Mẫu xe được thiết kế với nhiều đường cong từ đầu đến đuôi xe, với cách bố trí logo và kiểu đèn đặc trưng của Jaguar. Phần đèn định vị xếp kiểu chữ J, đi cùng công nghệ đèn Pixel LED. Cả hai phiên bản đều có kiểu mâm 20 inch 5 chấu kép nhưng khác về thiết kế.
Tay nắm cửa được dấu trong thân xe, cánh gió có thể nâng hạ theo tốc độ hoặc tùy chỉnh. Điểm khác biệt chính trong thiết kế bên ngoài của hai bản nằm ở ống xả phía sau, bản mui cứng là tròn, bản mui mềm là vuông, đều được đặt chính giữa.
Không gian nội thất với nhiều chi tiết bằng da và nhựa mềm, các đường chỉ đỏ được khâu nổi trong cụm màn hình giải trí và quanh khu vực cần số. Màn hình giải trí lớn, nhiều nút bấm và đồng hồ trung tâm hiển thị dạng điện tử. Nội thất hai bản không có nhiều điểm khác biệt, bản mui cứng sẽ có không gian để đồ lớn hơn do bản mui mềm phải hy sinh không gian để xếp mui.
Xe có 3 tùy chọn động cơ 2.0 Ingenium, 3.0 V6 siêu nạp và 5.0 V8 siêu nạp. Bản 2.0 cho công suất 300 mã lực, bản 3.0 là 380 mã lực, cả hai đều đi cùng dẫn động cầu, trong khi bản 5.0 đạt 575 mã lực, dẫn động bốn bánh toàn thời gian, tăng tốc 0-100 km/h trong 3,7 giây.
Tốc độ tối đa ở bản cao nhất có thể lên tới 300 km/h. Với thông số mà bản 5.0 mang lại, có thể so sánh ngang với một số mẫu siêu xe hiện nay. Tất cả các phiên bản đều sử dụng hộp số 8 cấp. Ngoại trừ bản 3.0, các bản còn lại đều có thể tùy chọn mui cứng hoặc mui mềm.
Mẫu thể thao hai cửa của Jaguar lần đầu được đưa về Việt Nam phục vụ nhóm khách hàng trẻ và yêu thích sự mới lạ cá tính. Các đối thủ cạnh tranh như 718, Boxster hay Cayman của Porsche. Ngoài ra một đối thủ giá mềm khác đến từ Đức là BMW Z4.
Các mẫu xe mui trần hay coupe thường có kiểu dáng đẹp, mạnh mẽ nhưng lại khá kén khách tại thị trường Việt Nam do công năng sử dụng hạn chế, giá bán cao.
Đoàn Dũng
Ảnh: Jaguar