Các cơ quan an toàn giao thông của Mỹ như NHTSA và NTSB vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn xe Tesla đã khiến hai người mất mạng ở tiểu bang Texas vào cuối tuần trước, nhưng trọng tâm cho câu hỏi chuyện gì đã xảy ra là liệu hệ thống bán tự lái Autopilot của Tesla có thể hoạt động mà không cần ai ngồi ở ghế lia hya không. Do đó, cơ sở nghiên cứu Consumer Reports đã tìm kiếm câu trả lời thông qua video dưới đây.
Jake Fisher, giám đốc kiểm tra ô tô tại Consumer Reports, đã lái một chiếc Tesla Model Y 2020 tới một đoạn đường đua khép kín để thực hiện thí nghiệm này. Ông ấy thắt dây an toàn, ngồi lên xe, và sau đó kích hoạt tính năng Autopilot trong khi vẫn ngồi trên ghế lái. Tiếp theo, ông ấy cài tốc độ về 0 bằng cách sử dụng chấu bên phải của vô lăng và đặt một sợi xích nhỏ với hai cuộn băng dính ở bên trái của vô lăng để mô phỏng lực tác động của tay người lái lên vô lăng như hệ thống yêu cầu.
Sau đó, Fisher di chuyển sang ghế hành khách phía trước và tăng tốc độ xe bằng cách sử dụng chấu vô lăng bên phải một lần nữa. Ông ấy đã tăng tốc lên khoảng 50 km/h, và chiếc xe chạy như thể có ai đó đang ngồi trên ghế lái. Nếu như có một cảm biến chỗ ngồi để phát hiện xem có ai đang ở đó hay không, vậy thì nó không được Autopilot sử dụng, ít nhất là không phải sau khi hệ thống được kích hoạt.
Qua thử nghiệm này, chuyên gia của Consumer Reports phát hiện hệ thống của Tesla không sử dụng cảm biến ghế và camera nhỏ theo dõi chuyển động mắt của người lái xe như các nhà sản xuất khác. Chẳng hạn như những hệ thống được giới thiệu gần đây trên một số xe Subaru, Ford và General Motors.
Thay vào đó, Tesla sử dụng các cảm biến ở vô-lăng và khóa dây an toàn để phát hiện xem có người ngồi sau vô-lăng hay không. Thí nghiệm của Consumer Reports đã chỉ ra yếu điểm của cách vận hành này.
Cuối tuần trước, một chiếc Tesla Model S đời 2019 đâm sầm vào một gốc cây ở ngoại ô Houston, Texas (Mỹ), khiến 2 người trên xe thiệt mạng. Cảnh sát cho biết họ tin rằng một người ngồi trên ghế hành khách phía trước và người kia ngồi ở ghế sau vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn.
Trước vụ việc nghiêm trọng này, Elon Musk, CEO của hãng xe điện giải thích trên Twitter rằng các bản ghi dữ liệu được khôi phục cho thấy Autopilot chưa được kích hoạt và chiếc xe gặp tai nạn cũng không mua tính năng Full Self Driving (tự lái hoàn toàn).
Tesla cho rằng chức năng Autopilot của xe sẽ không được kích hoạt nếu không có người ngồi ở ghế lái. Nhưng theo thử nghiệm của Consumer Reports, có vẻ như hệ thống này khá dễ bị “đánh lừa”.
Hiện tại, Autopilot chỉ mới cung cấp chức năng tự hành ở cấp độ 2, tức chỉ có thêm các tính năng an toàn chủ động để hạn chế va chạm. Người lái khi kích hoạt Autopilot luôn được cảnh báo phải để tay lên vô-lăng nhằm can thiệp khi phần mềm không hoạt động như ý muốn. Tuy vậy, nhiều chủ nhân của xe Tesla vẫn tìm cách để chiếc xe của họ có thể tự lái, đưa tính mạng của họ vào tình thế bị đe doạ.
Minh Long (Theo :zingnews.vn)