Liên minh Renault – Nissan – Mitsubishi vốn đã lung lay hơn bao giờ hết sau scandal của CEO Carlos Ghosn có thể sẽ đổ vỡ ngay trong những tháng tới. Theo Bloomberg trích dẫn nguồn tin nội bộ khai thác được, Nissan đang muốn bán một phần hoặc, nếu được, là toàn bộ 34% cổ phần họ đang nắm giữ của Mitsubishi.
Đối tượng được Nissan ưu tiên bán lại cổ phần Mitsubishi là… Mitsubishi Corporation – tập đoàn đang nắm giữ 1/5 cổ phần của Mitsubishi Motors. Nếu đẩy hết những gì mình đang nắm giữ của Mitsubishi, Nissan sẽ thay đổi gần như hoàn toàn bộ mặt của liên minh đã 4 năm tuổi và từng được kỳ vọng sẽ đua tranh vị trí đơn vị xe số 1 toàn cầu của Toyota và Volkswagen.
Vào tháng 5/2016, Nissan trở thành cổ đông lớn nhất của Mitsubishi Motors khi mua lại 34% cổ phần của thương hiệu Nhật như một phương thức cứu trợ đồng hương sau khi họ dính bê bối nhiên liệu. Vào tháng 10 cùng năm, Mitsubishi gia nhập liên minh Renault – Nissan.
Tuy nhiên, quãng thời gian tốt đẹp giữa 3 phía kéo dài không lâu khi scandal liên quan tới cựu CEO Carlos Ghosn và sau đó là cơn bão tài chính tạo thành bởi COVID-19 khiến mối quan hệ giữa 3 phía, trong đó đặc biệt giữa Renault và Nissan, rạn nứt nhiều hơn bao giờ hết. Cả 3 cũng công bố lỗ “đều như vắt chanh” và dự đoán tương lai cũng chẳng quá khả quan.
Hồi tháng 5 vừa qua Nissan công bố lỗ gần 6,4 tỉ USD – mức thê thảm nhất trong 20 năm qua. Trong tuần trước hãng xe lớn thứ 3 Nhật Bản tư tin khẳng định rằng các nỗ lực tái cơ cấu cùng sự hồi sinh sớm hơn dự kiến của thị trường Trung Quốc đang giúp họ trở lại đúng quỹ đạo.
Trong khi đó, thương hiệu xe Nhật lớn thứ 6 trong nước là Mitsubishi đã lỗ từ 2019 đến nay. Renault cũng công bố khoản lỗ khổng lồ 7,29 tỉ euro trong nửa đầu 2020 và khẳng định phải có động thái cắt giảm chi phí trong thời gian tới.
Dù trong quý III liên minh này đã công bố kế hoạch “chia để trị” với Renault phụ trách châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi, Nissan là Bắc Mỹ, Nhật và Trung Quốc còn Mitsubishi ở Đông Nam Á cùng châu Đại Dương. Chiến lược này chưa chắc đã đem lại hiệu quả trong khi nhược điểm đã rõ ràng: tự “cắt” triệt để thị phần của mình tại các khu vực không nằm trong kế hoạch.
Tham khảo: Paultan