Năm 20 tuổi, chị Nguyễn Thị Hằng – một thợ cắt tóc bình dân từ Yên Bái, một mình khăn gói vào Sài Gòn. Trải qua hơn 10 năm vất vả lăn lội với nghề, người thợ tay trắng ngày nào đã gây dựng được sự nghiệp riêng. Vì sự vất vả ấy nên chị chỉ tin vào những gì mình nắm chắc.
“Trong kinh doanh, có bao nhiêu mình mở rộng dần bấy nhiêu. Làm từ thiện cũng vậy! Có tới đâu thì mình làm tới đó. Xã hội không có mình vẫn vậy mà thêm mình chắc tốt hơn chút xíu. Thế nên cứ bình tĩnh thôi, chuyện gì tốt cũng đâu cần phải vội!“.
CHIẾC XE CẮT TÓC LƯU ĐỘNG DUY NHẤT ĐƯỢC CẤP PHÉP
Năm 2019, trong một lần đi về vùng quê nghèo cắt tóc miễn phí cho mọi người, chị Hằng ngỡ ngàng nhận ra hạn chế của việc cắt tóc ngoài trời.
Những người nghèo phải ngồi cắt tóc dưới trời nắng 40 độ. Ai nấy toát mồ hôi. Khi gió thổi, cát bụi và mảng tóc vụn vừa cắt xuống bay lả tả. Nhân viên lẫn người được cắt tóc hít phải đầu tiên. Buổi cắt tóc từ thiện đôi lúc mất vui chỉ vì nắng và gió.
“Nhìn cảnh ấy tôi cứ nghĩ tại sao người giàu ngồi máy lạnh hớt tóc, còn người nghèo phải xếp hàng ngoài nắng chang chang chờ đợi để được cắt miễn phí? Mình giúp người như vậy liệu đã được trọn vẹn hay chưa?”.
Chiếc xe cắt tóc lưu động của chị Hằng.
Chị Hằng đã nghiên cứu rất nhiều mô hình. Có một khoảng thời gian chị bị stress vì không tìm ra đáp án. Chị cảm thấy việc cắt tóc miễn phí với chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người nghèo ở khắp Việt Nam thật không dễ.
“Tình cờ, tôi đọc báo thấy nước ngoài thấy có chiếc xe cắt tóc lưu động nhưng lại làm để lấy tiền. Tôi muốn học hỏi ý tưởng này để làm một cái xe cắt tóc miễn phí đi khắp nước Việt Nam. Người nhiều tiền, ít tiền hay không có thì cứ bước lên xe sẽ được hưởng dịch vụ như nhau. 70.000 đồng (giá cắt tóc ở quán chị Hằng) không lớn. Nhưng mình chân thành tặng người ta món quà tốt nhất mà mình có thì tôi nghĩ đấy chính là sự trọn vẹn“.
Nghĩ thế, chị Hằng bắt tay vào làm mất 1 năm. Chiếc xe tải chị mua khoảng 500 triệu đồng nhưng thuê thợ độ lên hơn 1 tỷ. Trên xe trang bị đầy đủ thiết bị cần có ở một tiệm hớt tóc cố định. Nguồn điện của quán cắt tóc lưu động này là tấm pin năng lượng mặt trời cỡ lớn đủ dùng suốt cả ngày. Trường hợp mưa bão thì trên xe có ổ điện để cắm nhờ vào nhà dân. Người đến cắt tóc được hưởng sự sạch sẽ, điều hòa mát lạnh, nghế ngồi đầy đủ như ở quán hạng sang.
Đến giờ, đây là chiếc xe đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được cấp phép chuyển đổi thành xe cắt tóc lưu động. Chị Hằng nói quá trình xin phép rất thuận lợi. Toàn bộ mọi việc khép kín trên xe. Khi mở thùng xe ra thì tiệm cắt tóc “bung lụa”. Đóng thùng vào, chiếc xe lại có hình hài của một phương tiện bình thường. Vì gói gọn như thế, nên cảnh tóc rụng vương vãi đã không còn. Cùng với nguồn điện sạch không cần máy nổ, xe không gây ồn và rất thân thiện với môi trường.
“CHỈ BIẾT LÀM ĐẾN KHI NÀO CÒN CÓ THỂ”
Trên xe có một hòm đựng tiền. Người nghèo đến cắt tóc không cần trả phí. Nhưng những ai dư rả mà thấy cái xe lạ quá muốn trải nghiệm thì có thể bỏ tiền vào đấy tùy tâm. Số tiền trả công cắt tóc đó chị Hằng sẽ gom lại để làm từ thiện cho cộng đồng.
Năm 2020, chị Hằng thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Từ Nam ra Bắc, chuyến xe 0 đồng đã gom đủ 10.000 nụ cười. Nghĩa là đã có ít nhất 10.000 người nghèo ở khắp cả nước đã được cắt tóc và “trả phí” bằng một nụ cười thật tươi.
Chi phí cho nhân viên đi lại, ăn ở và cắt tóc do công ty chị Hằng bỏ ra, ước chừng 40 triệu đồng/ tháng. Chị nói vài năm qua đã quen với việc trích lợi nhuận 100-200 triệu đồng/ tháng làm từ thiện nên cảm thấy con số ấy không đáng kể.
“Mình có 5 tiệm tóc ở Sài Gòn. Mỗi ngày phục vụ trung bình 100-150 khách. Giá cắt 70.000 đồng/ người. Mỗi ngày doanh thu thấp nhất cũng được 7 triệu đồng, 1 tháng đã là hơn 200 triệu rồi. Tiền làm từ thiện cơ bản chỉ mất đi tiền lời. Mấy năm qua tiền mình làm chỉ đủ lo bản thân còn lại cho đi hết. May mắn, kinh tế gia đình cũng ổn nên mình không phải lo lắng nhiều. Cũng không biết sẽ như thế này được bao lâu. Mình chỉ biết làm đến làm khi nào còn có thể!“.
Cùng với việc cắt tóc miễn phí, khi xe dừng lại thì chị Hằng cũng theo chân lãnh đạo địa phương đến gặp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để tặng quà. Có gia đình chị giúp họ trả nợ ngân hàng, có người chị giúp tiền xây nhà. Rồi chị đi tặng quà cho các nhà thờ, trại trẻ mồ côi…
Một lần đến Nghệ An, nửa đêm mưa gió có người gọi báo ở sâu trong núi nhiều gia đình khó khăn lắm, chị Hằng vội nhào dậy. Sáng tinh mơ, chị hối cả đoàn của công ty băng rừng vào tận nơi. Đấy cũng là lần đầu tiên chị tận mắt thấy những gia đình nghèo đến mức căn nhà xiêu vẹo, vách tường chỉ biết lợp thêm mấy tàu lá để che mưa nắng. Nhìn những người già, người bệnh sống lay lắt, chị thương trào nước mắt.
“Thương nhất là ở những nhà thờ nhiều người mẹ bỏ rơi con mới lọt lòng. Các cha không dám kêu gọi vì sợ điều tiếng, cứ phải nai lưng đi làm lễ cho người ta để kiếm tiền. Nhìn tụi nó đẹp long lanh mà thương các cha sứ nhiều quá”.
Chị Hằng nói rất tiếc dịch Covid-19 bùng lên dữ dội nên từ đầu năm nay, hành trình xuyên Việt đã tạm dừng. Trong khi đó, các địa phương đăng ký được cắt tóc miễn phí đã kín hết cả năm 2021. Khoản tiền cắt tóc gom được sau hành trình xuyên Việt cũng chưa thể chuyển tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Do từ đầu năm học sinh nhiều lần phải nghỉ để tránh dịch. Lúc này chị chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để có thể tổ chức những buổi cắt tóc và trao quà cho mọi người.
TỪ GIỜ ĐẾN HẾT ĐỜI, KHÔNG BAO GIỜ ĐỨNG LÊN KÊU GỌI TIỀN ỦNG HỘ
Khi thấy trên xe có hòm tiền tùy tâm, rất nhiều người nói chị Hằng tạo ra chiếc xe lưu động này chỉ để quảng bá, mục đích cuối vẫn là nhằm kiếm tiền. Nhưng chị nói ý tưởng ban đầu làm cái xe đó xuất phát từ tinh thần không phân biệt. Chị không hướng dẫn ai phải trả bao nhiêu tiền. Những người không quá khó khăn, họ muốn trả công cắt tóc bao nhiêu là tùy tâm.
Còn nếu nói làm xe ra để quảng bá thì chị Hằng cho rằng, sự quảng bá mà có ích, vừa giúp mình lại giúp được người khác thì chẳng có gì đáng nói.
“Khi đi cắt tóc xuyên Việt, mình không bao giờ chỉ cắt tóc không. Luôn luôn vừa cắt tóc vừa tranh thủ làm từ thiện bằng quỹ của công ty. Có bao nhiêu, mình làm bấy nhiêu. Chừng nào hết quỹ ở công ty mà cá nhân mình vẫn còn thì lại về nhà mở két lấy thêm.
Còn nếu bảo mình lấy cái xe này đi khắp nơi quyên tiền thì không đúng. Tại mình đã tự hứa với lòng là từ giờ đến hết đời không bao giờ đứng lên kêu gọi tiền ủng hộ cho ai cả.
Năm trước mình đi từ thiện miền Trung bão lũ hết vài trăm triệu. Dù không khoe khoang gì nhưng rất nhiều phụ huynh con mình ở trường quốc tế biết. Họ cũng có điều kiện nên liên tục ngỏ ý muốn chuyển khoản tiền rất lớn nhờ mình làm giùm họ. Mà nói thiệt là mình sợ lắm. Mình rất sợ nếu làm không tốt sẽ tai tiếng cả đời”.
Chị Hằng bảo, năm vừa 20 tuổi, một mình chị tay trắng vào Sài Gòn. Lúc đó chị chỉ là một cô thợ cắt tóc bình dân, không có kỹ thuật gì cao siêu, cũng chẳng hiểu gì về kinh doanh. Hành trang chị có chỉ là mong muốn được làm nghề đúng nghĩa, cắt những kiểu tóc đẹp như ở nước ngoài, có tên tuổi đàng hoàng. Trải qua hơn 10 năm vừa làm vừa học, người thợ ngày nào giờ đây đã gây dựng được sự nghiệp riêng. Chị nói có lẽ vì sự vất vả ấy nên chị chỉ tin những gì mình nắm chắc.
“Trong kinh doanh mình có tới đâu, tiết kiệm rồi mở rộng dần tới đấy. Làm từ thiện cũng vậy! Xã hội có không có mình thì vẫn vậy, có mình thì tốt hơn chút xíu thôi. Vậy nên chuyện gì dẫu là tốt cũng không cần phải vội vàng“.