Tối qua đi công việc từ Đồng Nai về, gặp phải trận mưa lớn. Mệt quá nên không kiểm tra xe, cứ chạy thẳng vào gara rồi đi ngủ. Sáng ra phát hiện đèn pha cả hai bên đều đọng hơi nước.
Chuyện không của riêng ai
Loay hoay gần 1 tiếng đồng hồ kiểm tra nhưng không biết làm cách nào cho hết. Toát cả mồ hôi vì sợ ảnh hưởng hệ thống điện trên xe thì toi. Thế là lái thẳng ra tiệm sửa xe đầu đường để xử lý.Nhìn dáng vẻ lo lắng của tôi, anh thợ sửa xe cười bảo : “Cái này nhiều xe hay bị lắm, cứ để em lo, đâu lại vào đấy cả mà”. Với lại chiếc xe này còn mới, chưa có tháo lắp gì nên cũng nhanh thôi.Như để minh chứng cho lời nói của mình, cậu ta tỉ mỉ kiểm tra từng chi tiết trên đèn pha xem có bị trầy xước hay không. Sờ sờ, vuốt vuốt gioăng xe, miếng đệm xem có bị hở không.Một lúc sau thì khởi động xe, bật đèn và mở nắp chụp phía sau ra. Rồi để cho đèn đủ độ nóng và thoát hết không khí ẩm ra bên ngoài. Đậy nắp chụp đèn lại và tiếp tục theo dõi. 15 phút sau, triệu chứng đọng hơi nước này hết ngay.
Muôn vàn lý do khiến đèn đọng nước
Sau khi xong việc cậu ta bảo, đây chỉ là một trong số những nguyên nhân khiến đèn pha bị đọng hơi nước thôi. Nhiều trường hợp, chủ xe tháo đèn pha để lau chùi nhưng không cẩn thận khiến bộ phận này bị hở. Các gioăng cao su hay miếng đệm không còn khít như ban đầu.
Chưa kể, nhiều lúc va quệt khiến đèn pha dù không bị không vỡ nhưng có thể dẫn đến trầy xước. Gặp mưa là nước vào ngay, kết hợp với nhiệt độ của bóng đèn khiến bộ phận này bị đọng nước ngay.
Rồi một số người tập tành độ lại đèn xe để chiếc xe của mình trở nên sáng và ngầu hơn. Điều đáng nói là họ lại lựa chọn những nơi không uy tín để tiến hành thay đổi. Thế là các tay thợ thiếu chuyên nghiệp làm chiếc xe trở nên tồi tệ hơn hẳn. Tháp, lắp không đúng khiến bộ phận này bị biến dạng.
Cách khắc phục cũng tùy theo từng trường hợp cụ thể để đưa ra biện pháp. Nếu nhận thấy có rất nhiều nước trong đèn pha, cách dễ nhất để làm sạch là khoan một lỗ rất nhỏ ở phía dưới đèn pha để nước có thể chảy ra.
Nếu là dạng hơi nước ngưng tụ thì có thể tháo rời cá bộ phận đèn pha như chụp cao su, gioăng, miếng đệm lau sạch rồi đem phơi nắng. Nếu không thì có thể bỏ vào trong các tủ sấy chuyên dụng để làm khô sau đó lắp lại.
Đáng chú ý hơn nữa đó là trong quá trình sử dụng xe, bạn phải thường xuyên kiểm tra vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ hệ thống đèn ô tô như vậy mới giúp phát hiện ra được những vết nứt, hỏng hóc dẫn đến tình trạng ô tô bị đọng hơi nước.
Từ đó, có thể đưa ra được những giải pháp để khắc phục kịp thời giúp cho thiết bị luôn luôn hoạt động được một cách ổn định nhất. Tránh dẫn đến hậu quả nặng nhất là thay mới tất cả, rất tốn tiền.
Tuy chỉ là một triệu chứng nhỏ về đèn pha nhưng qua lời chia sẽ của anh thợ tôi mới biết rõ. Từ đó cũng hiểu, cần nên chăm chút chiếc xe của mình hơn, đừng vì một chút lười nhác mà khiến xế cưng của mình mau tàn tạ.
Theo cafeauto.vn
Nguồn: DailyXe