Chân côn bị kẹt, đạp cứng là một trong những lỗi rất khó chịu đối với người sử dụng xe. Khi xe bắt đầu máy nóng hay xe vận hành một khoảng thời gian dài lại xảy ra hiện tượng chân côn bị kẹt, bị cứng không thể đạp nổi, hoặc đạp sâu vào hết mới ngắt côn, côn trả từ từ, mất khả năng rơ,… Người lái đạp xuống không hồi lại, hoặc kéo lên cũng vô tác dụng. Nếu để máy nguội tầm 30 phút đến khi máy nguội hẳn, mọi chuyện lại xảy ra bình thường, chân côn lại hoạt động êm như lúc ban đầu.
Khi bàn đạp ly hợp (chân côn) bị dính, nó có thể trở về vị trí rất chậm, bị cứng khi đẩy hoặc hoàn toàn bị mắc kẹt. Bàn đạp ly hợp bị dính có thể khiến người lái xe rất lo sợ vì sự cố này có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, đặc biệt nếu bàn đạp bị kẹt khi xe đang tăng tốc. Khi sự cố này xảy ra, điều quan trọng là phải khắc phục nó ngay lập tức.
1. Nguyên lý hoạt động của bàn đạp ly hợp (bàn đạp côn):
Khi nhấn bàn đạp côn, một cần liên động hoặc piston thuỷ lực sẽ tác dụng lên một cần bẩy (còn gọi là càng cua ly hợp) với một lực khá lớn, lực này được truyền đến vòng bi chặn của ly hợp, còn gọi là bi T (Throw-out Bearing) làm cho lò xo đĩa trung tâm (Diaphragm Spring) bị nén lại. Nhờ kết cấu cơ khí dẫn động, đĩa ma sát được giải phóng ra khỏi bánh đà và đĩa ép ly hợp và nhờ vậy trục sơ cấp của hộp số được giải phóng khỏi động cơ.
Khi nhả khỏi bàn đạp côn, các lò xo đẩy mâm bàn ép ly hợp (Pressure Plate) vào các đĩa ma sát (Clutch Plate) và ép chặt chúng với bánh đà. Điều này đã làm cho bánh đà động cơ bị khoá vào trục sơ cấp của hộp số làm cho chúng quay cùng một tốc độ. Độ lớn của momen lực mà ly hợp có thể truyền được phụ thuộc vào ma sát giữa các đĩa ma sát với bánh đà và lực nén mà các lò xo tác dụng lên các đĩa ma sát.
2. Vậy nguyên nhân do đâu chân côn lại bị kẹt như thế?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chân côn (côn dầu) bị kẹt, cứng, nặng từ thảm trải sàn mắc vào chân côn hay ma sát, mài mòn, vỡ các chi tiết trong cơ cấu phanh, lỗi hệ thống điều khiển tín hiệu, sự cố về dầu bôi trơn,… Tuy nhiên, trong bài viết này chỉ đưa ra những nguyên nhân thường gặp nhất.
a. Chân côn bị kẹt gì thảm trải sàn:
- Thảm trải sàn mắc kẹt, cản trở quá trình đạp chân côn là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bàn đạp ga đạp nặng, cứng. Kiểm tra xem thảm trải sàn có mắc hay dính vào bàn đạp ly hợp hay không rồi mới đến các nguyên nhân bên dưới.
b. Mài mòn lá côn, bánh đà, mâm ép, bi-tê:
- Khi lá côn bị mòn, bàn ép sẽ cao hơn ở phần tiếp giáp với bạc đạn bi “T” (bi-tê, vòng bi dùng để ngắt ly hợp) khiến hành trình đạp xa và nặng hơn. Do đó, khi ta đạp tổng côn sẽ thấy cao hơn bình thường và nặng hơn rất nhiều.
- Ống trượt bi-tê quá bẩn, đóng nhiều cặn bẩn vì khi thay côn người thợ sửa chữa hay bôi mỡ vào ống trượt, sau một thời gian mỡ bị khô đồng thời mạt ở lá côn rụng ra bám vào làm cho bi tê di chuyển khó khăn.
- Vòng bi-tê bị mòn, hỏng hoặc thiếu mỡ bôi trơn hoặc vòng bi nối đầu trục ly hợp với đuôi trục khuỷu bị vỡ, rơ hoặc khô dầu mỡ.
c. Cơ cấu dẫn động bàn đạp ly hợp:
- Dây cáp bàn đạp ly hợp mất chất bôi trơn trong dây khiến dây cáp bị khô, cứng, hoạt động khó khăn.
- Cần nối trong cơ cấu dẫn động bàn đạp bị cong.
- Trên các xe cũ sử dụng cơ cấu nhả cáp, ly hợp có thể không nhả nếu dây cáp bị đứt hoặc điều chỉnh sai.
- Hành trình tự do của bàn đạp ly hợp quá lớn, không có hoặc không đủ.
d. Cơ cấu điều khiển ly hợp:
- Ly hợp bị trượt: Đĩa ma sát, bánh đà hoặc mâm ép bị mòn, cong vênh hoặc rò rỉ dầu động cơ.
- Xy lanh chính và xy lanh con của điều khiển ly hợp gặp vấn đề (thiếu dầu, rò rỉ dầu trong xy lanh, mòn cuppen hay cuppen bị bó kẹt, có không khí bên trong xy lanh…) khiến khi đạp bàn đạp côn bị quá nặng, rung hoặc quá nhẹ.
- Cần đẩy của xy lanh chính hoặc xy lanh con (xy lanh công tác) bị cong vênh.
- Bạc trượt trên trục ly hợp bị hư hỏng.
- Lò xo bị biến dạng (nứt, vỡ, gãy), mất tính đàn hồi không đủ lực để ấn mâm ép áp dính đĩa ma sát vào bánh đà hoặc do đặt chân lên bàn đạp ly hợp lúc xe đang chạy khiến đĩa ma sát nhanh mòn.