Theo chia sẻ của anh Vinh Dương, anh đã thực hiện thử thách này nhằm chứng minh xe điện không hề thua kém xe máy xăng, có thể đi quãng đường xa liên tục, vượt các địa hình đồi núi, đèo dốc mà nhiều dòng xe khác cũng gặp khó khăn.
Để hoàn thành chuyến đi xuyên Việt táo bạo này, anh Vinh Dương cho biết anh hầu như không nâng cấp, sửa sang gì cho chiếc xe điện Pega S, ngoại trừ nâng cấp pin lên dung lượng 92Ah, cho quãng đường di chuyển từ 250-350 km sau mỗi lần sạc đầy. Ngoài ra, bộ sạc nhanh 15A giúp anh có thể sạc đầy bình nhanh chóng hơn. Theo lời kể, cứ di chuyển khoảng 100-150 km, anh lại sạc 30-45 phút và tranh thủ nghỉ ngơi. Trung bình mỗi ngày anh có thể di chuyển hơn 300 km cho mỗi chặng.
Ngoài việc nâng cấp pin, anh Dương có thay lại yên xe để tạo tư thế ngồi thoải mái hơn khi đi đường dài, hạn chế bị trượt trong trường hợp phanh gấp. Chiếc xe cũng được thêm một số trang bị như trợ lực tay ga, giá lắp điện thoại và bộ thùng sau đựng đồ tiện dụng.
Anh Vinh Dương chia sẻ: “Với xe máy xăng, đi liên tục 100km là tay mỏi nhừ vì rung lắc, tuy nhiên ở xe điện, đi 100km liên tục vẫn khá thoải mái vì di chuyển rất êm, không rung, không lắc. Ngoài ra động cơ PMSM 4000W của Pega S rất khỏe, có thể leo đồi dốc dễ dàng”.
Theo anh Dương, nếu cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam trang bị nhiều trạm sạc xe điện hơn, chuyến đi của anh sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Như vậy, chuyến đi xuyên Việt đầu tiên bằng xe điện đã hoàn thành. Chuyến đi đã khẳng định độ bền, sức dẻo dai của phương tiện giao thông mới, xóa đi phần nào quan niệm xe máy điện chỉ là phương tiện di chuyển ngắn, không thể đi xa và còn nhiều hạn chế.
Ước tính, xuyên Việt bằng xe điện, chi phí sẽ tiết kiệm hơn so với xe máy xăng truyền thống. Chẳng hạn, với xe máy xăng, 100km di chuyển sẽ cần tới khoảng 60.000 đồng tiền xăng, trong khi xe điện chỉ cần hơn 3.000 đồng tiền điện. Điều đáng nói, xe điện thân thiện môi trường, không ồn ào, không xả khói bụi.