Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 15/2014/TT – BCA quy định về đăng ký xe được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 64/2017/TT-BCA thì những cơ quan có thẩm quyền cấp biển số xe ô tô, xe máy bao gồm:
– Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt;
– Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
– Trong trường hợp cần thiết, do yêu cầu thực tế tại các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa hoặc các địa phương có khó khăn về cơ sở vật chất, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, có thể quyết định giao Phòng Cảnh sát giao thông tổ chức đăng ký, cấp biển số xe theo cụm nhằm bảo đảm thuận tiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xe.
Ngoài những cơ quan trên thì các trường hợp khác sản xuất biển số xe đều trái phép và bị xử phạt.
Về xử lý hành chính: Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi sản xuất biển số trái phép sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số sản xuất trái phép và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Về xử lý hình sự: Người có hành vi sản xuất biển số xe giả có thể sẽ bị xử lý hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)