Những ngày này, băng giá và tuyết mỏng đã bắt đầu xuất hiện ở các vùng núi Tây Bắc Việt Nam như Sapa, đèo Ô Quý Hồ… Sáng 11/1, đường ở khu vực này đóng băng mỏng khiến CSGT phải tạm ngăn đường do một số xe bị trượt, mất lái sa xuống rãnh.
Theo chuyên gia đào tạo lái xe Nguyễn Hồng Vinh, đa số ô tô ở Việt Nam sẽ gặp khó khi di chuyển ở những nơi mặt đường bị đóng băng. “Câu chuyện không nằm ở loại xe một cầu hay hai cầu, dẫn động bốn bánh mà ở vấn đề lốp. Đa số chủ xe ở Việt Nam dùng loại lốp thông thường, thích hợp khí hậu nhiệt đới và tiết kiệm. Gặp đường trơn mất tiếp xúc cả bốn bánh thì không nên đi tiếp, rất nguy hiểm”, chuyên gia Vinh nói.
Vì vậy, để đi được đường trơn, đóng băng cần thay loại lốp phù hợp. Chuyên gia Vinh cho biết loại lốp phù hợp là lốp gai AT (All Terrain) có nhiều gai, ít rãnh dọc nên có khả năng bám đường tốt hơn. Một số loại lốp dùng 4 mùa cao cấp nhưng giá thường đắt gấp 4 hoặc 5 lần so với lốp thông thường.
Bên cạnh đó, chuyên gia Vinh cho rằng công nghệ cũng góp phần giúp tài xế đi đường trơn trượt, đóng băng tốt hơn. “Các xe có sẵn các trang bị như cân bằng điện tử, hỗ trợ phanh, dẫn động 4 bánh, tính năng lái xe đường trơn tuyết sẽ giúp ích rất nhiều cho tài xế. Tuy nhiên, dù có sẵn công nghệ hỗ trợ, tài xế không nên chạy nhanh”, ông Vinh nói thêm. Một mẹo nhỏ khác dàng cho tài xế dùng lốp thường bị trơn trượt có thể vận dụng là xì bớt hơi bánh xe để tăng độ tiếp xúc mặt đường. Cách này áp dụng cho cả đường cát, sỏi.
Ở các nước phương Tây thường xuyên có hình thái mặt đường đóng băng vào mùa đông nên họ thường có các biện pháp khắc phục như rải muối bề mặt đường, thay lốp chuyên dụng chạy băng tuyết. Nhưng vẫn có những nguyên tắc được khuyến cáo chung cho lái xe.
Theo American Automobile Association (Hiệp hội Ôtô Mỹ; viết tắt AAA), điều kiện đường xá tồi tệ là một yếu tố gây ra gần nửa triệu vụ tai nạn và hơn 2.000 ca tử vong trên đường vào mỗi mùa đông ở Mỹ. Tổ chức này khuyến nghị tài xế trước khi lái xe cần kiểm tra kỹ nhiên liệu, luôn giữ ít nhất bình nhiên liệu có mức trên nửa thùng. Lái xe từ từ, tăng và giảm tốc từ từ tránh, hạn chế phanh đột ngột. Tăng khoảng cách với xe phía trước bằng cách cộng thêm 5 hoặc 6 giây so với phản ứng ở thời tiết bình thường.
Bên cạnh kỹ năng lái xe thì việc chuẩn bị phương tiện hoạt động một cách tốt nhất cũng là cách để tránh gặp sự cố khi đi vào đường trơn trượt, mưa tuyết.
Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch (Phúc Yên – Vĩnh Phúc) cho biết khi nhiệt độ xuống quá thấp, chủ xe nên để ý phần nước làm mát. “Về lý thuyết, nước làm mát ô tô có mức chịu đông lạnh nhất định nhờ có thành phần pha thêm các chất có nhiệt độ đông lạnh thấp. Tuy nhiên, nhiều chủ xe có thể trong quá trình sử dụng đã pha thêm nước lọc hoặc mua phải nước làm mát giả. Khi gặp thời tiết lạnh đóng băng khiến nhiệm vụ làm mát động cơ mất đi, dễ khiến động cơ gặp sự cố. Vì thế nên kiểm tra kỹ bộ phận này và chỉ thay nước làm mát đúng loại ở nơi uy tín” – kỹ sư Tạch nói./.