1. Liên tục đạp phanh khi xuống dốc
Thói quen này sẽ khiến má phanh cũng như đĩa phanh của bạn sớm bị mòn. Điều này sẽ dẫn tới việc bạn phải thay thế phụ tùng thường xuyên hơn và làm gia tăng chi phí sử dụng xe.
Trong một vài tình huống, khi dốc quá cao hoặc liên tục bóp phanh quá lâu, má phanh và đĩa phanh có thể bị quá tải nhiệt, dẫn tới hiện tượng mất phanh. Hãy tưởng tượng bạn đang đổ đèo mà bỗng dưng không còn phanh nữa, hậu quả lúc đó sẽ vô cùng khôn lường!
Mẹo nhỏ khi đi xuống dốc hoặc đổ đèo, đó là chuyển về số thấp đối với xe số sàn (hoặc số D – trên xe trang bị hộp số tự động). Khi đó, vòng tua động cơ sẽ bị đẩy lên cao hơn, nhưng xe sẽ được ghìm lại. Lúc này bạn có thể nhấp nhả liên tục chân phanh. Điều này cho phép má phanh và đĩa phanh hạ bớt nhiệt trước khi bạn tiếp tục đạp phanh.
2. Tỳ tay lên cần chuyển số
Chắc hẳn khi đi học lái xe, bất kỳ ai trong số chúng ta đều được thầy dạy lái hướng dẫn: luôn đặt cả hai tay lên vô-lăng. Điều này hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên rất nhiều tài xế lại có thói quen để một tay lên cần số. Nhất là đối với những chuyến đi dài và trên những chiếc xe có bệ tỳ tay trên hốc để đồ cạnh đùi phải của tài xế.
Thói quen tỳ tay lên cần số sẽ gây hại rất lớn đối với hộp số của xe. Bởi lẽ cần số luôn được liên kết trực tiếp với trục càng số. Khi chuyển số, trục càng số sẽ tiếp xúc và tác động lên các càng số, giúp thay đổi tỷ số truyền lực. Trục càng số và các càng số được thiết kế để tiếp xúc với nhau trong một thời điểm rất ngắn.
Khi tỳ tay vào cần số lâu, bạn vô tình khiến trục càng số phải tiếp xúc hờ với các càng số. Việc này lặp lại trong thời gian dài, sẽ khiến trục càng số và các càng số bị mòn ở phần tiếp xúc. Điều này có thể dẫn tới hỏng hộp số và đây chắc chắn là kịch bản không mong muốn đối với bất kỳ chủ xe nào.
3. Đạp ga “sát ván” khi đang ở số cao
Đối với các xe sử dụng hộp số sàn, thì việc xuống số cũng quan trọng tương tự như việc lên số vậy. Nó giúp cho động cơ luôn hoạt động ở ngưỡng vòng tua lý tưởng và đạt được sức kéo tốt nhất. Đối với các xe sử dụng hộp số tự động, máy tính sẽ giúp tài xế tính toán và tự điều chỉnh số phù hợp.
Vào số quá non, hay quá sớm là hành động điều khiển xe chạy ở dải vòng tua thấp, khi đang gài số lớn. Việc này sẽ ức chế động cơ, bắt động cơ phải “vắt sức” làm việc nhiều hơn bình thường. Về lâu dài, điều này sẽ làm giảm tuổi thọ động cơ. Còn ảnh hưởng tức thì là bạn sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Việc vào số non cũng khiến sức mạnh của xe yếu đi khi đang leo dốc hoặc chở tải nặng.
4. Chở quá tải
Mỗi chiếc xe đều có một mức trọng tải cụ thể, tức là ngưỡng cân nặng hàng hoá tối đa có thể chở và được ghi rõ trong hướng dẫn sử dụng. Bắt chiếc xe “gánh” quá trọng tải, đồng nghĩa với việc gia tăng sức ép lên động cơ, hộp số, hệ dẫn động, phanh và cả hệ thống treo của xe, khiến các bộ phận này phải làm việc quá công suất.
Do vậy, hãy bỏ ngay thói quen ôm đồm mọi thứ lên chiếc xe của mình, với ý nghĩ “quá một chút cũng không sao cả, cái xe là máy móc được sinh ra để phục vụ mình”. Điều này chỉ gây hại cho xe và khiến chúng ta mất thêm nhiều tiền bảo dưỡng hay thậm chí là sửa chữa xe mà thôi.
5. Chuyển ngay lập tức từ số tiến sang số lùi khi xe chưa dừng hẳn
Chắc hẳn trong những bộ phim hành động Hollywood, bạn đã từng thấy nhân vật chính đang đi tiến rồi bỗng sang số và kết hợp đánh vô-lăng, chuyển sang đi lùi ở tốc độ cao trong những pha rượt đuổi nghẹt thở. Nhưng trên thực tế, điều này lại hoàn toàn sai, nhất là đối với những chiếc xe sử dụng hộp số tự động.
Đừng cố thử chuyển sang số lùi khi xe chưa dừng hẳn. Hành động này sẽ chỉ khiến hộp số của bạn vỡ tan thành nhiều mảnh mà thôi. Thậm chí để hạn chế rủi ro cho khách hàng, nhiều hãng xe còn cố tình thiết kế để người lái không thể chuyển sang số lùi khi xe chưa ở trạng thái dừng hẳn.
6. Cố “vít ga” qua gờ giảm tốc hay ổ trâu
Khi va chạm quá mạnh với gờ giảm tốc hoặc ổ trâu, lốp xe có thể nảy lên và đập vào hốc bánh xe. Những cục đá có thể găm rất sâu vào lốp và lực tác động đủ để có thể làm cong méo vành xe. Ngoài ra, những cú va chạm mạnh cũng gây ảnh hưởng tới trục lái và vô-lăng xe.
Theo nghiên cứu thống kê của trang RAC thì “ổ voi” chiếm tới 1/3 số nguyên nhân gây ra hư hại cho xe ô tô. Thế nên tốt nhất là “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, các tài xế hãy luôn ý thức giảm tốc độ và đánh lái để tránh mặt đường xấu, nếu muốn giữ gìn chiếc xe của mình.
7. Phớt lờ các loại đèn cảnh báo
Các mẫu xe đời mới ngày nay có rất nhiều loại đèn cảnh báo khác nhau. Đối với một số loại cảnh báo như: cạn nước rửa kính hoặc cháy đèn thì bạn có thể tạm thời bỏ qua và khắc phục sau đó. Tuy nhiên có nhiều loại đèn cảnh báo mà các tài xế nên lập tức chú ý ngay khi phát hiện.
Một trong số các loại cảnh báo ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng hoạt động của xe là: Động cơ / ECU (bộ vi xử lý trung tâm), hệ thống phanh, mất trợ lực tay lái, túi khí, áp suất dầu, hệ thống làm mát… Để hiểu rõ về từng loại đèn cảnh báo cụ thể, mỗi tài xế nên tự nghiên cứu kỹ trong tài liệu hướng dẫn sử dụng khi mua xe.
8. “Vít” ga khởi động khi trời lạnh
Đây là kinh nghiệm không chỉ dành cho ô tô mà còn hữu ích đối với cả xe máy. Khi trời lạnh, đặc biệt là vào buổi sáng, các tài xế thường khó đề nổ xe. Do vậy hành động theo thói quen của mọi người thường là nổ máy và đạp chân ga thật sâu, để cho động cơ “rú” to lên, tránh việc máy đang hoạt động thì bị dừng lại đột ngột và phải đề nổ lại.
Tuy nhiên hành động này thực chất lại có hại cho động cơ. Ở nhiệt độ thấp, các tài xế nên khởi động xe nhẹ nhàng, để cho động cơ từ từ ấm lên và dầu máy có thể được bơm đủ để len lỏi tới mọi ngõ ngách. Những chi tiết máy khi hoạt động mà chưa có dầu, có thể gây ra ma sát lớn và bị mài mòn hoặc hỏng hóc.
9. Tỳ chân lên bàn đạp côn, rà côn
Nhiều tài xế lái xe số sàn thường có thói quen tỳ chân lên bàn đạp côn hoặc thường xuyên “mớm” chân côn để giữ cho động cơ hoạt động mượt mà hơn, không bị “khựng” và chết máy. Tuy nhiên thực chất đây lại là một thói quen gây hại cho xe.
Bởi lẽ chân côn được nối trực tiếp với bộ ly hợp, đóng vai trò ngắt – nối lực kéo từ động cơ tới hộp số. Khi đạp hết côn, đĩa ly hợp (hay còn gọi là lá côn) tách khỏi nhau và lực từ động cơ không truyền tới hộp số. Ngược lại, khi nhả hết côn thì đĩa ly hợp sẽ ép sát vào nhau và truyền lực từ động cơ tới hộp số. Việc để hờ chân côn khiến cho các đĩa ly hợp phải tiếp xúc hờ với nhau. Khi điều này diễn ra thường xuyên sẽ dẫn tới mài mòn các đĩa ly hợp, hay còn gọi là cháy côn.
Trường hợp bất khả kháng duy nhất mà các tài xế buộc phải mớm côn để vận hành xe là khi khởi hành ngang dốc. Đây cũng là một phần nội dung thi thực hành bắt buộc đối với những ai muốn sở hữu bằng lái xe hạng từ B2 trở lên ở Việt Nam.
10. Phanh gấp
Trong nhiều tình huồng, bạn sẽ buộc phải phanh đột ngột để giảm tốc phương tiện của mình, tránh xảy ra va chạm. Tuy nhiên nếu có thể, các tài xế nên cân nhắc rà phanh từ sớm. Việc này sẽ giảm tải rất nhiều cho hệ thống phanh. Bởi lẽ trong những cú phanh “lết đường”, hệ thống phanh sẽ phải làm việc quá tải.
Ngoài ra, việc phanh gấp có thể gây tổn hại tới má phanh, đĩa phanh và lốp, khiến các chi tiết này bị mòn đi nhiều hơn và phải tiến hành thay thế trước hạn. Và ưu tiên hàng đầu với các tài xế mỗi khi lưu thông vẫn là giữ tốc độ, tỉnh táo để đảm bảo an toàn.
Theo RAC