Mỗi người khi mua xe ô tô đều có những tiêu chí lựa chọn riêng dựa trên nhu cầu sử dụng và gu thẩm mỹ của mình. Tuỳ từng điều kiện mà các tiêu chí có thể được ưu tiên.
Ngoài yếu tố thiết kế, trang bị an toàn và công nghệ thì sức mạnh vận hành là một trong những tiêu chí thường được người tiêu dùng quan tâm và “đong đếm” nhiều nhất.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về các mẫu xe sở hữu động cơ mạnh mẽ nhất xét trong từng phân khúc tại thị trường ô tô Việt Nam hiện nay.
XE CỠ A: VINFAST FADIL
Mẫu xe thương hiệu Việt là cái tên duy nhất trong phân khúc sở hữu động cơ có dung tích đến 1.4L. Trong khi đó, tất cả các mẫu xe còn lại như Hyundai Grand i10, Kia Morning, Honda Brio hay Toyota Wigo đều trang bị động cơ 1.2L hoặc 1.0L tuỳ từng phiên bản.
Với động cơ lớn hơn hẳn, VinFast Fadil theo đó cũng khoẻ nhất phân khúc khi có công suất cực đại 98 mã lực và mô-men xoắn 128 Nm. Cùng với phiên bản Honda Brio RS, VinFast Fadil cũng trang bị hộp số vô cáp CVT, các mẫu xe khác trang bị hộp số tự động 4 cấp hoặc số sàn 5 cấp.
Đổi lại, VinFast Fadil là mẫu xe có giá bán cao nhất phân khúc. Phiên bản cao cấp Fadil Premium có giá bán lẻ 449 triệu đồng trong khi phiên bản cao cấp nhất của Toyota Wigo chỉ có giá bán lẻ 384 triệu đồng. Tuy nhiên, VinFast Fadil không chỉ có “trái tim” mạnh mẽ nhất mà còn có kích thước lớn và được trang bị nhiều công nghệ nhất. Đó chính là lý do để mẫu xe nội địa này đang đứng đầu bảng phân khúc về sản lượng bán hàng.
SEDAN/HATCHBACK CỠ B: HONDA CITY RS
Ở phân khúc sedan/hatchback cỡ B, phiên bản thể thao Honda City RS là cái tên được nhắc tới.
Cùng trang bị động cơ dung tích 1.5L giống như Mazda2 và Toyota Vios song Honda City lại sở hữu công suất cực đại 118 mã lực và mô-men xoắn cực đại 145 Nm. Trong khi đó, Mazda2 chỉ có công suất 109 mã lực và mô-men xoắn 141 Nm, Toyota Vios phiên bản thể thao GR-S vừa ra mắt thị trường cũng chỉ có công suất 107 mã lực và mô-men xoắn 140 Nm.
Honda City tại thị trường Việt Nam hiện đang là thế hệ mới nhất với nhiều nâng cấp đáng giá cùng mức giá bán lẻ “mềm” hơn hẳn so với trước đây. Cùng với khả năng vận hành mạnh mẽ, Honda City đang dần trở lại “đường đua” với hai đối thủ lớn là Toyota Vios và Hyundai Accent. Trong tháng đầu năm 2021, Honda City đã chính thức quay trở lại danh sách 10 mẫu xe ô tô bán chạy nhất Việt Nam.
SUV/CROSSOVER CỠ B: HYUNDAI KONA T-GDI
Mẫu xe được lắp ráp tại Ninh Bình bởi TC Motor là cái tên khá đặc biệt. Hyundai Kona phiên bản T-GDI sử dụng động cơ tăng áp 1.6L cho công suất đến 177 mã lực, cao hơn hẳn tất cả các mẫu xe đối thủ. Khả năng tăng tốc của Kona T-GDI cũng rất đáng nể khi đạt 180 Nm tại tốc độ tua máy 4.500 vòng/phút. Mô-men xoắn của Kona chỉ thấp hơn phiên bản Kia Seltos Premium (đạt 242 Nm tại dải tốc độ tua máy thấp 1.500-3.200 vòng/phút) và phiên bản Peugeot 2008 GT-Line (230 Nm tại 1.750-3.500 vòng/phút).
Ở phân khúc xe gầm cao đô thị, Kia Seltos và Toyota Corolla Cross đang là hai mẫu xe bán chạy nhất. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi đây là hai mẫu xe mới nhất vừa ra mắt thị trường giai đoạn nửa cuối năm 2020 với thiết kế hiện đại cùng danh mục các trang bị công nghệ dày đặc hơn hẳn.
SEDAN/HATCHBACK CỠ C: HYUNDAI ELANTRA SPORT T-GDI
Động cơ tăng áp 1.6L trên phiên bản Hyundai Elantra Sport T-GDI cho công suất cực đại đến 204 mã lực và mô-men xoắn cực đại 265 Nm, vượt xa tất cả các đối thủ cùng phân khúc sedan cỡ C hiện nay tại Việt Nam.
Sở hữu “trái tim” khoẻ khoắn nhất trong khi giá bán lại thấp hơn hầu hết đối thủ, Hyundai Elantra thực sự là mẫu xe nên được người tiêu dùng để tâm khi có nhu cầu mua sắm. Tất nhiên, ngoài giá bán và sức mạnh động cơ, người tiêu dùng còn có những tiêu chí đáng so sánh như thiết kế và trang bị công nghệ.
SUV/CROSSOVER CỠ C: HYUNDAI TUCSON DIESEL
Xét về chỉ số công suất thì Hyundai Tucson phiên bản máy dầu (diesel) thấp hơn một chút xíu (3 mã lực) so với Mazda CX-5 Sig Premium AWD và Honda CR-V L. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng thì mẫu xe Hàn Quốc lại cho thấy khả năng vận hành mạnh mẽ hơn so với 2 đối thủ đến từ Nhật Bản.
Vấn đề nằm ở chỗ, Hyundai Tucson diesel đạt công suất 185 mã lực ngay ở tốc độ tua máy 4.000 vòng/phút còn Mazda CX-5 và Honda CR-V phải đến tốc độ tua máy 6.000 vòng/phút mới đạt công suất 188 mã lực.
Chưa kể, khả năng tăng tốc của Hyundai Tucson diesel cũng phấn khích hơn nhiều. Mẫu xe Hàn Quốc đạt mô-men xoắn cực đại 400 Nm ngay tại dải tốc độ tua máy rất thấp 1.750-2.750 vòng trên phút. Trong khi đó, Mazda CX-5 đạt mô-men xoắn 252 Nm tại 4.000 vòng/phút, tức là vừa thấp hơn rất nhiều lại đáp ứng muộn hơn.
Hyundai Tucson cũng là mẫu xe duy nhất trong phân khúc có phiên bản sử dụng động cơ dầu, tất cả các mẫu xe còn lại đều trang bị động cơ xăng.
SEDAN CỠ D: MAZDA6 SIGNATURE PREMIUM AWD
Sự chênh lệch về sức mạnh vận hành giữa các mẫu xe trong phân khúc sedan cỡ D là có ít khác biệt nhất. Phiên bản Mazda6 Sig Premium dẫn động 4 bánh nhỉnh hơn so với các đối thủ ở cả hai chỉ số công suất và mô-men xoắn.
Cụ thể, Mazda6 Sig Premium AWD trang bị động cơ 2.5L, công suất cực đại đại 185 mã lực tại tốc độ tua máy 5.700 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại đạt 250 Nm tại 3.250 vòng/phút. Các mẫu xe còn lại như Honda Accord, Toyota Camry Q hay Kia Optima Premium yếu hơn nhưng không đáng kể.
SUV CỠ D: FORD EVEREST TITANIUM AWD
Ở phân khúc SUV 7 chỗ ngồi cỡ trung, phiên bản cao cấp Ford Everest Titanium nổi trội hơn cả nhờ được trang bị động cơ 2.0L và hộp số tự động 10 cấp, công suất cực đại 210 mã lực và mô-men xoắn cực đại 500 Nm.
Ford Everest cũng là một trong những mẫu xe được trang bị nhiều công nghệ hiện đại nhất. Tuy nhiên, mẫu xe Mỹ lại thiếu may mắn hơn khi ít được người tiêu dùng lựa chọn hơn so với Hyundai Santa Fe, Kia Sorento 2021 hay Toyota Fortuner. Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, vấn đề của Ford Everest nằm ở thiết kế quá cơ bắp thậm chí có phần cục mịch trong khi nhu cầu về một chiếc xe mượt mà, bóng bẩy lại lớn hơn đối với không ít người tiêu dùng.
MPV 5+2 CHỖ NGỒI: KIA RONDO G
Mẫu xe do tập đoàn Thaco lắp ráp là một cái tên kỳ lạ trong phân khúc. Cùng sở hữu cấu hình 5+2 chỗ ngồi và kích thước tương đương song Kia Rondo lại được trang bị động cơ có dung tích đến 2.0L, trong khi các mẫu xe còn lại chỉ sử dụng động cơ 1.5L. Bảng so sánh cho thấy cả công suất lẫn mô-men xoắn của Kia Rondo đều vượt trội.
Thế nhưng, Kia Rondo cùng với Toyota Avanza lại đang là hai mẫu xe ế ẩm nhất phân khúc.
MPV 7-9 CHỖ NGỒI: TOYOTA ALPHARD G
Trên thực tế, việc sắp xếp các mẫu xe trong nhóm này ít nhiều có sự gượng ép bởi hầu hết các mẫu xe đều không cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Chẳng hạn, Toyota Innova không hề có đối thủ cạnh tranh trực tiếp bởi Chevrolet Orlando và Nissan Grand Livina đã rút khỏi Việt Nam từ lâu. Kia Sedona cùng ở cảnh ngộ tương tự bởi cả Toyota Sienna lẫn Honda Odyssey cũng đều đã nói lời từ giã cách đây vài ba năm.
Ngay cả các mẫu xe có kiểu thiết kế vuông vắn tương tự nhau và kích thước cũng không chênh lệch nhiều như Toyota Alphard, Ford Tourneo, Peugeot Traveller hay thậm chí Mercedes V250 thì cũng không hề cạnh tranh trực tiếp, ít nhất là xét trên tiêu chí giá bán, trang bị công nghệ và thương hiệu.
Bởi vậy, việc Toyota Alphard có sở hữu sức mạnh lớn hơn hẳn thì cũng chỉ là một thông tin tham khảo nhỏ.
BÁN TẢI (PICK-UP): FORD RANGER WILDTRAK 4X4
So với các đối thủ, phiên bản Ford Ranger Wildtrak 4×4 đang sở hữu hệ truyền động vượt trội hơn hẳn. Mẫu xe bán tải đến từ nước Mỹ trang bị động cơ Ecoboost dung tích 2.0L cùng hộp số tự động 10 cấp, công suất cực đại 210 mã lực và mô-men xoắn cực đại 500 Nm.
Bên cạnh đó, Ford Ranger cũng là mẫu xe được trang bị nhiều công nghệ và tính năng hiện đại nhất cùng thiết kế đậm chất cơ bắp Mỹ. Do đó, không hề ngẫu nhiên mà đến nay, Ford Ranger vẫn đang được mệnh danh là “vua” bán tải tại thị trường ô tô Việt Nam.
Trong phân khúc này, Isuzu D-Max là mẫu xe yếu nhất xét về mọi mặt và bởi vậy, doanh số cũng luôn lẹt đẹt nhất thị trường.
Một điểm đáng chú ý là ở loại hình xe bán tải, còn một mẫu xe nữa là Ford Ranger Raptor. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì Ranger Raptor không được đăng ký lưu hành theo kiểu loại bán tải nên không đưa vào so sánh. Trên thực tế, Ranger Raptor cũng sử dụng chung động cơ và hộp số với Ranger Wildtrak nên việc so sánh xem ra cũng không còn cần thiết.