Sau khi đã “tậu” cho mình được một chiếc ôtô ưng ý, các bạn cũng phải thực hiện một số công việc giúp chiếc xe của mình hoàn hảo hơn và an tâm hơn khi sử dụng.
Thay dầu
Đầu tiên, bạn cần đưa xe đi thay dầu mới và thay đầy đủ từ dầu phanh, dầu động cơ và dầu hộp số. Sau đó, cần duy trì lịch bảo dưỡng thay dầu. Nhờ vậy, chiếc xe của bạn sẽ hoạt động trơn tru và ít hỏng hóc hơn.
Kiểm tra nước làm mát
Việc tiếp theo bạn cần làm là đến cửa hàng để súc rửa két làm mát động cơ và thay những đường ống mà bạn nghi đã hỏng trong quá trình súc rửa két làm mát. Vì nếu động cơ quá nóng sẽ khiến vòng đệm và các bộ phận khác gặp hỏng hóc.
Hệ thống làm mát động cơ hiện nay thường kết hợp nhiều kim loại không đồng nhất. Điều này khiến nước làm mát dần biến thành chất điện giải và ăn mòn các bộ phận đắt tiền trong động cơ.
Kiểm tra ắc-quy, lọc gió và điều hòa
Kể từ năm thứ 4 sau khi ắc quy được sản xuất, bạn cần thay thế ắc quy để đảm bảo xe có thể hoạt động ổn định.
Trên các xe cũ, bộ phận lọc gió và điều hòa thường xuyên bám bụi bẩn. Điều này có thể làm cản trở cho quá trình hoạt động của xe. Vì vậy, hãy đem xe đến gara uy tín để các kỹ thuật viên kiểm tra kỹ lưỡng và thay thế lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa.
Kiểm tra hệ thống phanh, lốp
Khách hàng có thể tự kiểm tra độ mòn má phanh, độ mòn lốp để xem đã cần thay thế hay chưa. Phanh và lốp có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an toàn trên chiếc xe, nếu không thay thế kịp thời sẽ khiến hành khách gặp nhiều rủi ro.
Căn chỉnh độ chụm bánh xe
Sau một thời gian sử dụng, độ chụm bánh của xe có thể sẽ bị lệch. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng mòn lốp, nhao lái… Vì vậy, sau khi mua về, bạn cần kiểm tra và căn chỉnh độ chụm bánh xe để đảm bảo an toàn.
Vệ sinh nội, ngoại thất và khoang động cơ
Để tân trang, “tút tát” lại vẻ ngoài xe cũ, việc vệ sinh là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xem xét và quyết định thay đổi những bộ phận mà bạn thích.