Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể Điều 59 Luật giao thông đường bộ năm 2008, Chương I Phần II Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, Giấy phép lái xe được phân thành nhiều hạng khác nhau như hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE… phân làm hai nhóm Giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn, phù hợp với từng kiểu loại, công suất động cơ, công dụng và tải trọng của xe cơ giới, cũng như những yêu cầu về kỹ năng phù hợp với từng loại xe cơ giới khác nhau.
GPLX là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông
Cùng với các giấy tờ khác của phương tiện như Đăng ký xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (áp dụng cho một số loại xe cơ giới như xe ô tô, xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc…) thì theo quy định tại Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008, Giấy phép lái xe là một trong những loại giấy tờ mà người lái xe bắt buộc phải mang theo khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Nếu người lái xe không mang hoặc không có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc các giấy tờ theo quy định nêu trên khi tham gia giao thông đường bộ thì họ có thể bị xử phạt như sau:
Đối với xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô:
Người điều khiển xe máy không có GPLX sẽ bị phạt từ 80 – 120 nghìn đồng
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mô tô không có Giấy phép lái xe thì sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Còn đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên mà không có Giấy phép lái xe phù hợp thì sẽ bị xử phạt với mức tiền phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Đối với xe ô tô, xe máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô:
Đối với người điều khiển xe ô tô, xe máy và các loại xe tương tự xe ô tô không có Giấy phép lái xe ô tô phù hợp với phương tiện đang điều khiển thì căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài việc xử phạt đối với người điều khiển phương tiện không có Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông, không đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì người chủ phương tiện có hành vi giao xe hoặc để cho người không có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe tham gia giao thông đường bộ cũng bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ, khoản 4, điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền như sau:
Đối với phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô thì chủ phương tiện nếu là cá nhân bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt với mức từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Đối với phương tiện là xe ô tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thì chủ phương tiện nếu là cá nhân sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Như vậy, để tránh bị phạt khi tham giao giao thông, người điều khiển cần chuẩn bị kỹ càng các loại giấy tờ cần thiết nhất là GPLX để có thể xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra. Đối với trường hợp bị mất GPLX cũng bị tính là không có Giấy phép lái xe và bị xử phạt đúng theo quy định nên người tham gia giao thông cần nhanh chóng làm các thủ tục để được cấp lại.