Các kỹ sư tại Consumer Reports (CR) mới đây cho biết họ có thể “dễ dàng” đánh lừa hệ thống Autopilot của Tesla, để chiếc xe nghĩ rằng ai đó đang ngồi trên ghế lái. Điều đó có nghĩa là chiếc xe có thể được điều khiển mà không cần ai thực sự ngồi sau tay lái.
Các kỹ sư CR đã thực hiện phần trình diễn trên cung đường riêng bằng mẫu xe Tesla Model Y. Tổ chức phi lợi nhuận chuyên phục vụ lợi ích người tiêu dùng nổi tiếng của Mỹ này cho biết họ quyết định tiến hành cuộc kiểm tra sau khi nghe các thông tin về vụ tai nạn chết người ở Texas, liên quan đến một chiếc Tesla Model S mà dường như không có ai ngồi sau tay lái.
Hệ thống lái xe tự động của Tesla, và cả chế độ lái xe hoàn toàn (FSD) cao cấp mới được hãng phát hành gần đây, đều là hệ thống hỗ trợ người lái và không cung cấp khả năng lái xe hoàn toàn tự động. Tesla cảnh báo các lái xe phải luôn cảnh giác khi xe của họ ở một trong hai chế độ này.
Trong cuộc thử nghiệm, các kỹ sư CR đã mang chiếc Model Y đi trên cung đường thử nghiệm dài khoảng 800 mét.
Đầu tiên, Jake Fisher, giám đốc cấp cao về thử nghiệm ô tô của CR, sử dụng tính năng Autopilot và giảm tốc độ xuống 0. Điều này không làm mất tác dụng của hệ thống, và trong khi xe dừng lại, ông gắn một quả nặng vào vô lăng. Quả nặng này được sử dụng để bắt chước tay người lái đặt trên vô lắng. Sau đó, Fisher ra khỏi ghế lái, thắt dây an toàn tại chỗ và di chuyển đến ghế phụ.
Sau đó, ông cho tăng tốc độ và Autopilot bắt đầu điều khiển chiếc xe. Cứ như vậy, chiếc xe nghĩ rằng vẫn còn một người ngồi sau tay lái. Chế độ lái tự động không sử dụng camera hay bất kỳ thứ gì khác để đảm bảo người lái xe phải có mặt ở đó và chú ý đến con đường phía trước, điều mà các hệ thống của General Motors, Ford và các hãng khác đều làm.
“Hệ thống không chỉ không thể đảm bảo rằng người lái xe đang chú ý tới con đường mà còn không thể biết được liệu có người lái xe nào ở đó hay không”, Fisher nói. “Tesla đang tụt hậu so với các nhà sản xuất ô tô khác như GM và Ford, bởi trên các mẫu xe có hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến, họ sử dụng công nghệ để đảm bảo người lái đang nhìn đường.”
Những hệ thống mà Fisher nói sử dụng camera để đảm bảo có ai đó đang ngồi trên ghế lái và giám sát con đường phía trước, trong khi hệ thống của Tesla sử dụng một loạt cảm biến được thiết kế để đảm bảo rằng người lái có ít nhất một tay đặt trên vô lăng. Nếu không cảm nhận được bất kỳ bàn tay nào trên vô lăng, hệ thống của Tesla sẽ phát ra một loạt cảnh báo bằng âm thanh. Nếu cảnh báo bị bỏ qua sẽ khiến chiếc xe dần dần dừng lại. Nhưng một số video xuất hiện trên mạng xã hội trong những năm gần đây, cũng giống như thử nghiệm của CR, cho thấy người dùng có thể đánh lừa hệ thống, để chiếc Tesla tự điều khiển mà không cần ai ngồi sau tay lái.
Do Tesla không duy trì một bộ phận quan hệ công chúng nào nên không có bình luận nào được đưa ra.
Sau vụ tai nạn và khi sự cố nhận được sự quan tâm đáng kể từ chính phủ liên bang, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã tweet trên mạng xã hội rằng các bản ghi dữ liệu ban đầu cho thấy chiếc xe không được hỗ trợ Autopilot và không được trang bị phiên bản beta của chế độ lái hoàn toàn FSD.
Tuy nhiên, CR lưu ý chế độ lái tự động vẫn có khả năng mắc nhiều lỗi, giống như bất kỳ hệ thống hỗ trợ người lái nào khác được bán trên xe hơi. Và khi mắc lỗi, nó có thể tắt đột ngột, có khả năng dẫn đến tai nạn nếu người lái không chú ý và sẵn sàng chiếm lại toàn quyền điều khiển xe.
Bình luận duy nhất của Musk kể từ khi CR công bố phát hiện của mình là: “Có vẻ hơi kỳ lạ”, để đáp lại lời khẳng định của các chủ sở hữu Tesla rằng giới truyền thông đang “thực sự gia tăng các cuộc tấn công chống lại Tesla.”
Tham khảo Cnet