Thông thường một chiếc ô tô khi vận hành từ 3.000 đến 5.000 km hoặc 3 tháng nên thay dầu 1 lần, tùy vào từng dòng xe, đặc tính của động cơ được trang bị trên xe mà dầu nhớt dùng cho từng loại xe cũng khác nhau. Tốt nhất là bạn nên tham khảo chỉ dẫn của hãng sản xuất, các thông tin đó thường được ghi rõ trong “Tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng” (Owner’s Manual). Để đánh giá và lựa chọn dầu nhớt, có hai tiêu chí người sử dụng cần chú ý là cấp chất lượng API và cấp độ nhớt SAE.
Cách đọc cấp độ nhớt SAE
Dầu nhớt có độ nhớt đa cấp thường ký hiệu như sau: SAE 10W-30, 15W-40 và 20W-50, SAE 0W-40 v..v.. Chữ số đứng trước “W-” dùng để chỉ khoảng cách nhiệt độ mà loại dầu nhớt đó giúp động cơ khởi động tốt. Nhiệt độ đó được xác định bằng cách lấy 30 trừ đi con số đó, nhưng tính ở nhiệt độ âm. Ví dụ loại nhớt 15W-40 khởi động tốt ở -15 độ C. Phần số đằng sau “W-” càng lớn thì càng đặc, càng nhỏ thì càng loãng. Ví dụ xe hay đi phượt nên chọn loại nhớt đặc vì khi phượt thì máy sẽ nóng, dầu nhớt sẽ loãng ra là vừa, nếu cho nhớt loãng sẽ gây hiện tượng “ gào máy”. Còn đi trong thành phố thì bạn nên chọn nhớt loãng hơn để xe dễ khởi động sau khi dừng và khởi động nhiều lần.
Cách đọc cấp tính năng API:
Các cấp chất lượng của API cho động cơ chạy xăng là SA, SB, SC, SE, SF, SG,… đến cấp mới nhất hiện nay là API SN. API cho động cơ Diesel ký hiệu là CA, CB, CC, CD… Trong đó, chữ cái cuối dùng để phân biệt các cấp và được xếp theo bảng chữ cái, chữ cái càng đứng sau thì biểu thị cho phẩm cấp càng cao hơn. Ví dụ phẩm cấp API SN thì cao hơn SM, SM cao hơn SL.v.v… Hiện nay trên thị trường có thêm một vài loại dầu nhớt có giá thành hợp lý tính năng được đảm bảo. Người sử dụng xe có thể chọn loại dầu nhớt trên thị trường không bắt buộc dùng dầu nhớt của hãng nhưng phải có đặc tính kỹ thuật phù hợp và thương hiệu có tiếng để yên tâm về chất lượng. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến từ chính hãng, hoặc thay dầu tại các đại lý được ủy quyền của hãng xe mà mình đang sử dụng, đảm bảo thay đúng loại dầu cần thiết cho động cơ xe của mình.