Đèn đỏ bật sáng sẽ được rẽ phải nếu có biển báo. Ảnh: PV
Trường hợp đèn đỏ bật sáng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp có biển phụ hoặc đèn phụ báo được phép rẽ phải thì mới được phép rẽ phải.
Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về báo hiệu đường bộ bằng tín hiệu đèn giao thông như sau:
Tín hiệu đèn giao thông có ba màu:
– Tín hiệu xanh là được đi;
– Tín hiệu đỏ là cấm đi;
– Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Theo đó, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Đặc biệt, tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
Như vậy, trong trường hợp đèn đỏ bật sáng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp có biển phụ hoặc đèn phụ báo được phép rẽ phải thì mới được phép rẽ phải hoặc nếu có người điều khiển giao thông thì phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Trong trường hợp trên nếu không có biển báo hiệu được phép rẽ phải thì lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt các lỗi vi phạm. Cụ thể mức phạt các hành vi vi phạm được áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
– Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
– Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường.