Xe bị thủy kích là như thế nào? là câu hỏi chủ yếu của 2 loại người đi tìm kiếm. Một là người mua xe ô tô cũ muốn tìm hiểu về vấn đề thủy kích để tránh mua phải xe bị tình trạng này. Hai là người sử dụng xe ô tô đi qua vùng ngập nước và khả năng là xe ô tô của bạn đã bị nước làm chết máy gây ra hỏng hóc rất lớn. Dưới đây là những giải thích về thủy kích là như thế nào, cách nhận biết xe bị ngập nước và khắc phục nhanh nhất được chuyên gia xe ô tô Anh N.Q.B – chủ gara xe ô tô lớn nhất tại Hà Nội chia sẻ.
I. Xe bị thủy kích là như thế nào?
Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, gây ra tình trạng chết máy đột ngột. Đây là hiện tượng mà các tài xế thường xuyên gặp phải khi lái xe ô tô trong mùa mưa bão hay đi qua những vùng nước ngập trũng, được xem là quá bình thường. Tuy nhiên, xe bạn sẽ nhận ngay hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu bạn cố tình đề máy, lúc này nước sẽ bị hút sâu vào động cơ dẫn đến tình trạng hư hỏng máy.
II. Xe bị ngập nước thì sao? Hậu quả của hiện tượng thủy kích?
Đây mới thực sự là vấn đề, bởi với điều kiện vận hành bình thường các piston đang lao lên ép hỗn hợp khí nạp với tốc độ khoảng 1.000 vòng/phút. Tuy nhiên khi nước bị hút vào đường hút gió và chiếm chỗ của hỗn hợp khí nạp sẽ khiến các piston không thể di chuyển dọc xy lanh nhưng vẫn chịu lực đẩy của trục cam làm cong cần piston, các te và ổ đỡ trục khuỷu cũng lần lượt hư theo. Bên cạnh đó, các tay biên theo đó cũng bị biến dạng và khi tay biên cong quá sẽ bị gãy, đoạn gãy này sẽ chọc thủng thành động cơ cuối cùng là phá hủy cả máy xe.
Nếu xe bạn bị ngập nước thì nên chuẩn bị tâm lý vững vàng trước các tình huống xấu nhất có thể xảy ra với chiếc xế cưng của mình. Bởi ngoài động cơ, thủy kích còn tác động xấu đến hệ thống điện xe ô tô, điều này hoàn toàn có lý vì khi xe ngập nước hệ thống điện trên xe ô tô như còi, đèn, hệ thống âm thanh giải trí,.. sẽ bị ảnh hưởng như có thể bị gỉ sét hay thậm chí cháy. Đồng thời nếu xe ngập nước quá lâu trong điều kiện nước có nồng độ muối cao thì nguy cơ vỏ xe và gầm xe bị ăn mòn là rất cao. Những chi tiết trong khoang nội thất ô tô như lót sàn hay ghế ngồi cũng đều bị ngấm nước, ẩm mốc và hư hỏng nếu trường hợp xe ngập ở mực nước sâu. Cuối cùng và quan trọng không kém đó chính là khi ô tô bị thủy kích nhiều lần nhưng không được bảo dưỡng và chăm sóc tốt thường giá trị thanh khoản không cao. Khi muốn bán lại, những chiếc xe ô tô cũ này có giá chuyển nhượng rất thấp. Có khi chẳng ai thèm trả giá nếu họ biết chiếc xe ô tô bạn có dấu hiệu bị thủy kích.
III. Xe ô tô nào dễ bị dính thủy kích nhất?
Theo Anh N.Q.B chia sẻ thì vào mùa mưa hầu hết gara ô tô của anh thường hoạt động hết công suất, có khi tới tận 11h đêm với hầu hết những chiếc xe bị thủy kích đều là sedan hay hatchback cỡ nhỏ, có khung gầm xe thấp hay gặp hiện tượng nêu trên hơn các mẫu SUV/crossover gầm cao.
IV. Chi phí sửa chữa thủy kích tốn kém như thế nào?
Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ, đây được xem là trái tim của xe. Theo anh N.Q.B cho biết, chi phí để sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích thường rất cao, một trong những chiếc xe bị thủy kích nặng nhất anh từng sửa là chiếc Toyota Vios đời 2018 con số lên đến 120 triệu đồng. Chiếc này bị ngập nước khá nặng nhưng tài xế vẫn cố gắng đề máy và cụm động cơ cũng như hệ thống điện gần như bị hư hoàn toàn.
Anh N.Q.B chi biết thêm, chi phí khắc phục sẽ tỷ lệ thuận với mức độ sang trọng và cao cấp của xe cấp bởi giá phụ tùng chính hãng rất đắt.
V. Cách phát hiện xe ngập nước, bị thủy kích
Đối với những người không rành về ô tô có lẽ việc kiểm tra xe ô tô bị ngập nước là điều tương đối khó. Theo các chuyên gia về xe ô tô cho hay, nếu bạn có người thân quen biết kỹ thuật khi chọn xe đó là một điều tuyệt vời, nhưng nếu không có ai thì bạn nên trang bị thêm một số kiến thức cơ bản để biết cách nhận biết xe ô tô bị thủy kích. Điều này rất quan trọng bởi nếu chẳng chọn mua trúng chiếc xe bị ngập nước, dính thủy kích thì chắc chắn tiền sửa có khi gần bằng tiền mua xe. Lời khuyên là phải chọn đại lý ô tô uy tín, “mối ruột” càng tốt hoặc có người thân quen, bạn bè giới thiệu trước khi mua xe ô tô cũ sau khi nắm rõ nguồn gốc của nó.
Cách kiểm tra xe có bị ngập nước hay không đơn giản nhất
Thực ra cách nhận biết này không quá khó đối với người mua xe, chỉ cần bạn tinh ý một chút là có thể nhận ra ngay dù salon hay người bán xe đó có tút lại xe đi chăng nữa. Dưới đây là những bí kíp đơn giản không những để kiểm tra xe có bị thủy kích hay chưa mà còn có thể biết được xe đã bị mở máy hay chưa.
1. Kiểm tra ngoại thất của xe
Ngoại thất ô tô là phần mà bạn có thể trông thấy đầu tiên nhất, đặc biệt chú ý tới bộ phận cụm đèn pha của xe vì đây là bộ phận khó xóa dấu vết nhất của chiếc xe đã từng bị ngập nước. Nếu phát hiện đèn có dấu hiệu bị cạy mở ra để lau chùi hoặc mờ thì xác suất đã bị nước tràn vào rất cao. Tiếp đến là kiểm tra ở cốp xe, các con ốc vít ở những vị trí kín đáo nếu thấy có dấu hiệu rỉ sét thì nhiều khả năng xe cũng từng bị ngập nước.
2. Kiểm tra không gian bên trong nội thất xe
Khi bước vào bên trong chiếc xe bạn chuẩn bị mua việc trước tiên là sờ thử và lật thảm trải sàn lên xe có bùn hay không. Đặc trưng tiếp theo của những chiếc xe bị ngập nước chính là lưu giữ mùi ẩm mốc rất lâu, nên thông thường xe bị thủy kích thợ sửa xe của gara thường phải xịt rất nhiều nước hoa để lấn át đi mùi ẩm mốc này. Mẹo kiểm tra xe thủy kích lúc này đơn giản nhất là đóng cửa xe lại tắt điều hòa, nếu mùi nước hoa quá nồng hoặc mùi ẩm mốc hiện rõ ra thì nên từ chối chiếc xe đó ngay lập tức nhé.
3. Nổ máy xe và lắng nghe tiếng máy
Lưu ý cách kiểm tra xe có bị thủy kích hay không này chỉ áp dụng cho người sành xe, nếu không rành thì rủ anh em, bạn bè rành về máy xe đi cùng hoặc bỏ ra ít phí để thuê thợ đi xem xe. Theo đó, còn phải tùy thuộc vào xe chạy nhiều hay ít mà tiếng máy còn “ngọt” hay “có vấn đề” nhé.
4. Kiểm tra dây đai an toàn
Nếu phát hiện phần cuối dây an toàn bị mốc, ố màu, có màu khác lạ so với phần còn lại hoặc có ngấn thì nhiều khả năng xe đã từng bị ngập nước.
5. Quan sát toàn bộ ốc, bu-lông bắt máy
Quan sát toàn bộ ốc và bu lông bắt máy để xem liệu máy đã bị tháo mang ra ngoài để sửa hay chưa. Nếu ốc còn sáng loáng, xước hoặc có hiện tượng bị tháo ra xong vặn vào thì nên hỏi thẳng chủ xe nguyên nhân. Thường xe bị ngập nước phải dỡ toàn bộ máy ra ngoài để làm, chứ không như thay head gasket có thể làm trên xe. Một kinh nghiệm mua tránh xe bị thủy kích là khi lắp vào các bộ phận sửa chữa bao giờ cũng sẽ vẫn còn vết dầu mỡ trên đó hoặc thợ đã lau chùi thật cẩn thận nhưng vẫn còn vết tích tồn lại. Các bộ phận mà bạn nên chú ý gồm các jack cắm, bộ ốc trên máy, nước làm mát, các đường ống dẫn nhiên liệu, dây điện xem đã bị tháo ra chưa,..
6. Quan sát kỹ các con ốc bắt ống xả vào thân máy
Cái này dễ quan sát nhất kể cả người không rành về xe, theo đó bạn kiểm tra những bộ phần này xe đã bị tháo ra chưa. Đối với những ô tô đời mới thì đều có tấm che nhiệt (heat shield) bắt trên các ống xả, phải tháo cái này ra thì nhìn thấy các con ốc ngay. Đối với xe đập hộp mà bị thủy kích thì phải rã máy thì phải quan sát kỹ hơn phần này, ngược lại xe đã qua sử dụng các ốc này thường có màu vàng nâu gạch vì nhiệt độ của máy rất cao, nên khi tháo ra kiểu gì cũng vẫn có vết để lại.
7. Quan sát các gioăng đầu bò và nắp máy
Nếu chủ xe có thể hỗ trợ thì bạn nên yêu cầu xem xét phần này, nếu thấy nó mới toanh hoặc silicon còn mới thì xác suất bị rã máy là 80%.
8. Đề nghị chạy thử xe
Là một trong những cách kiểm tra xe có bị thủy kích không hiệu quả nhất, việc lái xe thử sẽ cảm nhận đầy đủ cũng như nhận ra những vấn đề phát sinh khi xe vận hành. Lưu ý không phải đơn giản là khởi và chạy thử xe là phát hiện ra ngay được. Điều bạn cần làm sẽ như sau:
- Khởi động động cơ
- Nhờ người khác xem có khói từ ống xả hay không
- Nghe âm thanh từ tiếng nổ của động cơ có gì bất ổn hay không
- Tăng tốc và cảm nhận về những yếu tố quan trọng như hệ thống phanh, chân ga, sự ổn định của thân xe khi vào cua tốc độ cao
- Theo dõi mức tiêu hao nhiên liệu của xe
VI. Phòng ngừa rủi ro thủy kích xe ô tô bằng cách nào?
Thông thường với những người hay di chuyển xe trong những thành phố lớn thường xuyên xảy ra ngập đường, kẹt xe vào mùa mưa họ sẽ phòng xa cho những rủi ro này bằng cách mua bảo hiểm ô tô gồm gói bảo hiểm thủy kích xe ô tô.
Trước khi mua bảo hiểm ô tô về rủi ro thủy kích hay ngập nước bạn cần hỏi rõ nhân viên bảo hiểm về các điều khoản thủy kích. Mức phí bảo hiểm xe ô tô này trong năm 2020 hiện đang dao động trong khoảng từ 0,3 – 0,5% giá trị xe (tùy theo mỗi nhà cung cấp bảo hiểm).
VII. Những nguyên tắc khi lái xe gặp mưa ngập
– Khi đi qua vùng ngập, nên tắt công tác điều hòa (ký hiệu điều hòa trên ô tô là A/C), chạy với số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữa cho nổ tròn máy, tay lái phải thật bình tĩnh. Trường hợp xe số tự động, nếu để nguyên chế độ tự động xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu dẫn đến nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Vậy nên bạn cần chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1 thì xe sẽ không phải bị ngập nước dẫn đến thủy kích. Chú ý tránh đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy. – Khi buộc phải đi qua vùng ngập nước, nên lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào bằng cách tháo lọc gió động cơ ra vì đây là vị trí cao nhất, tránh lấy gió qua đường khí nạp theo xe vì đây là vị trí thấp hơn. Nếu có điều kiện bạn nên lắp lại lọc gió động cơ như ban đầu để qua khỏi đoạn ngập lụt.
– Nên hạn chế đạp thốc ga, đây là sai lầm của nhiều tài xế khi qua đoạn ngập nước vì việc tăng ga mạnh vô tình khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ khiến hiện tượng thủy kích trầm trọng hơn, dẫn tới cong tay biên như đã nêu trên. – Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, tài xế/chủ xe tuyệt đối không tìm cách khởi động lại xe. Đây là điều tối kỵ nhất nhất trong “thủy kích xe ô tô”. Việc cần làm là rút chìa khóa điện, cố gắng đẩy xe đến vị trí cao và gọi cứu hộ đến càng sớm càng tốt. Lời khuyên chân thành là đừng cố tự tìm cách sửa nếu bạn không có chuyên môn kỹ thuật vì cơ bản là mỗi xe khác nhau thì việc xử lý sự cố sau khi ngập nước cũng hoàn toàn khác nhau.
– Không được vượt qua tâm bánh xe, mực nước an toàn cảnh báo là dưới 25cm nếu vượt mức này thì bạn không nên đi qua. Đặc biệt chú ý một điều nữa là hiện tượng tạo làn sóng, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến thủy kích xe ô tô. Theo đó hãy chú ý xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể sẽ làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ. – Khi đã vượt qua chỗ ngập nước, bạn phải loại bỏ bớt nước trên đĩa bằng cách rà phanh sau đó xuống kiểm tra động cơ, gầm xe xem có gì bất thường không.
– Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay) nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động ổn định chống lật, tự động cài cầu hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian. – Điều cuối cùng trong nguyên tắc khi lái xe vào vùng ngập nước là không nên mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mực nước. Tuyệt đối không được mở cửa nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử. Trường hợp này tài xế chịu khó mở cửa sổ để ra vào xe nhé, hơi bất tiện chút nhưng an toàn.
VIII. Kết luận
Trên đây là một số cách phát hiện xe ngập nước và giải thích xe bị thủy kích là như thế nào. Nếu bạn đang tìm mua xe ô tô cũ thì các cách kiểm tra nhận biết trên bằng mắt thường dành cho người không chuyên. Còn nếu bạn đã có xe và gặp tình trạng này thì cũng có biện pháp kịp thời nhằm giảm rủi ro ở mức tối thiểu nhất tránh để tốn thêm tiền bạc vào những hư hỏng không đáng. Hy vọng các bạn đã trang bị cho mình thêm các kiến thức cần thiết khi lái xe qua vùng ngập nước trong mùa mưa này nhé.