Phương tiện mà Linda Barnes và chồng chọn đó là chiếc Porsche Taycan 4S – mẫu xe chạy điện hoàn toàn đầu tiên của Porsche, với phạm vi hoạt động khoảng 400 km sau mỗi lần sạc. Thông thường, với lộ trình nói trên, họ chỉ tốn cỡ 2 tiếng rưỡi nếu đi chiếc ô tô cũ. Đôi vợ chồng này không phải là những người sở hữu xe điện đầu tiên phàn nàn về mạng lưới sạc của Anh đang được bảo trì kém, phức tạp và cực kỳ khó tìm thông qua các ứng dụng và hệ thống thanh toán khác nhau. Những mẫu xe điện đời mới đòi hỏi bộ sạc công suất 50kW-100kW, nhưng rất khó để tìm và nếu tìm được thì khả năng chúng hoạt động được cũng rất thấp.
Anh đang lên kế hoạch cấm bán ô tô dùng động cơ đốt trong từ năm 2030, nhưng với cơ sở hạ tầng điện hiện tại, tham vọng đó đang bị thách thức. Linda Barnes khẳng định họ biết mình sẽ phải dừng lại để sạc trên đường về nhà, nhưng không nghĩ là họ sẽ xui đến vậy. “Chúng tôi rời Bournemouth khi xe báo còn đi được hơn 72 cây số nữa, sau đó dùng hệ thống định vị của xe để tìm tới bộ sạc nhanh gần nhất, cắm điện vào nhưng không có gì xảy ra cả”, cô nói. “Một nhân viên ở bãi đậu xe đó đã nói với chúng tôi rằng nó đã không hoạt động trong nhiều tuần”.
Sau khi đi lòng vòng để tìm vài trạm sạc khác, cặp đôi vẫn tự hỏi trong đầu liệu họ có thể phải ở lại một đêm trong khách sạn hay không. Họ tìm đến một garage Porsche và phát hiện có bộ sạc chậm, hy vọng trong đầu loé lên. Tại đây, họ gặp một người phụ nữ đang chờ sạc, cô ta nói với đôi vợ chồng rằng xe chỉ có thể sạc sau khi cô gọi cho đường dây nóng nhờ trợ giúp nhưng cũng vào thời điểm đó, đường dây này cũng hết giờ hoạt động. Tại trạm dừng tiếp theo, họ tìm thấy bộ sạc chậm 7kW và một hàng dài người đang chờ sạc. Mỗi người, chỉ có thời hạn 45 phút để sạc cho xe của mình và theo nhận định của Linda, nhiêu đó là vô ích.
Lúc này, có người chỉ cho cặp vợ chồng đến một khách sạn gần đó bởi có trạm sạc. Thay vì mạo hiểm lái xe đến đó, 2 vợ chồng quyết định gọi điện cho khách sạn và được nhân viên báo rằng họ không biết nó là loại sạc gì và cũng chẳng biết là còn hoạt động được hay không. Sau cùng, họ cũng tìm đến được 1 bộ sạc nhanh còn hoạt động tốt tại trạm dịch vụ thuộc đường cao tốc. Trước khi đến đây, họ tiếp tục tìm đến 2 trạm sạc khác không hoạt động, và gặp 8 trạm sạc mới tinh của Tesla trên đường nhưng vấn đề là những trạm đó chỉ dành cho chủ sở hữu xe Tesla. Tại thời điểm về đến nhà, pin của xe chỉ còn 11%.
“Chúng tôi đã trải qua toàn bộ cung bậc cảm xúc trong 9 tiếng đồng hồ đó – cam chịu, lo lắng, khó chịu và không tin rằng điều này đang xảy ra với mình. Cuối cùng không gì hơn đó là niềm phấn khởi khi nhận ra mình sẽ về được đến nhà”, Linda chia sẻ. “Đã có lúc tôi nghĩ là phải ngủ lại trong khu dịch vụ”.
Nghĩ rằng bản thân chỉ gặp xui xẻo trong chuyến đi chơi đầu tiên, ngày hôm sau, chồng của Linda lái xe đến thị trấn gần nhất, nơi có 3 điểm sạc trong một bãi đỗ xe. Trớ trêu, không có cái nào hoạt động. “Sau đó anh ta lái xe đến một quán rượu, nơi có một trạm sạc trong bãi đỗ xe, nhưng nó cũng không hoạt động. Không nản lòng, anh lái xe đến trạm nhiên liệu BP, nhưng trạm sạc điện ở đây cũng không hoạt động. Không có số đường dây trợ giúp nào ở điểm thu phí và nhân viên trong trạm dịch vụ thì cũng không thể giúp gì và nói rằng không liên quan gì đến họ”.
Linda cho biết giờ cô đã hiểu vì sao hầu hết các chủ xe điện đều sạc xe tại nhà qua đêm và tránh sử dụng mạng lưới sạc công cộng. “Chiếc xe của chúng tôi rất dễ lái và ô tô điện là tương lai. Tuy nhiên, ai đó cần phải xây dựng được cơ sở hạ tầng sạc”, cô nói. “Về mặt tích cực, chúng tôi đã phát hiện ra rằng chủ sở hữu xe điện là những người rất tốt và tất cả những người chúng tôi gặp đều đã ra sức giúp đỡ”.
Nguồn: The Guardian