbo tăng áp VGT được sử dụng rộng rãi trong động cơ turbo sử dụng nhiên liệu diesel kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, công nghệ này chưa bao giờ được ứng dụng trên động cơ xăng cho tới khi loại Type 997 Porsche 911 Turbo ra đời. Nguyên nhân bởi nhiệt độ khí xả do xe sử dụng VGT trên máy xăng tạo ra lớn hơn rất nhiều so với xe dùng máy dầu (máy xăng có nhiệt độ khí xả xấp xỉ 1.000 độ C, trong khi máy dầu là khoảng 700 đến 800 độ C), do vậy vật liệu sử dụng để chế tạo VTG không chịu nổi sức nóng đó. Porsche 911 997 Turbo sử dụng kiểu turbo VGT của BorgWarner dùng một loại vật liệu đặc biệt bắt nguồn từ công nghệ chế tạo tàu vũ trụ, do đó giải quyết được vấn đề nhiệt độ. Từ đó công thức chế tạo loại turbo có hình dạng biến đổi này được nhiều hãng tiếp thu và ứng dụng trong các sản phẩm của mình.
Chiếc 911 Carrera S mà tôi trải nghiệm được trang bị động cơ phẳng 6 xy-lanh, dung tích 3.0L, tăng áp kép tên mã 9A2 Evo. Động cơ này vẫn sử dụng chung thân máy, nắp quy lát, hệ thống dầu bôi trơn và hệ thống van với động cơ 9A2 trên đời 991.2 (động cơ 9A2). Sau đây là những sự khác biệt của động cơ trên 992: Ngàm động cơ (chân máy) được gắn trực tiếp vào nắp quy lát thay vì gắn vào lốc máy giống như trên đời 991 hay đa số động cơ khác. Kiểu gắn này giúp giảm rung động khi đạp thốc ga, giúp xe tăng tốc ổn định hơn khi ra cua. Bên cạnh đó, bộ làm mát khí nạp (intercooler) được đặt ngay dưới cổ góp khí nạp để giảm hiện tượng turbo lag.
Tỷ số nén được nâng từ 10:1 lên 10,2:1, cộng với các kim phun xăng áp điện (piezo) nhạy bén hơn, hệ thống cam biến thiên Variocam Plus được tinh chỉnh để giảm khí thải trong khi hệ thống tăng áp lớn hơn giúp tăng công suất so với đời máy cũ. Công suất của bản Carrera S là 450 mã lực và 530 Nm. Với gói Sport Chrono thì Carrera S chỉ cần 3,3 giây để đạt mốc 100 km/h, tốc độ tối đa 307 km/h.
Chiếc xe tôi trải nghiệm có trang bị gói Sport Chrono, mang đến tính năng Launch Control giúp xe tăng tốc từ 0 km/h tốt nhất. Gói Sport Chrono mang lại 3 lợi ích: Launch Control, hộp số PDK được căn chỉnh để sang số nhanh nhất có thể và nút Sport Response – ấn nút này, xe sẽ sẵn sàng phát huy toàn bộ công lực trong 20 giây, bất kể bạn đang ở chế độ lái nào (Normal, Sport, Sport Plus, Individual hay Wet).
Bật chế độ Sport Plus, đạp mạnh chân ga và chân phanh. Khối động cơ vọt lên hơn 6.000 vòng/phút, sẵn sàng phô diễn trọn vẹn 450 sức ngựa. Nhả phanh! Chiếc 911 Carrera lao vút đi với gia tốc đáng ngạc nhiên đối với một chiếc xe dưới 500 mã lực. Bên cạnh gia tốc, một thứ đặc sản không thể thiếu đối với mọi mẫu xe thể thao là âm thanh từ động cơ và ống xả. Một chiếc xe dù nhanh như thế nào nhưng không có một “giọng ca” đủ cao, đủ lớn và đủ cung bậc thì cũng không thực sự mang lại cảm giác “sướng” khi tăng tốc.
Thật may, 2 cuộn tăng áp không làm mất đi tiếng gào tê tái đặc trưng của động cơ Boxer, nhất là tiếng thét “u u u” khiến bạn rợn tóc gáy ở dải tua 6.500 đến 7.500 vòng/phút. Khối động cơ tăng áp này thể hiện sức mạnh một cách rất lũy tiến, không giật cục, không có cảm giác “luồng sức mạnh thứ hai” hay gặp trên các động cơ sở hữu hệ thống tăng áp cung cấp khí nén có áp suất rất cao. Đặc tính đó kết hợp với âm thanh giòn tan của máy Boxer khiến bạn gần như quên rằng mình đang điều khiển một khối động cơ tăng áp. Lực mô-men xoắn dồi dào đến ngay từ 2.300 vòng/phút khiến việc lái xe hằng ngày trở nên dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều so với các dòng 911 máy nạp khí tự nhiên trước đây. Với chế độ Comfort, thậm chí động cơ chỉ hoạt động ở vòng tua hơn 900 vòng/phút một chút ở tốc độ 50 km/h, ở 100 km/h chi 1.700 vòng/phút, một mức rất ấn tượng đối với một mẫu xe thể thao.
Một “mẹo” khác khiến Porsche Carrera S cho trải nghiệm tốc độ ấn tượng như vậy, chính là tính năng “anti-lag” được lấy cảm hứng từ xe rally. Khi bạn nhả chân ga (ví dụ như trước khi vào cua), ECU vẫn điều khiển bướm ga mở hé, để một lượng không khí nhất định vẫn lọt vào xy lanh và duy trì trang thái hoạt động của 2 cuộn tăng áp. Điều này giúp tăng áp vẫn hoạt động ở một mức độ nào đó khi người lái nhả chân ga và khi họ lại đạp ga, hệ thống tăng áp đã sẵn sàng cung cấp thêm công suất cho động cơ.
Nhắc đến cá tính của động cơ Boxer mà không nhắc đến vị trí nó nằm trên chiếc 911 là không đủ, chắc chắn là không đủ. Động cơ đặt sau trục bánh xe sau là yếu tố khiến cầm lái một chiếc 911 lại trở nên thú vị như thế. Porsche 911 thế hệ 992 có tỷ lệ phân bổ trọng lượng cực kỳ chênh lệch, lên tới 39/61 trước/sau vì cấu trúc động cơ đặt sau (động cơ luôn là thành phần nặng nhất trên một chiếc xe). Vậy kết cấu động cơ đặt sau mang lại những ưu điểm gì?
Đầu tiên, đó là khả năng phanh tốt hơn. Porsche 911 luôn là một trong những chiếc xe có quãng đường phanh ngắn nhất. Liệu có phải do Porsche có công nghệ sản xuất phanh tốt nhất? Chưa chắc, vì hầu hết các hãng sản xuất xe đều phần nào sử dụng chung công nghệ phanh từ những nhà sản xuất thứ ba, đơn cử như Brembo.
Khả năng phanh xuất chúng của những chiếc 911 phần nhiều đến từ việc hai bánh sau mang nhiều trọng lượng hơn. Khi bạn đạp phanh, chiếc xe (và cả bạn) sẽ chúi về phía trước, khi đó trọng lượng xe sẽ dồn về hai bánh trước nhiều hơn. Porsche 911 với gần 2/3 trọng lượng đặt trên hai bánh sau sẽ khiến bánh sau “chia sẻ” bớt sức nặng dồn lên bánh trước, giúp bánh trước không bị quá tải và giảm độ bám, hiện tượng không hiếm gặp đối với những chiếc xe có động cơ đặt trước. Tất nhiên, điều ấy đồng nghĩa với việc hệ thống phanh sau phải làm việc vất vả hơn. Do đó, Porsche 911 được thiết lập để hệ thống phanh sau chiếm tới 40% lực phanh tổng thể, trong khi con số này với xe có động cơ đặt trước thường chỉ là 20 đến 30% mà thôi.
Lợi thế tiếp theo là khả năng tăng tốc tốt hơn. Đương nhiên rồi, hay bánh sau chịu nhiều trọng lượng hơn, đương nhiên chúng sẽ có độ bám đường tốt hơn, đồng nghĩa với việc lực kéo động cơ có thể được truyền xuống mặt đường hiệu quả hơn. Tiếp theo, đó là khả năng vào cua tốt hơn. Hai bánh trước chịu ít trọng lượng xe hơn có nghĩa là chúng sẽ chuyển hướng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Xe với tỷ lệ trọng lượng thiên về đuôi xe sẽ có thiên hướng thừa lái (oversteer), tức là phần đuôi xe luôn có xu hướng văng ra phía bên ngoài khúc cua. Và cũng chính việc phần lớn trọng lượng xe đặt trên bánh sau giúp xe có thể tăng tốc sớm hơn, nhanh hơn khi ra cua. Cá tính thừa lái này giúp những tay lái cứng cựa có thể vận dụng kỹ năng đánh lái ngược để tạo ra những cú drift ngoạn mục, hay bám chặt racing line để vào cua, ra cua với tốc độ cao.
Tuy nhiên, đôi khi đặt quá nhiều trọng lượng vào bánh sau và không cung cấp cho chiếc xe những bộ lốp và hệ thống treo xứng đáng sẽ khiến cầm lái chiếc xe đó trở nên khá … đáng sợ. Trong suốt một thời gian dài, Porsche bị chỉ trích vì những chiếc 911 đầu tiên cho người lái cảm giác như đang vật tay với thần chết. Sự kết hợp giữa 4 chiếc lốp mỏng teo có kích thước đồng đều, hệ thống treo không quá hiệu quả và trọng lượng xe dồn phần nhiều về bánh sau khiến Porsche 911 thế hệ đầu rất khó lái và không phải ai cũng có thể khai phá hết tiềm năng của xe.
Cảm giác lái ấn tượng của Porsche 911 thời hiện đại không thể ngẫu nhiên mà có. Porsche đã âm thầm cải tiến dòng xe này bằng cách dần dịch chuyển động cơ lên vị trí giữa xe qua từng thế hệ, liên tục thử nghiệm và trau truốt hệ thống treo, khung gầm, thiết kế lại thân xe, bổ sung các chi tiết khí động học chủ và bị động và thậm chí là tinh chỉnh để chiếc 911 giờ đây đã thêm phần thiếu lái (understeer), bớt đi hiện tượng thừa lái (oversteer) để đại bộ phận người sở hữu 911 – vốn không phải các tay đua chuyên nghiệp – có thể tiếp cận và khai phá tiềm năng của 911 dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, dễ dàng hơn không có nghĩa là nhàm chán hơn. Porsche 911 vẫn là một cỗ máy cực kỳ tuân lệnh người lái – bạn hướng về đâu, chiếc xe sẽ ngay lập tức hướng về phía đó, động cơ cung cấp sức kéo đáng nể ở mọi tốc độ vòng tua, hộp số PDK dường như đọc được bạn đang nghĩ gì và chuyển số một cách hoàn hảo và bộ lốp Goodyear Eagle F1 mới cung cấp độ bám đường tuyệt hảo. Hộp số ly hợp kép PDK 8 cấp chia sẻ chung với Panamera. So với hộp số PDK 7 cấp đời cũ, PDK 8 cấp có số 1 ngắn hơn, giúp xe tăng tốc tốt hơn. Hai cấp số 7 và 8 là số vượt cấp (overdrive – tức là khi lên đến số này thì bánh xe quay nhanh hơn động cơ), giúp xe chạy cao tốc tiết kiệm và đỡ ồn hơn.
Hệ thống kiểm soát lực giảm chấn chủ động PASM cũng là một mảnh ghép không thể thiếu để hoàn thiện chiếc 911. Porsche 911 vẫn sử dụng lò xo thép + giảm chấn dầu Bilstein TDX. Độ cứng của lò xo trước tăng 18% so với đời 991, lò so sau tăng 28%. Với hệ thống PASM thì người lái có thể chọn 2 chế độ giảm chấn: Normal và Sport để tăng hoặc giảm độ giảm chấn của hệ thống treo. PASM là trang bị tiêu chuẩn với bản Carrera S, phải trả thêm tiền với bản Carrera.
Một sự cải tiến đáng khen khác là chế độ Wet Mode, vốn dành cho những tay lái mới hoặc khi thời tiết rất xấu. Porsche 911 có 2 cảm biến âm thanh ở hốc bánh xe trước. Chúng sẽ “nghe” tiếng nước bắn lên chắn bùn và khi có đủ nước bắn lên (mặt đường đủ ướt), máy tính sẽ tự động gợi ý người lái chuyển sang Wet Mode. Lúc này, độ nhạy chân ga, ABS, hộp số và hệ thống cân bằng điện tử PSM, tất cả sẽ được chuyển sang chế độ duy trì độ bám đường tối đa để tăng độ an toàn khi lái xe trời mưa.
Kết luận
Thực sự, hiếm chiếc xe nào có thể kết nối với người lái một cách thuyết phục như vậy. Chiếc xe gần như trở thành một phần cơ thể bạn. Càng lái, tôi lại càng hiểu vì sao Porsche 911 lại là một chiếc xe thể thao có tầm ảnh hưởng lớn như vậy. Qua thế hệ với vô số cải tiến, Porsche 911 dường như đã tiệm cận hai từ “hoàn hảo”. Kể cả khi dòng xe 911 đã đạt đến đỉnh cao như vậy, những cá nhân thực sự yêu quý dòng xe này (như tôi!) vẫn không khỏi băn khoăn liệu cái tên 911 sẽ có những bước chuyển mình nào nữa trong tương lai.
Băn khoăn chứ! Nhất là khi phiên bản đua 911 RSR hiện đang mang trong mình động-cơ-đặt-giữa và một phiên bản 911 hybrid cũng sẽ sớm trình làng. Có lẽ sự băn khoăn, lo lắng đó cũng phần nào giống với cảm xúc của rất nhiều fan Porsche khi dòng xe 911 dần chuyển mình từ động cơ làm mát bằng khí sang làm mát dung dịch, từ vô lăng trợ lực dầu sang trợ lực điện và từ nạp khí tự nhiên sang tăng áp. Tôi không biết tương lai 911 như thế nào, nhưng tôi tin rằng cứ mỗi thế hệ 911 mới ra đời, các kỹ sư Porsche sẽ lại “tái định nghĩa xe thể thao”, như cách họ vẫn làm trong suốt 58 năm qua.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)