Hiện trường vụ tai nạn khiến hư hỏng thân vỏ xe ôtô. Ảnh: BT
Trên thực tế, nhiều người đã từ chối mua bảo hiểm thân vỏ xe ôtô vì mức phí lớn, nhưng đến khi gặp sự cố, tai nạn mới thấy tầm quan trọng của nó.
Bảo hiểm thân vỏ xe ôtô là gì?
Bảo hiểm thân vỏ xe ôtô hay còn gọi là bảo hiểm vật chất xe cơ giới, giúp người mua bảo hiểm được bồi thường các tổn thất, thiệt hại do những tác động từ bên ngoài mang tính chất không lường trước như thiên tai, tai nạn bất ngờ, lật, đổ, chìm, rơi toàn bộ xe, các trường hợp cháy nổ hoặc mất cắp bộ phận hay toàn bộ xe…
Bảo hiểm thân vỏ ôtô là bảo hiểm tự nguyện. Tùy từng trường hợp cụ thể được quy định trong hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm mà chủ xe sẽ được bồi thường một phần hoặc toàn bộ xe.
Hiệu lực của bảo hiểm thân vỏ ôtô
Thông thường, bảo hiểm thân vỏ ôtô có hiệu lực tối đa 1 năm và được tái tục sau mỗi năm. Theo đó, vì giá xe hàng năm đều giảm, gián tiếp ảnh hưởng đến giá trị của hợp đồng bảo hiểm.
Vì vậy, nếu tiếp tục sử dụng bảo hiểm thân vỏ ôtô của công ty hiện tại, các giám định viên của công ty sẽ thẩm định hao mòn so với thời điểm năm ngoái để định giá xe còn lại. Từ đó sẽ là căn cứ để tái tục bảo hiểm theo hợp đồng đã ký trước đó.
Giá bảo hiểm thân vỏ ôtô
Thông thường các công ty bảo hiểm đều áp dụng một công thức giống nhau để đề ra mức phí mỗi chủ xe cần phải đóng. Công thức cụ thể là:
Phí bảo hiểm = Giá xuất hóa đơn (hoặc giá niêm yết với xe mới) x hệ số tính bảo hiểm.
Ví dụ: một chiếc xe Mitsubishi Xpander AT có giá niêm yết 630 triệu đồng. Hệ số bảo hiểm là 1%. Mức phí bảo hiểm = 1% x 630 triệu đồng = 6,3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như độ phổ biến của dòng xe, tình trạng sẵn có của phụ tùng thay thế, lịch sử sửa chữa của dòng xe… Ngoài ra, lịch sử bồi thường của chủ xe với công ty bảo hiểm cũng được xem xét.